Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi

VHO- Ngày 3.7 tại TP. Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc phối hợp Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2023; triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 – 2025 khu vực phía Nam, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai giai đoạn 2026 – 2030.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Anh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu khai mạc Hội nghị

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry, lãnh đạo TP. Cần Thơ cùng các địa phương khu vực Nam Bộ.

Đây là Hội nghị thứ ba do Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức sau các Hội nghị cho các tỉnh, thành khu vực phía Bắc được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang vào trung tuần tháng 6.2023 và cho các tỉnh, thành  duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua tại tỉnh Khánh Hòa.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào DTTS và miền núi khu vực phía Nam có 308 xã (chiếm 8,97% xã được phân định của cả nước) tại 13 tỉnh, gồm 246 xã khu vực I, 7 xã khu vực II, 55 xã khu vực III và 356 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), chiếm 2.69% thôn ĐBKK vùng DTTS và miền núi của cả nước. Dân số của cả khu vực khoảng 17.342.195 người, trong đó có 1.724.068 người DTTS (chiếm khoảng 9.94%). Phần đông người DTTS nơi đây sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán. Tỷ lệ giảm nghèo DTTS năm 2023 ước giảm bình quân 1,89%.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Anh 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các đại biểu chủ trì Hội nghị

Tuy mới triển khai thực tế tại các địa phương từ nửa cuối năm 2022 đến nay, Chương trình được các địa phương chủ động và nỗ lực triển khai thực hiện, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, nên một số chỉ tiêu dự báo sẽ hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao vào cuối năm nay. Tiêu biểu như tỉ lệ xã, thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, cứng hóa; tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới, các nguồn điện khác phù hợp và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác về con người như tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi, tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi ở khu vực phía Nam đã đạt và vượt so với các khu vực khác. Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu nói trên đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Anh 3

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hoá… tập trung vào địa bàn ĐBKK vùng đồng bào DTTS; hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần... của đồng bào. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, trên cơ sở nguồn lực của Chương trình và sự nỗ lực của các địa phương, đến nay nhiều xã, thôn ĐBKK đã thoát khỏi diện ĐBKK, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 
Bên cạnh mục tiêu rà soát, đánh giá kịp thời tiến độ, kết quả triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình tại các địa phương, hội nghị cũng chia sẻ các giải pháp để nâng cao năng lực công tác quản lý, tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn 2021-2025. 

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc