Giáo dục thẩm mỹ cho người trẻ vẫn chưa thực sự được quan tâm?

VHO - Đó là trăn trở của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa, giáo dục tại Tọa đàm khoa học “Giáo dục thẩm mỹ trong hệ thống giáo dục đại học - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương - Tiểu ban Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong nhà trường, tổ chức tại TP.HCM mới đây.

Giáo dục thẩm mỹ cho người trẻ vẫn chưa thực sự được quan tâm? - Anh 1

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

Giáo dục thẩm mỹ là chỉ dấu cho một nền giáo dục cao

PGS.TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhấn mạnh rằng, giáo dục thẩm mỹ là một phương diện quan trọng trong chức năng giáo dục của văn học. Nhận thức được vai trò nghệ thuật ngôn từ trong hình thành, phát triển nhân cách cho con người, từ đó có những nội dung và phương pháp giáo dục thẩm mỹ hiệu quả. Theo chuyên gia này, hiện nay, sự kết nối giữa trường ĐH và trường phổ thông chưa thường xuyên, vì thế, nội dung, phương pháp giáo dục tích hợp giáo dục thẩm mỹ qua dạy học văn chưa phải mọi lúc, mọi nơi đều hiệu quả…

PGS.TS Đoàn Lê Giang, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), bày tỏ: Giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên là việc làm rất quan trọng. Việc giáo dục toàn diện được đặt ra từ lâu, nhà trường phổ thông và đại học đang cố gắng từng bước làm tốt yêu cầu này. Tuy nhiên thoát thai từ đất nước nghèo nàn lạc hậu, hậu quả giáo dục thuộc địa và chiến tranh kéo dài làm cho viếc giáo dục bị thiên lệch, trong đó giáo dục thẩm mỹ ít có tính thực dụng nên dễ bị bỏ qua. 

Theo chuyên gia, việc giáo dục thẩm mỹ, tuy có vẻ không thiết thực như việc dạy nghề nhưng lại là chỉ dấu cho một nền giáo dục cao. HSSV được đào tạo lý thuyết và thực hành về nghệ thuật cổ điển mới chứng tỏ một dân tộc có trình độ giáo dục cao. Về phương diện quan điểm, nhà nước và Bộ GD&ĐT đã cố gắng phát triển các môn giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường, từ phổ thông đến đại học, nhưng thực tế còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân từ hoàn cảnh lịch sử, ý thức của phụ huynh và bản thân HSSV, cũng như quy định và tổ chức thực hiện… 

TS Đào Lê Na, Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, hiện tại, việc giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên tại Trường ĐH KHXHNV chủ yếu thực hiện qua môn Mỹ học đại cương, với thời lượng là 2 tín chỉ lý thuyết, tương đương 6 buổi học. “Rõ ràng, sinh viên sẽ không học được gì nhiều đối với môn học có thời lượng ngắn, số lượng sinh viên đông và bài giảng thường được thiết kế chung cho rất nhiều ngành học”, TS Na bày tỏ.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, việc giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên có nhiều bất cập. Đội ngũ giảng viên các môn học về mỹ học và nghệ thuật hiện rất thiếu, Ở Việt Nam, đa số các nghệ sĩ tập trung vào việc thực hành và sáng tạo nghệ thuật. Do đó, rất khó để mời họ tham gia giảng dạy. Số lượng giảng viên có bằng cấp liên quan đến nghệ thuật để đào tạo sinh viên là rất ít. Thế nên, việc giáo dục nghệ thuật nói riêng và giáo dục thị hiếu thẩm mỹ nói chung trong người trẻ dường như còn bỏ ngỏ…

Giáo dục thẩm mỹ cho người trẻ vẫn chưa thực sự được quan tâm? - Anh 2

Trình diễn sân khấu trong trường học, một trong những hình thức giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho học sinh đang được các nhà trường thực hiện

Giáo dục thẩm mỹ thông qua văn hóa - nghệ thuật

Theo PGS.TS.NSƯT Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, từ trước tới nay, các loại hình nghệ thuật được coi là giữ vị trí trung tâm trong hình thức giáo dục thẩm mỹ. Xuất phát từ chức năng giáo dục của nghệ thuật, nó còn là phương tiện hữu hiệu cho giáo dục thẩm mỹ. Giáo dục thẩm mỹ bằng các tư tưởng mỹ học là hình thức giáo dục cao nhất, nó cung cấp cho chủ thể thẩm mỹ những quan niệm cơ bản và đúng đắn để phân tích các giá trị thẩm mỹ. 

Các loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng cao như sân khấu và điện ảnh, có một sức hút đông đảo các tầng lớp khán giả. Đặc biệt, phim ảnh là một trong những sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến giới trẻ, từ trang phục đến tác phong, từ ngôn ngữ đến lối giao tiếp, ứng xử… Gần đây các nhà làm phim đã nắm bắt được thị hiếu khán giả. Họ hướng điện ảnh đến những khán giả trẻ với việc lồng ghép các yếu tố truyền thống, mang tính thẩm mỹ, tính giải trí, đan xen tính hiện đại và sự hài hước giúp cho bộ phim mang được yếu tố văn hóa truyền thống thú vị. “Có rất nhiều phương thức để giáo dục thẩm mỹ đối với thế hệ trẻ, nhưng phương pháp giáo dục thông qua văn hóa - nghệ thuật được đánh giá là phương pháp hiệu quả và có tác dụng nhanh nhất”, nhà giáo Phan Thị Bích Hà bày tỏ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, nguyên Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng, nghệ thuật là một phần của cuộc sống, nó có vai trò làm giàu tâm hồn và mỹ hóa lối sống, phong cách sống con người. Hơn thế nữa, nghệ thuật thúc đẩy hình thành và phát triển óc thẩm mỹ và tư duy sáng tạo. Giáo dục nghệ thuật vì thế là một phương thức giáo dục thẩm mỹ và tư duy hết sức đặc biệt, tác động trực tiếp vào cảm xúc và tâm hồn cá nhân, thúc đẩy năng lượng cảm thụ và tương tác với cái đẹp, với cuộc sống. Giáo dục nghệ thuật trực tiếp xây dựng vốn văn hóa và có hệ thống nghi thức hóa để bảo đảm tính toàn vẹn của giá trị nghệ thuật trong suốt quá trình giáo dục thẩm mỹ…

Giáo dục thẩm mỹ cho người trẻ vẫn chưa thực sự được quan tâm? - Anh 3

Chương trình giao lưu âm nhạc dân tộc của sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

TS Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, Trưởng BTC tọa đàm nhấn mạnh, văn hoá nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, từ khi Đảng ra đời đến nay luôn được Đảng ta xác định là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước. Điều đó đã được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt trong bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc ngày 24.11.2021. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá 11 Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là cho thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong, việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của mỗi người dân và của cộng đồng". 

Đối với văn học nghệ thuật, một lĩnh vực đặc thù và đặc biệt tinh tế của văn hoá, như Nghị quyết số 23 – NQ/TW của Bộ chính trị đã xác định thì giáo dục thẩm mỹ có một vai trò đặc biệt quan trọng, bao trùm lên cả lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị môi trường tiếp nhận, đào tạo công chúng của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật cũng như công nghiệp văn hoá không thể có được và phát triển vững chắc nếu thiếu một đội ngũ nhân lực không chỉ tinh thông về nghề nghiệp mà còn phải có nền tảng tư tưởng và nền tảng văn hoá vững vàng, có thị hiếu thẩm mỹ tinh tế, hiện đại và lành mạnh. Đồng thời, tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính không thể tồn tại được nếu thiếu một đội ngũ công chúng có định hướng thẩm mỹ tốt. 

“Công tác giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường có một vai trò vô cùng quan trọng, bởi lẽ hệ thống đại học, bao gồm cả đại học đa ngành và đại học chuyên ngành là nguồn cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho văn học nghệ thuật và tiến hành công nghiệp văn hoá, đồng thời, sinh viên, chiếm một tỷ lệ đông đảo trong thanh niên, cũng chính là những công chúng hiện tại và tương lai của nền văn học nghệ thuật nước nhà”, TS Bùi Thế Đức nhấn mạnh.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc