Lan toả tình yêu cái đẹp qua chương trình "Tìm hiểu Mỹ thuật Việt Nam"

VHO- Ngày 26.6.2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết chương trình "Tìm hiểu Mỹ thuật Việt Nam" trực tuyến đợt 2, năm 2023.

Lan toả tình yêu cái đẹp qua chương trình

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Chương trình "Tìm hiểu Mỹ thuật Việt Nam" trực tuyến do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với công ty công nghệ ATCom xây dựng nằm trong khuôn khổ hoạt động giáo dục của Bảo tàng, hướng tới công chúng yêu mỹ thuật nói chung, trọng tâm là học sinh, sinh viên trong các nhà trường, từ cấp Trung học cơ sở trong cả nước.
Chương trình được phát động từ ngày 16.11.2022. Trong 7 tháng diễn ra, đã có gần 5000 Lượt tham gia dự thi. Chương trình giúp các em “học mà chơi”, bằng cách trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, các bạn học sinh sinh viên đã có những phút giây hào hứng, vui vẻ. Các em bày tỏ sự yêu thích chương trình và nhiều em tham gia đạt kết quả cao.

Lan toả tình yêu cái đẹp qua chương trình

Phát biểu tại buổi lễ , TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, sức lan toả của cuộc thi có lẽ lớn hơn rất nhiều so với số lượng bài dự thi gửi về chương trình. Mục tiêu lớn nhất mà cuộc thi đạt được chính là lan toả tình yêu nghệ thuật, tình yêu mỹ thuật đối với các bạn trẻ. Thương hiệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, địa chỉ hàng đầu của cả nước, nơi lưu giữ các tác phẩm, sưu tập vô giá của các bậc danh hoạ và của mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ cũng được công chúng biết đến nhiều hơn.

Lan toả tình yêu cái đẹp qua chương trình

Theo ông Nguyễn Anh Minh, trong những nỗ lực của Bảo tàng nhằm đa dạng hoá các hoạt động và đến gần hơn với công chúng thì những hoạt động như chương trình “Tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng được tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị, hướng đến tình yêu cái đẹp, những giá trị nhân văn, chân thiện mỹ. 

Lan toả tình yêu cái đẹp qua chương trình

BTC trao giải Nhì cho hai thí sinh tham dự chương trình

“Thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác như ATCom nhằm tổ chức các chương trình tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam, đồng thời cải thiện nội dung và hình thức để cuộc thi dễ tiếp cận hơn với công chúng, hấp dẫn và thu hút nhiều hơn. Bảo tàng Mỹ thuật cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành từ phía các đối tác  để cùng góp phần trao truyền những giá trị mỹ thuật đến công chúng, đặc biệt hơn là sự đồng hành từ phía các nhà trường. Công nghệ rút ngắn hơn khoảng cách, người dự thi có thể ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ khi nào cũng có thể bước vào không gian trực tuyến để tham dự cuộc thi. Vì vậy, mong rằng các bạn trẻ sẽ lan toả nhiều hơn những thông tin về cuộc thi, lan toả tình yêu nghệ thuật, tình yêu mỹ thuật đến với đông đảo công chúng…”, TS. Nguyễn Anh Minh bày tỏ.

Lan toả tình yêu cái đẹp qua chương trình

Thay mặt các trường có học sinh tham gia chương trình, thầy Nguyễn Tuấn Sơn, Giáo viên Mỹ thuật Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Chương trình đã thu hút rất nhiều học sinh trường Nguyễn Tất Thành tham gia. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục các em học sinh về tình yêu nghệ thuật. Đặc biệt, chương trình này còn là một sự kết nối giữa Bảo tàng và nhà trường để có thể tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo hơn nữa trong thời đại công nghệ phát triển".

Lan toả tình yêu cái đẹp qua chương trình

Ba thí sinh đạt giải Ba cuộc thi "Tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam"

Thay mặt các học sinh được giải, em Nguyễn Khánh Trúc Hoa, học sinh lớp 7H4 trường Phổ thông Liên cấp Olympia phát biểu: "Em rất thích chương trình và rất vui, bất ngờ mình đạt được giải Nhì, em sẽ chia sẻ với các bạn để các bạn cùng tham gia với mình, và em cố gắng trau dồi kiến thức để đạt được thứ hạng cao hơn nữa".
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục mở cuộc thi “Tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam” trong thời gian tiếp theo nhằm xây dựng, duy trì sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần khơi dậy đam mê tìm hiểu và lan tỏa tình yêu nghệ thuật tới công chúng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Đây đồng thời cũng là một công cụ bổ trợ, giúp làm phong phú thêm chương trình giáo dục nghệ thuật trong các nhà trường.

PHƯƠNG NGÂN; ảnh: NGUYỄN HỮU

Ý kiến bạn đọc