Thủ tướng: Lai Châu tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

VHO - Ngành dịch vụ phải có đột phá, trong đó tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Lai Châu (du lịch sinh thái, trải nghiệm, chữa bệnh, kết hợp nông nghiệp...). Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lai Châu; tăng cường liên kết du lịch với các trung tâm du lịch và các tỉnh lân cận.

Thủ tướng: Lai Châu tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Sáng 19.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thủy điện, khai khoáng và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu.

Lai Châu là vùng đất rộng, người thưa, diện tích tự nhiên trên 9.000 km² (đứng thứ 10/63 địa phương trên cả nước); dân số trên 489.000 người (thứ 62/63) với 20 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85% (dân tộc Thái chiếm 32,3%, Mông 21,5%, Dao 13,2%, Kinh 15,3%, Hà Nhì 3,1%...). Con người Lai Châu giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách. Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở Đảng với trên 30.500 đảng viên.

Lai Châu thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu với đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiện có 01 cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; một cặp cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và sáu lối mở.

Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, gồm cả khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, trong đó có đất hiếm và nguồn nước khoáng. Hiện tỉnh có 169 mỏ, điểm mỏ, điểm quặng và điểm khoáng hóa.

Khí hậu trung tính và tương đối ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão. Tài nguyên đất khá đa dạng, thuận lợi phát triển cây lương thực (lúa chất lượng cao và đặc sản), cây ăn quả, cây dược liệu (sâm), đặc biệt là một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: Cao su, chè, quế, sơn tra, mắc ca…

Diện tích rừng lớn (trên 494.000 ha), trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 58,8%, rừng sản xuất chiếm 41,2%, vừa đảm bảo an ninh môi trường, vừa đủ diện tích phát triển rừng sản xuất, tạo sản phẩm gỗ và lâm sản để phát triển kinh tế.

Tài nguyên nước phong phú với vị trí nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thủy điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng châu thổ sông Hồng, có nhiều thác ghềnh, lưu lượng lớn, tiềm năng thủy điện lớn.

Lai Châu có nền văn hóa đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giàu tiềm năng du lịch. Nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Thái được UNESCO ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc, những nét đặc sắc về ẩm thực (mật ong Mường Tè, rượu ngô Sùng Phài, cơm lam, cáp long (cá suối ướp chua), pa pỉnh tộp (cá nướng)...), trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán; các nghề thủ công truyền thống được gìn giữ và phát triển mạnh; nhiều danh lam, thắng cảnh giàu tiềm năng.

Thủ tướng: Lai Châu tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Anh 2

Định hướng thời gian tới, về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, bám sát tình hình để điều chỉnh phù hợp. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Lai Châu phải phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường; biến nguy thành cơ; biến không thành có; biến di sản thành tài sản; biến tiềm lực thành nguồn lực; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình, không trông chờ, ỷ lại. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần phát triển tỉnh.

Là địa phương có thế mạnh phát triển về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, tỉnh phải hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với các lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Cụ thể, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là những nông sản có thế mạnh (lúa chất lượng cao, cao su, mắc ca, quế, dược liệu...).

Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là chế biến nông sản, sản xuất vật liệu, phát triển ngành điện năng, chế biến khoáng sản theo hướng xanh, bền vững.

Ngành dịch vụ phải có đột phá, trong đó tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Lai Châu (du lịch sinh thái, trải nghiệm, chữa bệnh, kết hợp nông nghiệp...). Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lai Châu; tăng cường liên kết du lịch với các trung tâm du lịch và các tỉnh lân cận. Tập trung phát triển thương mại điện tử, kinh tế biên mậu.

Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực tổng thể, đa dạng cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công-tư PPP); đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa… Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài của tỉnh do tỉnh mới chỉ có 1 trong 5 phương thức giao thông là đường bộ, chưa phát triển đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không.

Cụ thể hơn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; quy hoạch và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm; quy hoạch, khai thác tiềm năng du lịch trên cao nguyên Sìn Hồ, tạo động lực phát triển mới cho huyện Sìn Hồ và cả tỉnh Lai Châu…

Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Lai Châu. Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đặc biệt đẩy mạnh với tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình kinh tế hay, giúp bà con thoát nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là mô hình trường dân tộc nội trú. Tinh thần là ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên, ở đâu có bệnh nhân thì phải có bác sĩ, nhưng phải bố trí hợp lý, hiệu quả.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Lai Châu tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan xóa điểm lõm về sóng và điện. Về nội dung này, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết chậm nhất trong quý III năm 2024 sẽ phủ sóng toàn bộ các điểm lõm sóng tại Lai Châu với giá cước được hỗ trợ tối đa. Thủ tướng đề nghị tập đoàn này triển khai tương tự với các tỉnh như Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn…

Thủ tướng: Lai Châu tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Anh 3

Trước đó, sáng 18.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư các bản Sà Dề Phìn, Hắt Hơ, Sảng Phìn, Mao Sao Phìn thuộc xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Cùng với đó, phải giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, phòng, chống tội phạm qua biên giới.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức nói không với tiêu cực, tham nhũng. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cơ cấu lại để giảm số cán bộ, công chức ở cấp tỉnh, cấp xã, tăng cường cán bộ, công chức cho cấp cơ sở.

Trước đó, sáng 18.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư các bản Sà Dề Phìn, Hắt Hơ, Sảng Phìn, Mao Sao Phìn thuộc xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Phát biểu tại Ngày hội, Thủ tướng nêu rõ, đoàn kết là truyền thống quý báu trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực quan trọng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trải qua 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp truyền thống tại các khu dân cư, đưa công tác Mặt trận về với cơ sở, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân, trong đó có Liên khu dân cư các bản thuộc xã Sà Dề Phìn.

Theo Thủ tướng, ngày hội là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời, là một hoạt động cộng đồng thiết thực, sinh động, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần chính đáng của nhân dân; đánh giá kết quả xây dựng khối đại đoàn kết ở cộng đồng dân cư, việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Đây cũng là dịp biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng dân cư; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên, khích lệ, hỗ trợ những hộ gia đình chính sách, gia đình khó khăn.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 10, nhiệm kỳ 2024-2029.

TÙNG QUANG; ảnh: VGP

Ý kiến bạn đọc