“Người Việt nói tiếng Việt”: Không chỉ là từ điển tham khảo tiếng mẹ đẻ

VHO- Đi cùng sự phát triển của xã hội, tiếng Việt cũng ngày càng phong phú, nhiều từ ngữ mới xuất hiện. Nhằm để mọi người có thể hiểu kỹ và yêu quý hơn tiếng mẹ đẻ, sáng ngày 1.7, tại Đường Sách TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu và giới thiệu cuốn sách Người Việt nói tiếng Việt của nhà báo Nguyễn Quang Thọ. Cuốn sách như một cẩm nang đề cập đến những sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trước nay bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa.

“Người Việt nói tiếng Việt”: Không chỉ là từ điển tham khảo tiếng mẹ đẻ - Anh 1

Tác giả tại buổi giao lưu

10 năm trau dồi từ sách đến đời sống

Qua quá trình ông Nguyễn Quang Thọ đóng vai “mọt sách” gặm nhấm một loạt từ điển đã ấn hành, ông phát hiện ra có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót hoặc đã thâu nhận nhưng cách giải thích là chưa thỏa đáng. Tại buổi giao lưu, tác giả chia sẻ rằng Người Việt nói tiếng Việt là tập hợp những điều ông nghĩ, nhưng “nghĩ” đã 10 năm. Cuốn sách là chắt lọc từ kinh nghiệm học thuật, quá trình “thu nhặt” kiến thức từ những năm du học Đức của ông, ông tin rằng tiếng Việt là "di sản của cha ông, là bài học nằm lòng của mỗi người, muốn biết nhiều thì phải học nhiều, học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống lỗ". Cuốn sách với độ dày hơn 380 trang, tập hợp 600 thành ngữ và tục ngữ không có mặt trong từ điển, mặc dù rất thông dụng trong đời sống. Sách gồm ba phần chính Mắt thấy tai nghe, Nói gần nói xa và Đánh trống qua cửa nhà sấm. 

Thông qua cuốn sách, ta sẽ thấy những thành ngữ, tục ngữ còn bị bỏ sót, hoặc từ điển giải thích mà ông Nguyễn Quang Thọ cho rằng chưa chính xác như: Nhạt như nước ốc ao bèo; Bầu sao nấu nước ao cũng ngọt; Làm ruộng thì gia, làm nhà thì tốn; Mồm như cái tĩ vịt… Hoặc có các từ thú vị mà chúng ta sẽ bắt gặp và nghe thấy đâu đó trong đời sống thường ngày như: Ăn cơm trước kẻng; Chạy mất dép; Tiền trao cháo múc; Nằm mơ giữa ban ngày; Mảnh tình vắt vai; Cạp đất mà ăn; Hái ra tiền; Nói cho vuông; Nhà mặt phố, bố làm quan; Nóng chảy mỡ; Thấy thương luôn; Thở oxy; Liều ăn nhiều; Khóc tiếng Miên;...

Cũng nhân dịp giao lưu và giới thiệu tác phẩm Người Việt nói Tiếng Việt, nhà văn, nhà báo Lê Minh Quốc đã có nhận định: “Không những thế, nhà báo Nguyễn Quang Thọ còn bổ sung thêm một loạt từ mới, cách nói mới vừa xuất hiện trong đời sống gần đây, đa dạng, biến hóa tài tình trong hành trình phát triển của tiếng Việt. Không chỉ kỳ công mà còn là một trong những cách thể hiện tấm lòng mình về tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt. Mà một khi yêu lấy tiếng Việt tận xương tủy cũng chính là yêu lấy non sông gấm vóc nước Việt đấy thôi”.

Thành ngữ, tục ngữ xuất phát từ những lời ăn tiếng nói hàng ngày, từ những điều gần gũi và giản dị nhất. Điều này cũng được tác giả gửi gắm vào bìa cuốn sách là những mảnh vải bố được chắp vá với nhau bằng kim bằng chỉ, chúng đều là những vật dụng đời thường trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Việt. Bên cạnh đó, tại buổi giao lưu tác giả Nguyễn Quang Thọ cũng chia sẻ thêm về những mảnh vá trên bìa với mục đích là muốn "vá những lỗ thủng của các cuốn từ điển" nhưng đồng thời cũng đang "vá cả cái dốt của mình".

“Người Việt nói tiếng Việt”: Không chỉ là từ điển tham khảo tiếng mẹ đẻ - Anh 2

Tác phẩm Người Việt nói tiếng Việt

Tình yêu của ngôn ngữ bắt nguồn từ tình yêu đối với mẹ

Tác giả Nguyễn Quang Thọ xúc động khi hồi tưởng về quá khứ ở chiến trường, ông chỉ ước được nghe tiếng mẹ “chửi”. Từ đó, ông thấy rằng tình yêu của ngôn ngữ giúp cho ông càng yêu mảnh đất quê hương, yêu vốn liếng mà cha ông để lại và ông muốn giữ gìn, lưu truyền nét đẹp này qua những con chữ trong đứa con tinh thần Người Việt nói Tiếng Việt của mình.

Ông Nguyễn Quang Thọ chia sẻ cuốn sách này không giúp độc giả trả lời được hết mọi câu hỏi mà giúp độc giả đặt ra nhiều câu hỏi. Qua đó, đem đến cho bạn đọc một cách tiếp cận mới với những vấn đề còn đang vướng mắc, cung cấp ngữ liệu cho nhiều thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, trao đổi về những lời giải nghĩa theo ông là chưa chuẩn và lưu ý vài sai sót kỹ thuật khá nghiêm trọng trong từ điển. “Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều. Học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống lỗ. Mỗi ngày sống là một ngày điền dã”, ông bày tỏ.

Tác giả tâm sự về thành ngữ của người Việt: “Người Việt nói Tiếng Việt có nghĩa là đang nói tiếng đẻ, không nên du nhập quá nhiều từ những đất nước khác rồi quên mất cội nguồn, chỉ sợ đầu không nghĩ, chứ còn một khi đã nghĩ thì tiếng Việt luôn được duy trì và tồn tại. Và để diễn tả được các khung bật cảm xúc thì không gì hay bằng thành ngữ, thành ngữ đa dạng các thái độ diễn tả, việc không biết thành ngữ cũng không khác gì đánh mất bản sắc dân tộc”.

Một động lực nữa khiến tác phẩm được ra đời là do tác giả Nguyễn Quang Thọ không muốn “ngó lơ” những cái sai của tiếng Việt được lưu truyền, “đọc không thông chép không thạo” là tình trạng mà các tác giả dễ vướng phải, ông cho rằng nếu không nói ra thì những lỗi sai này sẽ không bao giờ được sửa, rồi cái sai sẽ lan truyền đến tận thế hệ sau, gây ra những hệ lụy làm mất vẻ đẹp vốn có của tiếng Việt. 

Khi được hỏi về việc có sợ những tranh cãi khi viết cuốn sách này hay không thì nhà báo Nguyễn Quang Thọ cho rằng sẽ có những điều tranh cãi được nhưng cũng có những điều thì không. Theo ông, nếu cuốn sách ra đời mà không ai cãi lại thì đây là một thất bại, cũng như chương trình Vua Tiếng Việt trên VTV nếu không ai cãi lại cũng là một thất bại.

Tại buổi giao lưu, tác giả và độc giả đã cùng nhau trao đổi những băn khoăn về Tiếng Việt. Nhà báo Trần Ngọc Châu đến tham dự chương trình bày tỏ: “Cuốn sách có một cái tên mang hàm nghĩa rộng, giữa ngôn ngữ viết và nói sẽ có sự phân biệt rõ ràng, nhưng ông Thọ đã giới hạn rõ nội dung của cuốn sách ở bìa sách rằng sách này sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trước nay bị từ điển bỏ sót hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa. Sách về các đề tài về tiếng Việt còn hiếm, ít, việc xuất hiện của Người Việt nói Tiếng Việt đã gợi mở cho người trẻ  mạnh dạng hơn trong việc phản biện, thảo luận về tiếng Việt trong xã hội”.

Bốn ngàn năm ròng rã ngược xuôi tiếng Việt không bao giờ mất đi, tiếng Việt còn chính là nước ta còn. Cuốn sách vừa có giá trị tham chiếu cho các nhà ngôn ngữ học, nghiên cứu ngôn ngữ vừa giúp độc giả hiểu thêm về vẻ đẹp đặc sắc trong hành trình phát triển của tiếng Việt. 

 Y BÌNH - MỘNG THÚY

Ý kiến bạn đọc