Cuộc thi Piano TP.HCM: Thúc đẩy phong trào âm nhạc cổ điển và phát hiện tài năng âm nhạc trẻ tuổi

VHO - Sau ba năm gián đoạn, Cuộc thi Piano TP.HCM năm 2023 (tên tiếng Anh: HCMC Piano Competition 2023) do Nhạc viện TP.HCM tổ chức chính thức trở lại, sẽ diễn ra từ ngày 6-9.7.

Cuộc thi Piano TP.HCM: Thúc đẩy phong trào âm nhạc cổ điển và phát hiện tài năng âm nhạc trẻ tuổi - Anh 1

Thí sinh tham gia Cuộc thi Piano TP.HCM lần 6 năm 2019 tại buổi tổng kết, trao giải

Cuộc thi dành cho thí sinh thuộc mọi quốc tịch. Xung quanh công tác tổ chức và mục đích, ý nghĩa cuộc thi, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, Phó Trưởng BTC đã có những chia sẻ dành riêng trên Báo Văn Hóa.

* P.V: Có thể nói Cuộc thi Piano TP.HCM là một sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp hiếm hoi dành cho những tài năng và người đam mê bộ môn này. Đại diện BTC, bà có thể cho biết rõ hơn về ý nghĩa của cuộc thi đối với đời sống âm nhạc hiện nay?
 - Bà Nguyễn Mỹ Hạnh: Piano là bộ môn đang rất phát triển tại TP.HCM hiện nay. Trước đây Piano là một trong những nhạc cụ được du nhập vào TP.HCM tương đối sớm và phát triển phổ biến ở những TP lớn. Đây cũng là nhạc cụ mà thông thường những người học âm nhạc chuyên nghiệp rất cần đến sự hỗ trợ (ví dụ những môn như ký xướng âm, hòa âm…), do đó việc học tập, truyền bá và hiểu biết về nhạc cụ này cũng như những tác phẩm viết cho piano là việc làm hết sức thiết thực, ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong cộng đồng âm nhạc, kể cả người Việt Nam cũng như nước ngoài.

Biểu diễn và thi đấu tài năng là những hoạt động nghệ thuật gắn liền với cuộc đời nghệ sĩ sân khấu nói chung và nghệ sĩ piano nói riêng. Đối với các nghệ sĩ piano không chuyên và chuyên nghiệp ở mọi lứa tuổi, các cuộc thi piano là dịp để họ thử thách bản thân, giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tích lũy kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Những cuộc thi này là cơ hội quý báu để các nghệ sĩ có dịp cạnh tranh, cọ sát cũng như học hỏi lẫn nhau về chuyên môn, đồng thời có thể nhận được những đánh giá, nhận xét quý báu từ các giám khảo chuyên nghiệp trong và ngoài nước. 

Cuộc thi Piano TP.HCM: Thúc đẩy phong trào âm nhạc cổ điển và phát hiện tài năng âm nhạc trẻ tuổi - Anh 2

Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM Nguyễn Mỹ Hạnh

Cuộc thi còn nhằm thúc đẩy phong trào âm nhạc cổ điển, tạo môi trường sinh hoạt âm nhạc lành mạnh, thú vị và bổ ích cho thanh thiếu niên và phát hiện những tài năng âm nhạc trẻ tuổi. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy nghệ thuật Piano chuyên nghiệp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung dần phát triển lên tầm cỡ quốc tế, góp phần tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng của Thành phố. 

* Được biết đây là lần thứ 7 cuộc thi diễn ra, xin bà cho biết trải qua những lần tổ chức, Cuộc thi Piano TP.HCM đã có những bước phát triển như thế nào?

- Nhạc viện TP.HCM thành lập từ năm 1956 và là một trong ba cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp lớn nhất cả nước. Ngoài việc đào tạo chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên, năm 2011, chúng tôi thành lập Trung tâm Bồi dưỡng Năng khiếu âm nhạc, dành cho đối tượng không chuyên nghiệp, từ đó số lượng và chất lượng học viên của trung tâm ngày càng phát triển. 

Đến mùa hè năm 2014, để tạo một sân chơi mới cho học viên bộ môn piano của trung tâm, bộ môn có số lượng học viên đông nhất, cũng để thúc đẩy phong trào học piano cổ điển tại TP.HCM, chúng tôi quyết định tổ chức Cuộc thi Piano Amateur. Ngay lần đầu tổ chức đã có hơn 60 thí sinh tham gia, với tinh thần phấn khởi, hân hoan và hết sức nghiêm túc. Sau 3 năm liên tục tổ chức, cuộc thi ngày càng nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các giảng viên, thí sinh từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Long An, Bình Dương, Kiên Giang, Huế, Đà Lạt, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang… 

Năm 2017 là một bước ngoặt mới, Cuộc thi Piano Amateur phát triển thành Cuộc thi Piano TP.HCM với sự tham gia của các thí sinh nhóm chuyên nghiệp, các giám khảo uy tín đến từ nước ngoài. Chất lượng thí sinh được nâng cao hơn và cuộc thi được tổ chức ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn…

Mục đích mới của cuộc thi là tạo cơ hội cho các thí sinh tranh tài, thử sức, ngày càng hoàn thiện khả năng chuyên môn và bản lĩnh của bản thân với sự nhận xét, đánh giá của các giám khảo giàu kinh nghiệm. Kể cả các Cuộc thi Piano Amateur thời kỳ đầu đến cuộc thi năm nay đã là lần thứ 7. Các học viên, sinh viên, học sinh piano ở các trung tâm âm nhạc, trường âm nhạc không chuyên và chuyên nghiệp tại nhiều thành phố trong nước, nhất là TP.HCM đã dần biết đến và yêu mến, trân trọng Cuộc thi Piano TP.HCM.

Trong những lần tổ chức, chúng tôi nhận thấy có một số thí sinh đã trở lại tham gia cuộc thi nhiều lần như một thói quen định kỳ để kiểm tra khả năng chuyên môn của mình sau một năm rèn luyện. Đó là những tín hiệu đáng mừng, là thành công của cuộc thi sau nhiều năm cố gắng để luôn giữ vững và phát huy chất lượng. Để cuộc thi ngày càng nâng tầm, chúng tôi luôn đề cao chất lượng chuyên môn, cố gắng mời được các giám khảo có uy tín trong nước và trên thế giới để các giải thi luôn đạt thực chất, luôn đạt giá trị cao. 

Cuộc thi Piano TP.HCM: Thúc đẩy phong trào âm nhạc cổ điển và phát hiện tài năng âm nhạc trẻ tuổi - Anh 3

Thí sinh tham gia cuộc thi chia thành hai nhóm, nhóm Professional - thí sinh chuyên nghiệp và nhóm Amateur dành cho các thí sinh không chuyên

* Bà có thể thông tin về quy định đối tượng thí sinh tham gia cuộc thi và thành phần Hội đồng giám khảo?

- Thí sinh thuộc mọi quốc tịch đều được tham gia cuộc thi, chia làm hai nhóm: Nhóm Professional (chuyên nghiệp) gồm các thí sinh chuyên ngành piano từ các Nhạc viện, Học viện âm nhạc, Cao đẳng/Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật hoặc các trường Đại học có khoa Piano chuyên ngành. Còn lại là nhóm Amateur dành cho các thí sinh không chuyên. Nhóm thí sinh chuyên nghiệp chia thành 3 bảng: Bảng A cho thí sinh dưới 11 tuổi, Bảng B từ 12 – 16 tuổi và Bảng C từ 17 tuổi trở lên. Nhóm thí sinh không chuyên chia thành 4 bảng: Bảng A dành cho thí sinh dưới 8 tuổi, Bảng B từ 9 – 11 tuổi, Bảng C từ 12 – 16 tuổi và Bảng D từ 17 tuổi trở lên. 

Trong năm 2023, chúng tôi đã mời các nghệ sĩ tên tuổi đảm nhiệm vị trí giám khảo của hai nhóm. Đối với nhóm chuyên nghiệp, Hội đồng giám khảo gồm 5 thành viên: TS. Lê Hồ Hải, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Piano, Nhạc viện TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhóm Professional; GS. Jérôme Granjon, giảng dạy tại Nhạc viện Vùng Paris và Nhạc viện Quốc gia Pháp tại Lyon; GS. Ng Chong Lim, nguyên giám khảo Cuộc thi Piano Chopin Quốc tế ASEAN lần thứ 5, 6 và 7, nguyên giảng viên tại Đại học Malaya (Malaysia); PGS.TS. Nguyễn Huy Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường, nguyên Phó trưởng khoa Piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; TS. Eva Joo Eun Young, giảng dạy Sau đại học tại Nhạc viện TP.HCM. 

Ở nhóm không chuyên, Hội đồng giám khảo gồm 4 thành viên: ThS. Nguyễn Thùy Yên, Phó Trưởng Khoa Piano, Nhạc viện TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhóm Amateur; GS.TS. Park Jee Won, giảng dạy và Chủ nhiệm Sau đại học tại Đại học Sangmyung ở Seoul, Hàn Quốc; ThS. Phạm Trọng Chương, nguyên Trưởng khoa Piano Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; ThS. Phạm Nguyễn Anh Vũ, giảng viên khoa Piano, Nhạc viện TP.HCM. 

Năm nay, số lượng thí sinh dự thi rất đông, mỗi nhóm thi đều phải trải qua 2 vòng, lịch thi của các nhóm được bố trí xen kẽ nhau… Dự kiến cả hai hội đồng giám khảo sẽ làm việc hết công suất (cả 3 buổi: Sáng, chiều, tối) vì cuộc thi chỉ gói gọn trong 4 ngày, bao gồm cả lễ khai mạc - biểu diễn chào mừng, lễ bế mạc - trao giải, trong khi lượng thí sinh rất nhiều. 

Thành phần Hội đồng giám khảo ở cả hai nhóm đều có các chuyên gia, nghệ sĩ người nước ngoài, bên cạnh đảm bảo yếu tố khách quan và tính chuyên môn cao, cũng sẽ tăng thêm uy tín cuộc thi. Ngoài ra, thành phần giám khảo đến từ nhiều nước, sẽ mang đến sự đa phong cách, giúp các giám khảo có thể giao lưu, học hỏi nhau, nhất là các giảng viên của Nhạc viện TP.HCM. 

* Được biết sau 3 năm gián đoạn, năm nay cuộc thi tổ chức trở lại, bà có thể đánh giá số lượng cũng như chất lượng thí sinh năm 2023?

- Như trên tôi có chia sẻ, mục đích Cuộc thi Piano TP.HCM là để các thí sinh giao lưu, học hỏi và BTC tìm kiếm những tài năng trẻ, từ tài năng đó ươm mầm và thúc đẩy tình yêu âm nhạc, tạo nguồn cho những hệ đào tạo chính quy hoặc âm nhạc chuyên nghiệp của các trường. Sau khi tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, hai năm sau 2015 và 2016 Nhạc viện đều tổ chức, năm nào cũng thu hút lượng thí sinh nhất định. Tuy nhiên thời điểm ấy lượng thí sinh chưa được phong phú như bây giờ, vào khoảng 60-130 em. 

Đến 2017, Nhạc viện TP.HCM nhận thấy nếu chỉ tổ chức cho đối tượng không chuyên thì chưa đủ, vì nhiều em chuyên nghiệp có nhu cầu giao lưu, khẳng định tài năng. Chúng tôi cũng nhận thấy các bạn đang học ở Nhạc viện TP.HCM cũng như các cơ sở đào tạo âm nhạc khác trong cả nước cần phải có thêm sân chơi chuyên nghiệp để thi đấu tài năng đỉnh cao. Trong khi hiện tại ngoài chương trình học ở Nhạc viện, thỉnh thoảng vẫn có một vài cuộc thi được tổ chức ở Hà Nội hoặc một số cuộc thi quốc gia… nhưng quá ít ỏi.

Các bạn trẻ đang học piano chuyên nghiệp cần có một nơi giao lưu và chứng tỏ khả năng. Chính vì thế, năm 2017 Nhạc viện TP.HCM mở rộng thêm bảng thi dành cho thí sinh chuyên nghiệp. Lúc này số lượng thí sinh tăng lên đáng kể và bắt đầu có những thí sinh người nước ngoài như Hàn Quốc tham gia. Đến năm 2018, 2019 thì năm nào cũng có lượng thí sinh ổn định. Giai đoạn 3 năm từ 2020-2022 cuộc thi tạm gián đoạn vì dịch Covid-19. Năm nay Nhạc viện TP.HCM mới quyết định tổ chức lại, và so với các năm trước, số lượng thí sinh chính thức của hai nhóm thi lên đến 175 em, rất cao so với từ trước đến nay, trong đó có nhiều thí sinh nước ngoài. 

Qua ghi nhận cho thấy thí sinh đến với cuộc thi ở cả hai nhóm đều có độ tuổi trải rộng biên độ, trong đó ở nhóm chuyên nghiệp, có thí sinh từ 10-25 tuổi, ở nhóm không chuyên có thí sinh từ 6-28 tuổi, nghĩa là BTC quy định độ tuổi dự thi tới đâu thì có thí sinh độ tuổi đó tham gia… Điều này cho thấy hiện nay lượng thí sinh yêu thích và đang theo học về piano rất đông đảo, đa dạng. Khi độ tuổi mở rộng thì chúng ta sẽ thấy được nhiều phong cách, tính chất, mục đích phong phú, đa dạng. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những thí sinh nhỏ, mới 6 tuổi nhưng các em đã đăng ký dự thi (các thí sinh đều trải qua vòng sơ loại ban đầu), vậy phải nói là trước đấy các em đã được tiếp xúc với cây đàn piano và phải có một năng khiếu nhất định thì các em mới tự tin để bước lên sân khấu, các em khẳng định mình là nghệ sĩ. 

Đối với các thí sinh lớn tuổi cũng vậy, lâu nay có tình trạng các bạn lớn tuổi thường sẽ ngại bước lên sân khấu, hoặc những ngón tay, khớp cơ cũng trở nên cứng hơn, không được mềm mại, uyển chuyển như lúc còn nhỏ tuổi, tuy nhiên, cuộc thi năm nay có những thí sinh 28 tuổi (đối với nhóm không chuyên), tín hiệu này cho thấy thực sự có nhiều người quan tâm và muốn khẳng định tài năng trên sân khấu chuyên nghiệp. 

Với số lượng thí sinh đông đảo, BTC rất hy vọng mức độ chọn lọc thí sinh cũng sẽ đa dạng, tăng tính cạnh tranh và hứa hẹn chọn lựa được nhiều tài năng. Bên cạnh số lượng thí sinh tăng, tín hiệu vui nữa là cuộc thi hội tụ được thí sinh 3 miền. Ở nhóm chuyên nghiệp, có cả những thí sinh đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các trường âm nhạc chuyên nghiệp khác trong nước.

Trong năm 2023, chúng tôi đã mở rộng không giới hạn độ tuổi cho mọi đối tượng yêu thích piano cổ điển. Nhạc viện TP.HCM cũng chào đón các khán giả yêu thích piano cổ điển đến xem, đặc biệt là các bạn trẻ. 

* Xin cám ơn bà!

Cuộc thi Piano TP.HCM năm 2023 diễn ra từ ngày 6-9.7. Trong đó, Lễ Khai mạc và Hòa nhạc chào mừng vào 19h ngày 6.7; Lễ Bế mạc và Trao giải vào chiều ngày 9.7, tại Phòng Hòa nhạc – Nhạc viện TP.HCM.

Cuộc thi trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba cho mỗi bảng thi, ngoài ra còn có các giải khuyến khích. Đặc biệt, các thí sinh nhóm không chuyên đạt giải nhất, nhì, ba ở các bảng và đủ điều kiện về độ tuổi thi vào Nhạc viện TP.HCM sẽ được tuyển thẳng vào học hệ chính quy khoa Piano (không phải qua kỳ thi tuyển sinh tháng 7.2023). 

Các thí sinh được dự thi trên cây đại dương cầm Steinway&Sons D-274 tiêu chuẩn thế giới. Đây là một trong những mẫu đàn nổi tiếng và phổ biến nhất trên các sân khấu piano cổ điển trên thế giới. Đàn dài 274 cm, nặng 500 kg, với kết cấu khung gỗ được ép từ 20 lớp gỗ quý maple và mahogany, bộ dây đàn từ thép Thụy Điển cao cấp có thể chịu lực căng 20.000 kg, Steinway&Sons D-274 đem đến tiếng đàn trầm ấm và đầy uy lực qua phần trình diễn của các nghệ sĩ.

THÙY TRANG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc