Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”: Hiểu về chiến tranh để biết trân quý hòa bình

VHO- Sau thành công với hai tiểu thuyết Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời, lần này, nhà văn Nguyễn Một tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc của những cuốn tiểu thuyết trước để đào sâu vào mảnh đất hiện thực, những vỉa tầng mới của sự phi lý gây nên bởi chiến tranh, thông qua tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín.

Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang trong giai đoạn rực lửa. Nhưng suy cho cùng, đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình, bởi xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, con người mang thân phận khác nhau. Bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước đang bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh. Sơn - nhân vật chính luôn bị giằng xé bởi tình cảm, lý trí khi anh ta không đứng về bên nào trong cuộc chiến này.

Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”: Hiểu về chiến tranh để biết trân quý hòa bình - Anh 1

Cuốn sách là những câu chuyện trong giai đoạn tang thương của đất nước. Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến, số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến vô tri được nhấn mạnh bằng một thủ pháp khác với hai tiểu thuyết trước của nhà văn Nguyễn Một. Bằng sự dồn dập, gấp gáp, tác giả Nguyễn Một đã tái hiện lại chân thực về cuộc chiến ở giai đoạn thảm khốc thông qua các chi tiết: “Tin tức chiến sự dồn dập, đạn nổ pháo bay khắp nơi từ nông thôn đến thành thị. Những quả phụ trẻ khăn tang trắng vẫn bồng con nhỏ đi lãnh tiền tử tuất, những thương phế binh chiều chiều vẫn chống nạng đến quán rượu của bà Mười trước cổng nhà ga để uống rượu, bình luận về cuộc chiến và... chửi thề”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định đây là cuốn tiểu thuyết trọn vẹn về chiến tranh nhưng với cách nhìn khác và mới mẻ hơn. Trong tiểu thuyết, người trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là người Mỹ hầu như không hiện diện. Nguyễn Một thông qua sự xuất hiện dày đặc các nhân vật trong tiểu thuyết khiến cho người đọc liên tưởng đến một xã hội thu nhỏ. Nỗi giày vò, số phận, tính cách của mỗi con người đều được hiện lên rất rõ. Có thể nói, chiến tranh đi qua và “xé nát” tất cả cuộc đời các nhân vật trong đó, về tình yêu, quan hệ, gia đình, những giấc mơ và bao nhiêu điều khác nữa. Cách viết của Nguyễn Một đẩy người đọc vào trong chính cuộc chiến này như họ thể họ là nạn nhân, người tham gia chống lại cuộc chiến... dù không tham dự trực tiếp vào cuộc chiến này. “Bước ra” từ cuộc chiến, bạn đọc biết trân quý những giá trị của hòa bình.

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama chia sẻ:“ Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một, cũng như các tác phẩm trước đó về chiến tranh ở Việt Nam đã truyền động lực, niềm tin mạnh mẽ về tương lai hòa bình của đất nước chúng tôi. Những tác phẩm về chiến tranh giúp tôi hiểu hơn về đất nước Việt Nam”.

Nhà văn Tạ Duy Anh đã thốt lên rằng “Đọc những đoạn văn như vậy chỉ thấy hãi hùng. Và nó sẽ khiến ta phải gào lên những câu hỏi không bao giờ có lời đáp. Nhưng chiến tranh là như thế. Nó biến tất cả thành vô lý, vô nghĩa”

Nhà văn Nguyễn Một (sinh năm 1964) là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Truyện ngắn Trước mặt là dòng sông từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết Đất trời vần vũ đoạt giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 2010, được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Mỹ với nhan đề Heaven and Earth in Tumult.

NAM ANH

Ý kiến bạn đọc