Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch

VHO - Chiều nay 9.10 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III năm 2023. Chủ trì Họp báo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt. Tham dự Họp báo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL.

Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì họp báo

Nỗ lực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành
Tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ đã báo cáo những kết quả đạt của Ngành trong quý III. Theo đó, được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành, Ngành VHTTDL đã bám sát và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại họp báo

Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng Kế hoạch, phối hợp “từ sớm”, “từ xa” với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức các sự kiện lớn của Ngành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và tạo sức lan tỏa lớn, kiên định mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa cơ sở thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch diễn ra sôi động trong cả nước, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư có hiệu quả hơn để phát triển văn hóa, đây chính là động lực quan trọng để toàn Ngành không ngừng nỗ lực hơn nữa.

Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch - Anh 3

Tham dự Họp báo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, trong quý III năm 2023, Bộ VHTTDL đã nỗ lực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành trong triển khai các nhiệm vụ công tác, với nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực quản lý.  3 tháng cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ để “về đích” theo đúng kế hoạch. Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, mong rằng trong quá trình này, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí .
Tại họp báo, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ đã trả lời, giải đáp và trực tiếp đối thoại về những vấn đề “nóng” liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành được báo giới quan tâm. 
Du lịch Việt Nam làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 12-13 triệu lượt khách quốc tế?
Liên quan đến nội dung du lịch Việt Nam làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 12- 13 triệu lượt khách quốc tế, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ, Bộ VHTTDL vừa báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 lên con số từ 12 đến 13 triệu lượt. 

Theo ông Thuỷ, đến thời điểm này, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã vượt 111%, đón 8,9 triệu lượt trong 9 tháng đầu năm. Căn cứ vào dự báo tình hình, thông thường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tập trung cao điểm từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 sang năm. Chính vì vậy, chúng ta đang điều chỉnh mục tiêu đón lên con số 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2023. 

Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch - Anh 4

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ phát biểu tại họp báo

Ông Thuỷ nói thêm, thời gian qua chính sách visa của chúng ta rất cởi mở, cùng với các chính sách khác trong hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước. Các di sản của Việt Nam đều phát huy tiềm năng để phát triển du lịch, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, những điểm đến hấp dẫn đối với khách quốc tế. 
“Thời gian gần đây truyền thông cũng đưa nhiều thông tin về mở cửa thị trường lớn Trung Quốc, kỳ vọng rằng đây là nguồn khách dồi dào cho du lịch Việt Nam”, ông Thuỷ nhấn mạnh. Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định, con số 12-13 triệu lượt khách là mục tiêu hoàn toàn khả thi, tạo tiền đề phấn đấu cho những năm sau,góp phần nâng cao mức đóng góp của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giải quyết nhiều vấn đề cấp bách 
Liên quan đến nội dung được báo chí, truyền thông dành nhiều sự quan tâm trong thời gian qua: Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới được xây dựng nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam. 
Kết luận số 42-KL/TW về kinh tế xã hội năm 2022-2023 (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành) nêu rõ: “Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”. Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 tiếp tục giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong tổng kết Hội thảo đã nêu nhiệm vụ cần sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch - Anh 5

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa

Theo ông Lê Hồng Phong, Chương trình nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa của đất nước; nâng cao, tiếp nối các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình, đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai.
“Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, Chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững”, ông Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bởi văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, ông Phong cho biết, quan điểm tiếp cận đầu tiên khi thiết kế Chương trình là ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, cào bằng. 

Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch - Anh 6

Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa là  nội dung được báo chí, truyền thông dành nhiều sự quan tâm và đặt câu hỏi tại họp báo

Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Chương trình được thiết kế với tổng số 10 nội dung thành phần.
“Hiện nay, việc triển khai nhiệm vụ này đang dừng ở bước xin chủ trương đầu tư; tổng hợp các nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định chủ trương đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trước khi trình Quốc hội…”, ông Phong thông tin.

Lộ trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
Trả lời câu hỏi của báo chí về lộ trình hồi hương ấn vàng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cho biết, liên tục từ tháng 10.2022 đến nay, chúng ta đã và đang  khẩn trương thực hiện các biện pháp để thông qua con đường ngoại giao văn hoá, tập hợp các hồ sơ pháp lý liên quan chứng minh nguồn gốc của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, đồng thời đàm phán, thương lượng để triển khai các bước tiếp theo đưa ấn vàng hồi hương.

Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch - Anh 7

Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền thông tin về lộ trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Về quy trình, chúng ta vừa hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan, trong đó có hai giấy tờ quan trọng gồm giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Châu Âu. Thông qua đại diện phía Việt Nam và luật sư Hãng Million, các hồ sơ pháp lý về ấn vàng cũng như những nội dung liên quan đang được tích cực hoàn thiện trước khi bàn giao  cho Việt Nam, từ đó có cơ sở cho chúng ta hoàn thành quá trình hồi hương hiện vật.
“Dự kiến cuối tháng 10 các thủ tục liên quan đến giấy t,  pháp lý cho việc hồi hương ấn vàng sẽ hoàn tất để phía Pháp có thể bàn giao lại cho Việt Nam. Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Cục Di sản Văn hoá và các cơ quan chuyên môn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để  thực hiện những thủ tục pháp lý về phía Việt Nam để đưa ấn vàng về nước”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cho biết.
Việc xảy ra ở đội tuyển bóng bàn là bài học cảnh tỉnh
Tại họp báo, đại diện nhiều cơ quan báo chí đã bày tỏ sự quan tâm và đặt câu hỏi liên quan đến việc xảy ra ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, hiện nay, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội không đủ điều kiện về diện tích để đảm bảo cho hơn 40 đội tuyển với trên 1000 vận động viên tập huấn hằng năm.  Khó khăn khách quan này dẫn đến việc phải tổ chức tập huấn ở các cơ sở khác tại nhiều địa phương: Khu Liên hiệp Thể thao quốc gia, tại các Trung tâm Huấn luyện thi đấu  TDTT các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoà Bình… 

Việc chi trả chế độ cho các HLV, VĐV được Trung tâm trả vào tài khoản riêng. Đối với đội bóng bàn trẻ, từ tháng 2.2023 thực hiện chi trả theo quy định.
 “Bộ VHTTDL xác định vụ việc này là một bài học rất lớn đối với ngành TDTT, nhất là trong công tác phối hợp. Đặc biệt, đây là lời cảnh tỉnh cho những người tham gia công tác huấn luyện, đào tạo VĐV trẻ nhưng chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, huấn luyện và chế độ bồi dưỡng, đời sống của VĐV trên hết và có biểu hiện vì lợi ích cá nhân”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh.

Giải đáp, đối thoại nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch - Anh 8

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao trả lời báo chí những nội dung liên quan đến việc xảy ra ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia 

Cũng theo Thứ trưởng, ngay sau khi nhận được thông tin trên các phương tiện truyền thông, Bộ đã lập tức chỉ đạo Cục TDTT phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vụ việc; tiến hành đình chỉ BHL, đưa đội tuyển bóng bàn trẻ về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
"Bộ VHTTDL chỉ đạo quyết liệt, giao các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng, kịp thời xác minh. Khi có thông tin sai phạm từ cá nhân, đơn vị nào sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ đã chỉ đạo Cục TDTT tổng kiểm tra, rà soát lại công tác huấn luyện các đội tuyển để đáp ứng được yêu cầu, quan tâm chăm lo đời sống của HLV, VĐV. Chúng tôi đặt ra thời hạn trước 20.10 giải quyết dứt điểm, khi có kết quả sẽ thông tin đến báo chí", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.
Làm rõ hơn vấn đề huấn luyện các đội tuyển, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao cho biết, do điều kiện tập huấn đặc thù của từng đội tuyển mà việc tập huấn được bố trí ở các địa phương khác nhau. Hiện nay, có 24 đội tuyển tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội, 22 đội tuyển tập huấn ở các cơ sở ngoài Trung tâm. Nhưng tất cả đều do Trung tâm Huấn luyện TDTT quốc gia quản lý. 
"Vụ việc của đội tuyển bóng bàn trẻ, trên cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Thể dục Thể thao đã rà soát trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm về quản lý của Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội", ông Minh nêu rõ.
Cũng theo ông Minh, sau khi xảy ra vụ việc của đội tuyển bóng bàn trẻ, Cục Thể dục Thể thao  cũng đã rà soát các đội tuyển khác, nắm lại tình hình trên cơ sở chấn chỉnh. Nếu phát hiện có sai phạm tương tự sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Về nội dung chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL và Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ để khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan. Hiện nay, toàn bộ thủ tục liên quan đến vấn đề tiền Giải thưởng đã hoàn thành.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc