Cây lúa Việt “bén hơi” trên đất bạn Lào

VHO- Những ngày mùa, dọc theo tuyến biên giới tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và tỉnh Sê Kông (Lào), hình ảnh những cánh đồng lúa vàng ươm trải dài bên những cánh rừng xanh đẹp của nước bạn Lào như một bức tranh đồng quê yên ả của quê hương.

Cây lúa Việt “bén hơi” trên đất bạn Lào - Anh 1

Ông Thọn Khăm bên di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể chuyện cây lúa nước Việt Nam bén rễ nơi đất Lào

Điều thú vị hơn, những cánh đồng lúa ở các xã giáp biên của nước bạn Lào có nguồn gốc từ Việt Nam, được gieo trồng, chăm sóc với sự hướng dẫn của đồng bào Cơ Tu, huyện Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam).

Hai bản Tăng Noong, Tăng La Tăng thuộc huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) chỉ có vài chục nóc nhà, hỏi chuyện làm kinh tế, xuống đồng sản xuất của đồng bào, mọi người ở đây vui vẻ kể về hành trình đưa cây lúa nước của Việt Nam sang trồng trên những cánh đồng sát biên giới. Ông Thọn Khăm, Chủ tịch Mặt trận bản Tăng Noong, kể: Giai đoạn mới giải phóng, đồng bào các bộ tộc Lào ở bản Tăng Noong không đủ cái ăn. Cây lúa nếp trên rẫy gặt về không đầy gùi. Đến mùa gặt, người ở Tăng Noong vẫn thường sang giúp người thân, bạn bè là đồng bào Cơ Tu ở các huyện Nam Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam thu hoạch lúa. “Mỗi lần thu hoạch, thấy lúa nước bên Việt Nam tốt tươi, bội thu, cầm nặng tay, sướng con mắt, cứ ước ruộng nhà mình cũng được vậy. Khi được bạn bè tặng gùi thóc mang về Lào, bà con đã không ăn mà để dành làm lúa giống”, ông Thọn Khăm nhớ lại.

Cây lúa Việt “bén hơi” trên đất bạn Lào - Anh 2

 Những cánh đồng lúa tại bản Tăng Noong vào mùa

Lúc mới đầu, bà con học theo đồng bào Cơ Tu, cũng khai hoang vỡ đất để cấy lúa, nhưng không hiểu sao, lúa trổ bông, hạt lép kẹp, dựng đứng, mà người làng khi ấy cứ ví là như “mũi giáo”. Rồi cũng nhờ cán bộ biên phòng, người dân ở Quảng Nam sang chỉ cách gieo cấy, hướng dẫn nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm mới có được mùa màng bội thu như bây giờ. Người làng Tăng Noong vẫn nhớ ơn ông Zơ Râm Pao, khi đó còn là Phó Chủ tịch UBND xã La Êê (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã sang chỉ cho cách lấy nước suối đưa về ruộng thường xuyên chứ không phải chỉ đưa nước về lúc cấy hoặc gieo hạt và bỏ hẳn lúa rẫy. Chỗ nào đất cao quá là be bờ chắn, làm máng dẫn nước về ruộng. Rồi đến lượt con trai ông Zơ Râm Pao, anh Zơ Râm Pênh, là cán bộ của Đồn Biên phòng La Êê, mỗi dịp đi công tác sang Tăng Noong, Tăng La Tăng đều mang theo sách hướng dẫn về cách ủ lá cây, làm chuồng cho trâu bò để lấy phân bón cho cây lúa nữa.

Ruộng nhà ông Thọn Khăm bây giờ có hơn 5 ha, ông khoe lúa làm ra ăn không hết. Nhờ canh tác theo kỹ thuật trồng lúa nước bên Việt Nam, người dân Tăng Noong không còn đói ăn mùa giáp hạt. “Từ đó lúa trúng lắm, mỗi lần thu hoạch, gùi nhiều lần về nhà mà vẫn chưa hết lúa. Bà con ưng cái bụng, thi nhau khai khẩn thêm ruộng đất dọc những con suối để trồng lúa nước”, ông Thọn Khăm kể. Bây giờ bản Tăng Noong đã có được cánh đồng lúa nước hơn 40 héc ta, lúa trúng mùa có khi thu hoạch không kịp. Ngoài việc nhân rộng diện tích lúa nước thì đồng bào ở các bản cũng áp dụng kỹ thuật trồng lúa nước của bà con Cơ Tu cho cây lúa nếp của Lào. 

Cây lúa Việt “bén hơi” trên đất bạn Lào - Anh 3

Bà con các bản thu hoạch lúa

Hành trình cây lúa nước Việt Nam bén rễ ở đất Lào được già làng Thon Đề ở Tăng Noong kể cũng không kém phần thú vị. Theo lời kể của già làng, trước đó nữa, người có công đưa cây lúa nước trồng ở vùng đất này là ông Lê Viết Muồng (sinh năm 1928, mất năm 2018), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông. Ông Muồng là người ở xã Cẩm Nam, TP Hội An (Quảng Nam), được biết đến cái tên tiếng Lào là Bô Nhơn. Năm 1948, ông được Đảng, Nhà nước cử sang giúp nước bạn Lào xây dựng lực lượng nhằm đấu tranh giải phóng khu vực Nam Lào. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông đã trải qua bao gian khổ, nguy hiểm, bằng nhiều cách hóa thân thành đồng bào dân tộc bản địa Lào nhằm tuyên truyền vận động, xây dựng cơ sở để phát triển lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở khu vực Nam Lào. Không chỉ vậy, ông đã hướng dẫn người dân trồng lúa nước, tự chủ được nguồn lương thực, thoát khỏi cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt.

Cây lúa Việt “bén hơi” trên đất bạn Lào - Anh 4

Rồi còn có ông Zơ Râm Ghin, một người bạn của già làng Thon Đề, cũng chính là bác ruột của ông Zơ Râm Pao, đã từng tham gia chiến đấu, làm giao liên gùi đạn ở chiến trường Đại Lộc, Đắc Pre (Nam Giang), A Sò (Tây Giang). Thời kháng chiến, ông Ghin cũng thường sang các bản Tăng Noong, Tăng La Tăng, Tăng Dơi,… bày dân bản kỹ thuật gieo cấy lúa nước, cách lấy nước đưa về ruộng, cách gieo mạ, ngâm đất ruộng thành bùn rồi cấy lúa… Dân bản Tăng Noong, Tăng La Tăng rất quý cán bộ biên phòng, những người bạn, gia đình 3 thế hệ ông Ghin, ông Pao, anh Pênh đã giúp đồng bào Lào phát triển cây lúa nước. 

 … Từ đó lúa trúng lắm, mỗi lần thu hoạch, gùi nhiều lần về nhà mà vẫn chưa hết lúa. Bà con ưng cái bụng, thi nhau khai khẩn thêm ruộng đất dọc những con suối để trồng lúa nước.

(Ông THỌN KHĂM, Chủ tịch Mặt trận bản Tăng Noong)

 

H.MINH - T.HOÀI

Ý kiến bạn đọc