Có thể chấm dứt bệnh lao?

VHO - Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Trong 5 năm (2018-2023), Việt Nam đã tăng vị trí xếp hạng những nước có gánh nặng bệnh lao cao từ 16/30 lên 11/30 và vị trí 15/30 lên 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Có thể chấm dứt bệnh lao? - Anh 1

 Khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng xã Phú Cần, huyện Krông Pa (Gia Lai) Ảnh: N.HOA

Bộ Y tế vừa tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống lao, và chủ đề năm nay của Việt Nam là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao” nhằm nhắc nhở mọi người về mối nguy hại của căn bệnh này đối với con người. Qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, đến sự phát triển của kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2023, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 bệnh nhân (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021, năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Thành công phát hiện số người mắc lao này có sự góp phần không nhỏ của chính sách mở rộng triển khai chiến lược 2X, bao gồm sử dụng X-quang lồng ngực và xét nghiệm sinh học phân tử ở cộng đồng và các cơ sở y tế. Các bác sĩ bệnh viện phổi của các tỉnh, thành phố đến các xã và kêu gọi người dân đến khám, chụp phổi miễn phí. Nếu kết quả X-quang nghi ngờ sẽ lấy dịch và gửi về bệnh viện chuyên khoa để xét nghiệm X-pert.

Qua đó, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 3.775, và thu nhận 3.587 vào điều trị. Kết quả này mới chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch (4.963). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bệnh nhân bỏ điều trị khiến nguy cơ lây bệnh tăng lên. Bên cạnh đó, số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính; như vậy vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. “Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao còn rất thấp, chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng”, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định. Và ông cho rằng, để có thể tiếp cận và ghi nhận được 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, cũng như đảm bảo tất cả các nhóm dễ bị tổn thương, nguy cơ cao và cộng đồng nói chung đều có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng, Chương trình Chống lao Quốc gia cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, đưa đến chất lượng chẩn đoán và điều trị thân thiện, nhanh chóng, ưu tiên phát hiện bệnh lao bằng việc kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm thụ động, chủ động, tích cực, phối hợp y tế công-tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở y tế đa khoa và chuyên khoa ngoài hệ thống chuyên khoa lao.

Bên cạnh đó, nhiều người mắc lao còn đồng nhiễm các bệnh khác như HIV, viêm gan B, viêm gan C… nên việc điều trị cũng trở nên khó khăn. Chính sách chi trả thuốc lao từ nguồn BHYT là một chính sách bền vững, giúp những người mắc bệnh lao được điều trị bệnh. Tuy nhiên, còn những đối tượng mắc lao không có BHYT. Lao là căn bệnh cần điều trị lâu dài nhưng ước tính có 70% người mắc bệnh lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ BHYT, việc theo đuổi điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. “Để giải quyết vấn đề này, cần vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng chống lao bao gồm ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, BHYT, xã hội hóa. Vừa kết hợp vận động tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng chống lao với triển khai hiệu quả các can thiệp kỹ thuật, báo cáo kết quả hoạt động và giải trình chi tiêu minh bạch. Từ đó có thể tăng huy động được các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng chống lao trên toàn quốc”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.

Cũng theo ông Lượng, trong giai đoạn tới, Chương trình chống lao quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường vai trò, phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở, trong đó có cán bộ làm công tác chống lao. Cụ thể là triển khai các hoạt động phát hiện tích cực, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nội dung của cuốn tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế. Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” được Bộ Y tế phê duyệt. 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc