Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật

THANH XUÂN

VHO - Ngày 16.4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ I năm 2024”, nhằm hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18.4). Có 11 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

 Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 45.602 lao động, đạt 28,1% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật - ảnh 1
Phiên giao dịch việc làm tạo cơ hội cho người khuyết tật tham gia thị trường lao động

 Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 112.171 người khuyết tật, trong đó có 7.704 người khuyết tật có khả năng lao động. Đặc biệt, nhiều người khuyết tật vươn lên làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, người khuyết tật có bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân; luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

“Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì nay trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau đại dịch covid-19, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng thêm nhiều trở ngại. Vậy giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Hãy tin tưởng người khuyết tật hoàn toàn có khả năng lao động để sản xuất ra của cải vật chất, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.”, ông Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.

Tại Phiên GDVL có 33 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với 1.117 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh, trong đó có 11 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật, 386 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật. Một số lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng như kinh doanh – marketing, công nhân may, thợ thủ công mỹ nghệ, nhân viên kỹ thuật, CN điện tử, …

Về thu nhập có nhiều mức khác nhau như từ trên 10 triệu - 15 triệu đồng/tháng dành cho chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.

Mức thu nhập từ trên 7 triệu - 10 triệu/tháng thuộc đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.

Mức thu nhập  5 - 7 triệu/ tháng dành cho lao động chưa có tay nghề, các bạn sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.

Theo ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số bất cập trong việc thực hiện các chính sách việc làm cho người khuyết tật, tùy doanh nghiệp sẽ có các chế độ đãi ngộ khác nhau. Tỉ lệ người khuyết tật có việc làm hiện nay chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng số người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, bản thân người khuyết tật cũng cần chủ động học tập, tìm hiểu về doanh nghiệp, tìm kiếm việc làm để mở rộng cơ hội việc làm cho bản thân.

Ý kiến bạn đọc