Nhớ hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam

VHO- NGND, họa sĩ bậc thầy Nguyễn Thụ, Giải thưởng nhà nước về VHNT (2001) đã ra đi, hưởng thọ 94 tuổi, để lại niềm tiếc thương với gia đình, bạn bè, người thân và người yêu mỹ thuật. Lễ viếng và tiễn đưa ông được tổ chức vào sáng 29.6.2023, tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

Nhớ hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam - Anh 1

Hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL), Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, họa sĩ Nguyễn Thụ là người thầy vô cùng đáng kính trong giới mỹ thuật Việt Nam. Ông là người đã tạo nên phong cách vẽ tranh lụa rất riêng biệt.

Ông sinh ngày 12.12.1930 tại Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội. Năm 1946, ông tham gia đội Tuyên truyền thiếu sinh quân, quân khu 10. Năm 1947, thực hiện bức vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tường tại thị xã Lào Cai. Năm 1949, ông được cử đi học lớp vẽ cho bộ đội do chính hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang và kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật giảng dạy. Năm 1955, hoạ sĩ Nguyễn Thụ chính thức được vào học tại Trường Mỹ thuật (khoá Tô Ngọc Vân) cùng các đồng đội như  Văn Đa, Quang Thọ. Ông học Khoá 1 trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Sau đó, hoạ sĩ ở lại làm giảng viên tại trường.

Nhớ hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam - Anh 2

Tác phẩm Bác Hồ đi công tác

Năm 1984, ông được phong hàm Giáo sư, năm 1989 nhận danh hiệu NGND. Từ năm 1985- 1992, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Họa sĩ Nguyễn Thụ đã vinh dự nhận Giải thưởng nhà nước về VHNT (2001) và nhiều giải thưởng trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc: Giải Nhất (1980); Giải Nhì (1990, 1976); Giải Ba (1960), một số giải thưởng nước ngoài, tham gia triển lãm, giảng dạy tại nhiều nước; nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Ba… Hoạ sĩ cũng nhận được nhiều giải thưởng nước ngoài, tham gia triển lãm, giảng dạy tại nhiều nước (Bungari, Nga, Đức, Pháp, Thái Lan…). Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bảo tàng quốc gia, bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Nhớ hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam - Anh 3

Tác phẩm Vá áo, lụa

 Họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ, nói về họa sĩ Nguyễn Thụ, phải nói tới đóng góp to lớn của ông trên hai phương diện. Là NGND, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhiều năm liền, hoạ sĩ bậc thầy Nguyễn Thụ có đóng góp rất lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam tài năng, được giới mỹ thuật kính trọng, nể phục. Ông có phương pháp sư phạm giảng dạy đặc biệt, không bao giờ áp đặt ý kiến chủ quan mà luôn gần gũi, tâm tình, gợi mở để sinh viên khai thác, phát huy được tới tận cùng cái tôi sáng tạo nghệ thuật. 
Về sự nghiệp sáng tạo, theo hoạ sĩ Vi Kiến Thành, trước đây, chúng ta hay nghe nói đến họa sĩ bậc thầy Nguyễn Phan Chánh, thế hệ mỹ thuật Đông Dương vẽ tranh lụa, tiếp sau đó chính là họa sĩ Nguyễn Thụ với phong cách vẽ lụa rất riêng, mang đậm dấu vân tay cá nhân. Ông có nét vẽ giản dị, đôn hậu với những đề tài giản dị và gần gũi.

Nhớ hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam - Anh 4

Tác phẩm Làng ven núi

Tưởng nhớ người thầy Nguyễn Thụ, hoạ sĩ Hồ Trọng Minh nhắc về ông với vai trò vị hiệu trưởng thứ sáu của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, với 3 góc tiếp cận: Di sản nghệ thuật Nguyễn Thụ, Người thầy Nguyễn Thụ và Nhà hiền triết Nguyễn Thụ
Về di sản nghệ thuật Nguyễn Thụ, nói tới Nguyễn Thụ là nói tới tranh lụa Nguyễn Thụ. Một di sản lớn và thuần mỹ cho nền mỹ thuật của Việt Nam. Tranh lụa Nguyễn Thụ rất khác với các bậc thày trước đó như Nguyễn Phan Chánh, Trần Đông Lương, Nguyễn Tường Tam, tranh Nguyễn Thụ nhẹ nhàng thuần khiết và trữ tình.

Nhớ hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam - Anh 5

Miền Tây

“Nhưng nhìn sâu hơn, có lẽ Nguyễn Thụ toàn tài ở các chất liệu khác một cách nhẹ nhàng nhu nhuyễn. Ông sáng tác tranh lụa, nhưng cũng rất thành công với khắc gỗ và đồ hoạ tuyên truyền. Và đặc biệt với lũ chúng tôi, mấy đứa trò choai choai ương ương năm 2 đại học thì các bài ký hoạ hoặc hình hoạ của thầy luôn là mẫu mực để học theo…”,  hoạ sĩ Hồ Trọng Minh nhớ về thầy Nguyễn Thụ.
Nguyễn Thụ kết duyên với lụa có lẽ bởi tính cách, nhưng cũng có lẽ bởi duyên định cùng đề tài miền núi. Với kiến thức mỹ thuật phương Tây được học tại Trường, ông nhanh chóng đi vào sáng tạo với phong cách phương Đông nhuần nhị mà thấm đẫm tình người. Từ cảm xúc của thuỷ mặc trong suốt ở tác phẩm Mưa (1957) tới phong cách thể hiện lụa nhẹ nhàng, điểm thêm một chút điệp trắng cho cách nhành hoa ban trong Ghé qua bản (1970), Mùa đông (1995). Có lẽ, Nguyễn Thụ là người đầu tiên sử dụng điệp trên tranh lụa mà lại sử dụng rất duyên dáng, sang trọng.

Nhớ hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam - Anh 6

Tác phẩm Phong cảnh miền núi

Ông được học chuyên ngành đồ hoạ và lụa nên đây đương nhiên là các chất liệu quen thuộc. Bên cạnh các tác phẩm lụa, Nguyễn Thụ còn sáng tác nhiều tranh cổ động. Ông là đồng tác giả của bức tranh cổ động nổi tiếng nhất trong quân đội Việt Nam là Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân (Nguyễn Thụ, Huy Oánh-1970)…
Với vai trò Người thầy, từ năm 1962, thầy Nguyễn Thụ đã giảng dạy cho tới những năm đầu thế kỷ XXI. Hơn nửa thế kỷ giảng dạy, biết bao thế hệ học trò đã được học ông. Hoạ sĩ Hồ Trọng Minh nhớ: “Tại đại học, chúng tôi được thầy hướng dẫn vẽ lụa với cách vẽ không rửa, không nhuộm. Rồi sau đó lại được dạy bồi tranh. Thầy khá kỹ trong việc chọn hồ và giấy bồi tranh, những tranh bồi theo cách của thày không bị cứng đơ và mất hết xơ lụa. Lên cao học, thầy dạy vẽ hình hoạ và chuyên chất liệu lụa. Cách giảng dạy nhẹ nhàng, và thường hay ký hoạ cùng với học viên ngay tại lớp”. 

Nhớ hoạ sĩ Nguyễn Thụ, người thầy đáng kính của mỹ thuật Việt Nam - Anh 7

Tác phẩm Mẹ con

Nhìn từ góc độ nhà hiền triết Nguyễn Thụ, phong cách sống Nguyễn Thụ vừa sang trọng vừa gần gũi. Hoạ sĩ luôn nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng rất rõ ràng. Từng lời góp ý đều mang tính gợi mở và tạo cảm xúc cho sinh viên. 
“Mọi người cũng sẽ nhớ về Nguyễn Thụ với vẻ ung dung tự tại và những lời khuyên bảo nhẹ nhàng. Phải chăng là biểu hiện rõ nhất của nhà hiền triết! Chúng tôi học ở thầy nhiều điều từ nghề nghiệp tới cách sống. Nhưng với tôi, có lẽ là ngưỡng mộ thầy với tài năng và tâm hồn trong sáng, hồn hậu, một thế giới quan và nhân sinh quan rất nhân văn…”, hoạ sĩ Hồ Trọng Minh bày tỏ. 

MỘC THANH; ảnh: FB hoạ sĩ HỒ TRỌNG MINH

Ý kiến bạn đọc