Nâng tầm, khẳng định thương hiệu các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế

VHO- Khẳng định ý nghĩa và sức lan toả của các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch được Bộ VHTTDL tổ chức trong thời gian qua, góp phần khẳng định dấu ấn, vai trò và vị thế của ngành VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để tạo thêm nhiều hơn dấu ấn đổi mới, sáng tạo và đặc biệt nhằm nâng tầm các sự kiện do Bộ VHTTDL trong thời gian tới, các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ cần đặt câu hỏi: Làm thế nào để tạo nên những thay đổi đó? Một trong những giải pháp là thay đổi cách thức, nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch ở quy mô quốc gia, quốc tế.

Nâng tầm, khẳng định thương hiệu các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc về dự thảo Đề án tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế giai đoạn 2024-2026

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc chiều 5.7 về dự thảo Đề án tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế giai đoạn 2024-2026. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt; lãnh đạo cấp trưởng các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ.

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm xây dựng, tổ chức và nâng cao hiệu quả các hoạt động VHTTDL, tạo động lực, mục tiêu góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Qua đó, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nâng tầm, khẳng định thương hiệu các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế - Anh 2

Toàn cảnh buổi làm việc

Nhiều ý kiến góp ý dự thảo đã được lãnh đạo các đơn vị nêu tại buổi làm việc. Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong, những nội dung này nên xây dựng thành kế hoạch, rõ ràng về mục đích và tính khả thi. Đồng thời, phải có các tiêu chí cụ thể để xác định sự kiện nào là cấp quốc gia, sự kiện nào là cấp Bộ. 

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để tạo sức lan toả, các đơn vị cần lồng ghép, phối hợp để tổ chức các chuỗi sự kiện có quy mô, dấu ấn.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam nhấn mạnh, dù là sự kiện lớn hay nhỏ thì việc xác định địa điểm tổ chức là khâu quan trọng. Các sự kiện cần bám sát các dấu mốc kỷ niệm quan trọng của đất nước, từ đó xây dựng kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho rằng, đối với sự kiện Năm du lịch quốc gia là sự kiện đã dần có thương hiệu, cần tính toán để có sự đổi mới, tổ chức với quy mô và các hoạt động thực sự nổi bật, tạo dấu ấn và sự lan toả, tác động đến đời sống và nguồn thu của các địa phương.

Nâng tầm, khẳng định thương hiệu các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế - Anh 3

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị để xây dựng dự thảo Đề án với tương đối đầy đủ các  sự kiện, hoạt động lớn mà Bộ VHTTDL sẽ tổ chức trong những năm 2024-2026. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, không nên dàn trải mà cần lựa chọn, tập trung vào những sự kiện nổi bật, đơn cử như Liên hoan phim, Đại hội TDTT là những sự kiện có tầm vóc và ảnh hưởng sâu rộng. “Ngoài ra, chúng ta cũng cần tư duy về việc tạo ra các sự kiện mới, lồng ghép các hoạt động và có sự phối hợp của các Cục, Vụ chức năng. Để nâng tầm ảnh hưởng của các sự kiện lớn do Bộ tổ chức, cần rà soát lại tổng thể cũng như từng sự kiện”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, với các lĩnh vực quản lý rộng, phong phú, mỗi năm các sự kiện được Bộ VHTTDL tổ chức với tần suất lớn, với các quy mô khác nhau. Trong đó, nhiều sự kiện để lại dấu ấn quan trọng, tạo sức lan toả, góp phần khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của ngành trong đời sống chính trị- kinh tế- xã hội nói chung của đất nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh hiệu ứng và sức lan toả, việc tổ chức các sự kiện vẫn còn có vấn đề nảy sinh, bất cập cần giải pháp khắc phục.

Nâng tầm, khẳng định thương hiệu các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế - Anh 4

Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương

Dự thảo Đề án tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế giai đoạn 2024-2026 được xây dựng là cần thiết. Bộ trưởng yêu cầu, để có sản phẩm được ban hành, các Cục, Vụ, đơn vị chức năng của Bộ cần phối hợp chặt chẽ hơn để cùng nhau rà soát, chú trọng tính hiệu quả.

“Đảm nhận thực thi những nhiệm vụ quan trọng, chúng ta cũng phải tự đặt ra câu hỏi: cần làm gì để thực sự tạo nên những dấu ấn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Văn hoá được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, với những giá trị văn hoá, nghệ thuật phục vụ nhân dân, tuy nhiên, những giá trị đó phải được thể hiện bằng những sản phẩm cụ thể, đó là các sự kiện, chương trình có quy mô, tầm vóc. Toàn ngành cần luôn trăn trở điều này và phải cố gắng hết sức để tạo nên những thay đổi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nâng tầm, khẳng định thương hiệu các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế - Anh 5

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh

Bộ trưởng lưu ý,  để tìm câu trả lời, chúng ta cần có nhiều cách nhìn mới, tư duy mới để nâng tầm các sự kiện. Không nên chỉ đóng khung, rập khuôn theo lối mòn cũ. Cần xác định mục tiêu xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động quy mô cấp quốc gia, quốc tế trên các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch trong giai đoạn 2024-2026. Từ đó, nêu lên những mục đích và yêu cầu cụ thể, khẳng định mục tiêu tổ chức các hoạt động mang tầm vóc quốc gia, quốc tế phải đạt các tiêu chí về sức lan tỏa, đáp ứng tính chất của các sự kiện, đảm bảo các tiêu chí về thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành gắn với các sự kiện trong nước và quốc tế, đặc biệt là gắn với nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các Đại lễ lớn cấp quốc gia, trong đó có vai trò của Bộ VHTTDL.

Nâng tầm, khẳng định thương hiệu các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế - Anh 6

Bộ trưởng cũng yêu cầu, cần phải tạo sự thống nhất, hợp tác, phát huy sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, tiết kiệm, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách Nhà nước cấp và huy động thêm nguồn lực xã hội hoá. Đảm bảo tính chất cân đối giữa các vùng, miền trong tổ chức các hoạt động, hướng đến mục tiêu xoá “khoảng trống” về văn hoá.

“Hiện nay vẫn có những vùng, miền mà người dân ở đó còn không biết đến một đêm nghệ thuật là gì, một bộ phim điện ảnh như thế nào. Bởi vậy, những chương trình chiếu phim, đêm nghệ thuật được tổ chức ở những địa chỉ này thực sự có ý nghĩa, có sức thu hút  đông đảo người dân. Đó chính là thực tế đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm, phải điều phối việc tổ chức các chương trình, sự kiện để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng miền, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho  nhân dân. Từ mục tiêu đó, phải xác định nội dung cụ thể, tính khả thi để tổ chức thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nâng tầm, khẳng định thương hiệu các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế - Anh 7

Trên cơ sở những mục tiêu này, Bộ trưởng lưu ý, phải đặt ra những yêu cầu cụ thể. Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cần tổ chức đảm bảo hiệu quả cao, thực chất, không theo phong trào. Đặc biệt, phải có kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn của ngành trong các năm 2024-2026, bám sát các sự kiện chính trị, những dấu mốc kỷ niệm lớn của đất nước để thiết kế các hoạt động, trên tinh thần không chọn quá nhiều việc mà chỉ lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, phân bổ trong không gian, thời gian đảm bảo tính cân đối chung. Các sự kiện cần rõ về tính chất, quy mô, địa điểm, thời gian, cơ quan chủ trì, công tác lồng ghép, phối hợp…

“Trên cơ sở dự thảo đã có, cần rà soát và nhóm lại các sự kiện, hoạt động, chú trọng tính lan toả, tích hợp nhân lên hiệu quả. Ví dụ, một sự kiện văn hoá, thể thao được tổ chức sẽ tạo ra cú hích gì với du lịch. Chuỗi sự kiện gắn kết giữa điện ảnh và du lịch được Bộ VHTTDL tổ chức vừa qua tại Nha Trang là một sáng kiến mang lại hiệu quả lớn, cần xem là tiền đề, điển hình cho các sự kiện có tính chất kết hợp khác học tập. Bên cạnh đó, cần đặc biệt bám sát các nhiệm vụ chính trị, cổ vũ và lan toả nhiều hơn mục tiêu, nhiệm vụ mà toàn ngành đang tập trung thực hiện về xây dựng môi trường văn hoá cơ sở”, Bộ trưởng chỉ đạo.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc