Dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 124 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Hồng Sơn

VHO - Sáng 29.6, tại Khu mộ và Nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn, chiến s cách mạng tiền bối của Đảng (29.6.1899-29.6.2023).

Đồng chí Lê Hồng Sơn có tên khai sinh Lê Văn Phơn (thường gọi là Lê Văn Phan). Sinh năm 1899 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, với phong trào đấu tranh mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản diễn ra sôi nổi khắp cả nước, Nam Đàn đã trờ thành nơi quy tụ các văn thân sỹ phu yêu nước và sục sôi với phong trào Đông Du. Nối tiếp truyền thống của quê hương và các thế hệ tiền bối, ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành người cộng sản kiên trung. Vì vậy, năm 1920, ông đã từ giã gia đình, bạn bè, quê hương lên đường sang Thái Lan bắt đầu sự nghiệp cứu nước. Tại Trại Cày - Thái Lan (một cơ sở yêu nước của người Việt Nam do cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa gây dựng), Lê Văn Phan đổi tên là Lê Hồng Sơn. Tiếp đó, ông được Đặng Thúc Hứa gửi sang Hải Nam (Trung Quốc) học tập. Cuối năm 1920, Lê Hồng Sơn đến Quảng Châu.

Dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 124 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Hồng Sơn - ảnh 1

Các đại biểu và người dân dâng hương, dâng hoa tại nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Sơn

Tháng 3.1921, tại Hàng Châu (Trung Quốc), Lê Hồng Sơn gặp Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm. Năm 1923, ông cùng Hồ Tùng Mậu và một số thanh niên yêu nước ở Quảng Châu thành lập tổ chức “Tâm Tâm xã”. Tháng 6.1924, Trường quân sự Hoàng Phố của Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn được thành lập theo mẫu hình của Hồng quân Liên Xô. Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Trương Văn Lĩnh đã trúng tuyển vào học khoá đầu tiên của trường. Cuối năm 1924, sau khi được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Sơn đã hiểu thế nào là Chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Lê Hồng Sơn cùng tám thanh niên ưu tú được Nguyễn Ái Quốc chọn vào tổ chức Thanh niên Cộng sản đoàn và ông được kết nạp Đảng. Tốt nghiệp trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Sơn gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc. Lê Hồng Sơn trở thành trợ thủ đắc lực của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc đào tạo huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam.

Dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 124 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Hồng Sơn - ảnh 2

Nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn tại huyện Nam Đàn

Với những hoạt động cách mạng của mình, đồng chí lê Hồng Sơn đã từng bước trở thành cán bộ cốt cán, lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong những năm đầu thành lập Đảng. Khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập (1925), đồng chí Lê Hồng Sơn là một trong những người đầu tiên tham gia hội và được cử vào Tổng bộ. Và sau này, đồng chí Lê Hồng Sơn còn là một trong những thành viên của nhóm Cộng sản Đoàn - hạt nhân của tổ chức Đảng Cộng sản. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn tham gia viết bài, xuất bản tờ “Thanh niên”, tham gia tổ chức mở các lớp huấn luyện cán bộ; tham gia tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Chính những hoạt động tích cực của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã làm cho phong trào công nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, đến năm 1929, ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Đồng chí Lê Hồng Sơn giữ vai trò quyết định trong việc ra đời của tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và tham gia vận động hợp nhất các tổ chức Cộng sản hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi Đảng được thành lập, đồng chí Lê Hồng Sơn được phân công ở lại hoạt động trong Chi hội Việt Nam của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông” thuộc Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Trong suốt 13 năm hoạt động ở nước ngoài đồng chí tham gia 3 vụ án hình sự: trừng trị tên phản động Phan Bá Ngọc, tên toàn quyền Méc lanh và tên tay sai chỉ điểm Kiêm Quang Ích... Ông chính là tấm gương người cộng sản dũng cảm, kiên trung, sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập của quê hương, Tổ quốc. 

Dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 124 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Hồng Sơn - ảnh 3

Mộ đồng chí Lê Hồng Sơn tại huyện Nam Đàn, Nghệ An

Với 25 lần thay tên đổi họ là 25 lần Lê Hồng Sơn được Đảng giao cho những nhiệm vụ khác nhau để hoạt động cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn hai lần bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, trục xuất khỏi Trung Quốc. Lần thứ ba, sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 1932, Lê Hồng Sơn một lần nữa bị nhà chức trách Thượng Hải bắt giam và chuyển cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương quản thúc và xử lý, đưa về giam ở nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam Triều tại Nghệ An kết án tử hình. Sau ba lần bị địch bắt và dùng mọi thủ đoạn tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ nhưng không thể nào khuất phục được bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ngày 20.2.1933, Lê Hồng Sơn bị xử bắn tại quê nhà xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn.

Dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 124 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Hồng Sơn - ảnh 4

Lãnh đạo huyện Nam Đàn dâng hương bày tỏ lòng thành kính tại Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn. Ảnh: Hồng Sương

Mặc cho kẻ thù hăm doạ, bà con nhân dân vẫn đưa Lê Hồng Sơn về an táng tại một gò cao ở Dăm Nêu, cách nơi xử bắn 300 m. Năm 1947, chính quyền địa phương tổ chức cải táng đưa thi hài liệt sĩ Lê Hồng Sơn cùng hai liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh về an táng tại đình làng. Năm 1958, hài cốt Lê Hồng Sơn tiếp tục được đưa về nơi trước đây đồng chí bị xử bắn. Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn nằm cạnh đường Quốc lộ 46, trong khuôn viên đẹp với diện tích 805 m2. Ngày nay khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn trở thành nơi tưởng niệm của Đảng và nhân dân trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia (Quyết định số 1423QĐVH ngày 23.7.1998).

Tại Khu mộ và Nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với cách mạng Việt Nam. Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn; đồng thời tuyên truyền, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, đổi mới sáng tạo, hy sinh, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

                                                                                                                  PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc