Hàng loạt thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum bị cắt giảm công suất: Lãng phí tài nguyên nước nên phải "cầu cứu"

VHO- Từ tháng 3 đến nay, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải (ngừng huy động công suất), không được Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực.

Hàng loạt thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum bị cắt giảm công suất: Lãng phí tài nguyên nước nên phải

 Nhà máy Thủy điện Đăk Trưa 1 ở xã Đắk Psi, huyện Đăk Hà (Kon Tum)

Những doanh nghiệp (DN) này đã phải có đơn tập thể “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Không tiết giảm công suất sẽ… bị sa thải?

Phản ánh với Văn Hóa, đại diện các thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum cho rằng, việc thường xuyên bị cắt giảm công suất gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà máy thủy điện. Để tránh bị sa thải, các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế.

Ông Hoàng Văn Xuân, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Đức Bảo cho biết, đơn vị có 2 nhà máy, gồm thủy điện Đắk Trưa 1 (công suất 4,8 MW) và Đắk Trưa 2 (công suất 4 MW). Hiện tại phía điện lực không cho phát vượt, chỉ cho phép phát theo giấy phép khai thác và năng lượng điện trung bình năm. Ông Xuân cho hay, khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10.2023 là thời điểm lượng mưa nhiều nhất, lượng nước đổ về rất lớn. Nếu áp dụng theo hợp đồng đã ký kết với Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) thì đơn vị không thể tận dụng hết lượng nước mưa này do không thể phát vượt (10% công suất thiết kế nhà máy).

“Đặc điểm thủy điện vừa và nhỏ là không có diện tích lòng hồ hoặc lòng hồ rất nhỏ. Nếu không cho huy động tối đa công suất nhà máy theo cơ chế chi phí tránh được (là chi phí sản xuất 1 kWh của tổ máy phát có chi phí cao nhất trong hệ thống điện quốc gia) thì rất lãng phí tài nguyên nước. Vì nước về bao nhiêu đều chảy qua tràn, qua cửa xả bấy nhiêu chứ không giữ được”, ông Xuân nói. Tương tự, ông Trần Văn Trưởng, Trưởng phòng Sản xuất, Công ty Thủy điện Đắk Glei cho biết, đơn vị có đầu tư Nhà máy thủy điện Đắk Ru 1 ở xã Đắk Nhoong, huyện Đăk Glei (Kon Tum) với công suất 7MW và đơn vị cũng đang lâm vào cảnh khó khăn do không thể huy động công suất tối đa. “Thủy điện chúng tôi không có lòng hồ nên không thể giữ nước, điều tiết nguồn nước vào mùa mưa, nếu không cho phát vượt thì nguồn nước này sẽ lãng phí. Trong khi theo thiết kế của nhà máy thì được phép vượt 20% công suất. Những năm trước không hề có quy định này”, ông Trưởng nói.

Ông Đỗ Văn Quyết, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Minh Phát (chủ đầu tư thủy điện Đắk Psi) cho biết thêm: “Hiện nay các Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Nam cũng không áp dụng việc sa thải các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát vượt công suất, các nhà máy vẫn được huy động công suất bình thường. Không hiểu vì sao EVN CPC lại không cho phát vượt, việc này gây lãng phí nguồn nước và ảnh hưởng đến các DN”. Theo ý kiến của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum, tại Thông tư 40/2014 của Bộ Công thương, trừ trường hợp xảy ra quá tải hoặc ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện, cho phép nhà máy điện được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được tự điều khiển phát công suất tác dụng. Theo đó, việc phát vượt công suất đã được tính toán trong báo cáo kinh tế khả thi của dự án, đã được các cấp quản lý nhà nước thẩm định phê duyệt, mức phát vượt 10%-20% so với công suất thiết kế.

Các DN vừa và nhỏ gửi kiến nghị EVN CPC xem xét, trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép. Nhất là trong tình trạng bối cảnh thiếu điện như hiện nay.

Cơ quan chức năng nói gì?

Liên quan đến nội dung kiến nghị của các thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum, mới đây Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) đã có buổi làm việc với 11 nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn để tìm giải pháp hài hòa, tháo gỡ vướng mắc cho DN.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc PC Kon Tum cho hay, bước đầu PC Kon Tum và các nhà đầu tư đã thống nhất về hướng đề xuất giải quyết chung. Do vấn đề vượt quá thẩm quyền của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) nên tạm thời kiến nghị lên cấp cao hơn để giải quyết, đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư. Cụ thể, đối với đề nghị của DN cho phát tối đa công suất thiết kế nhà máy, PC Kon Tum trả lời rõ: “Việc vận hành phải thực hiện đúng theo hợp đồng mua bán điện, công suất huy động không được vượt công suất tối đa của nhà máy”. Theo đó, PC Kon Tum thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVN CPC, giám sát việc vận hành bán điện theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp phát quá công suất thì đơn vị sẽ nhắc nhở, không bị sa thải (ngừng huy động công suất) như vài trường hợp thời gian qua.

“Tại buổi làm việc, các chủ đầu tư có kiến nghị cho phép phát tối đa công suất nhà máy. Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép phát theo công suất đã ký trong hợp đồng mua bán điện. Phía EVN CPC cũng có văn bản báo cáo EVN để xin ý kiến Bộ Công thương cho phép điều chỉnh hợp đồng mua bán điện. Hiện đơn vị đang chờ văn bản hướng dẫn”, Giám đốc PC Kon Tum thông tin. Ông Hạnh cho biết thêm, đối với đề nghị thanh toán phát vượt công suất, hiện nay chưa có quy định nào về thanh toán “vượt công suất” so với hợp đồng mua bán điện. Do vậy, phần sản lượng điện phát vượt sẽ được “treo lại”, EVN CPC đã có văn bản xin ý kiến EVN, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, nếu cho phép thanh toán phần công suất phát vượt thì sẽ tiến hành chi trả sau.

Theo ông Lê Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương tỉnh Kon Tum, việc không huy động công suất tối đa của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ là lãng phí tài nguyên nước và gây thất thu ngân sách. Năm 2022, các nhà máy thủy điện trên địa bàn đóng góp 1.200 tỉ đồng cho ngân sách địa phương, riêng các thủy điện vừa và nhỏ là 330 tỉ đồng. 

 NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc