Để Tuyên Quang không còn là điểm dừng chân

VHO - Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thậm chí có những loại hình Tuyên Quang có khả năng cạnh tranh lớn so với các địa phương khác nhưng hiện nay, tỉnh này vẫn chưa phát triển du lịch xứng với tiềm năng.

Để Tuyên Quang không còn là điểm dừng chân - Anh 1

Tuyên Quang đang kết nối, hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch với các khu, điểm du lịch trong tỉnh

Xóa tính mùa vụ du lịch Tuyên Quang

Đây là ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch tại Tọa đàm giới thiệu tuyến, điểm du lịch Tuyên Quang cho các doanh nghiệp, công ty lữ hành 3 miền Bắc- Trung- Nam mới được Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Sở VHTTDL, Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức đoàn khảo sát dịch vụ du lịch, các sản phẩm, tour, tuyến trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc- Trung- Nam và đại diện các cơ quan báo chí trung ương, địa phương.

Chương trình nhằm giúp tỉnh Tuyên Quang có thêm định hướng trong việc đầu tư, phát triển các điểm đến; hình thành mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch với các khu, điểm du lịch trong tỉnh, hình thành và xây dựng được các sản phẩm du lịch; kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang.

Đánh giá cao việc Tuyên Quang tổ chức Chương trình Khảo sát, tọa đàm giới thiệu tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch ngoài tỉnh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, đây là hoạt động giới thiệu, truyền thông, xúc tiến du lịch quan trọng nhằm thu hút du khách về Lễ hội Thành Tuyên nói riêng và toàn tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong những năm qua Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút phát triển du lịch phù hợp, đồng thời Tuyên Quang là mảnh đất nhiều tiềm năng, hứa hẹn để đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng các chương trình du lịch thu hút du khách.

Các doanh nghiệp đã và đang khảo sát mở tour du lịch, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách; xây dựng chương trình thu hút khách đến với Tuyên Quang. Với các tiềm năng, điều kiện vô cùng thuận lợi, các doanh nghiệp du lịch đã tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, góp phần đưa du lịch của Tuyên Quang ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

“Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp du lịch mong muốn được liên kết chặt chẽ hơn nữa, nhận được sự hỗ trợ từ các cấp ủy chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, thường xuyên trao đổi, tạo điều kiện để xử lý tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác phát triển du lịch của tỉnh. Từ đó, khai thác tốt nhất tiềm năng của tỉnh Tuyên Quang, đẩy mạnh tăng trưởng và đa dạng hóa hoạt động hợp tác phát triển du lịch”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội đề xuất.

Để Tuyên Quang không còn là điểm dừng chân - Anh 2

Nhiều tiềm năng nhưng du lịch Tuyên Quang chưa phát triển như mong muốn

Đại diện Hội lữ hành G7 cho biết, sau khi được khảo sát, trải nghiệm các hoạt động du lịch thực tế ở Tuyên Quang, chúng tôi nhận thấy Lễ hội Thành Tuyên là một sản phẩm du lịch rất đặc trưng, độc đáo của Tuyên Quang, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Tuy nhiên, công tác truyền thông về Lễ hội vẫn thực sự hiệu quả nên dù rất gần Hà Nội, sản phẩm này chưa được du khách biết tới nhiều. Đến cả những người làm lữ hành như chúng tôi cũng nhiều người không biết.

Ở Nhật Bản cũng có Lễ hội có các mô hình đèn lồng như ở Lễ hội Thành Tuyên, họ thành lập hẳn một bảo tàng lưu giữ các mô hình, khác với Tuyên Quang, mô hình năm nay không dùng cho năm sau, chỉ dùng trong 2 tháng, rất lãng phí. Vị đại diện này cho rằng, Tuyên Quang cần nghiên cứu sâu hơn, xây dựng chương trình hiệu quả hơn, thông điệp rõ nét hơn. Bên cạnh đó, cần có đặt hàng, thiết kế âm thanh, ánh sáng đồng bộ và chuyên nghiệp hơn.

Lễ hội năm nay, chương trình Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức quy mô cấp quốc gia. Lễ hội có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, tỉnh Bình Thuận và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và TP. Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc).

Đây là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Long, Giám đốc Unitour cho rằng, Tuyên Quang cần phải tính toán để giải quyết bài toán mùa vụ. Du lịch Tuyên Quang không chỉ có Lễ hội Thành Tuyên. Phải làm cho Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào không phải chỉ ngày lễ hay dịp kỷ niệm người dân và khách du lịch mới tới. Na Hang không phải chỉ khách ưa mạo hiểm mới đi...

“Hiện nay, nếu đi tour ngắn ngày các tỉnh phía Bắc thì Tuyên Quang không phải lựa chọn hàng đầu mà luôn đứng sau Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai. Việc này phụ thuộc rất nhiều tới sản phẩm và tiếp thị điểm đến. Một doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề này. Địa phương nào cũng nói giàu tiềm năng, sản phẩm đa dạng, văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú nhưng khi thực hiện lại rất khó khăn”, ông Long nói.

Theo ông Long, trách nhiệm quảng bá sản phẩm, xúc tiến điểm đến là của địa phương. Doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, đưa đoàn khách vài chục người nhưng cũng không thấm vào đâu so với mục tiêu của địa phương. Quan trọng là xúc tiến điểm đến, sản phẩm đó như thế nào, điểm nhấn là gì? Bây giờ, còn cách Lễ hội thành Tuyên ít ngày nữa nhưng các khách sạn thành phố Tuyên Quang đã được đặt kín. Vậy thì làm sao để kéo khách đến quanh năm, khách đến đông thì giải quyết thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Long đề nghị địa phương cần có sự hỗ trợ cụ thể, có giá thành ưu đãi với những đơn vị ký cam kết đưa khách tới, tạo hiệu ứng để thu hút doanh nghiệp để xúc tiến điểm đến.

Để Tuyên Quang không còn là điểm dừng chân - Anh 3

Nhà ông Nguyễn Tiến Sự (tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương), nơi Bác Hồ đã ở và làm việc những ngày cuối tháng 5 năm 1945

Cần có những sản phẩm tốt và thay đổi cách quảng bá xúc tiến

Các doanh nghiệp du lịch 3 miền đều cho rằng du lịch tâm linh của Tuyên Quang rất tốt, thu hút sự quan tâm của cả nước nhưng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao lại mới chỉ bắt đầu.

Theo ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thương mại và Dịch vụ Du lịch Mai Việt (Hà Nội), nhiều sản phẩm du lịch của Tuyên Quang hiện nay làm chưa tới.

Ví dụ, khi vào thăm nhà ông Nguyễn Tiến Sự và ông Hoàng Trung Dân (tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương), là nơi Bác Hồ và bác Võ Nguyên Giáp đã tới ở và làm việc năm 1945 thì cả 2 nhà đều trang trí, trưng bày rất sơ sài. Không có người kể chuyện, không có câu chuyện nào được kể ở đây. Khách muốn vào là tự tìm đến, không có người chỉ dẫn.

“Thôn Tân Lập có nhiều nhà tham gia làm du lịch cộng đồng, đón khách du lịch nhưng cảm giác vẫn thiếu thiếu gì đó. Nơi vô cùng đặc biệt này chưa được “thổi hồn” vào. Người dân ở đây vẫn chưa được hướng dẫn để làm du lịch chuyên nghiệp hơn và kể những câu chuyện cảm xúc trên quê hương mình”, ông Tráng nói.

Để Tuyên Quang không còn là điểm dừng chân - Anh 4

Thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương nhiều gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn với khách du lịch

Với lễ diễn diễu trong Lễ hội Thành Tuyên, ông Dương Xuân Tráng cho biết rất hay, khách Tây hay khách ta thì cũng sẽ rất thích. Tuy nhiên, nếu lễ hội có sự tham gia của người dân 22 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tham gia vào khách sẽ thích thú hơn.

Bên cạnh đó, lễ hội diễn ra chỉ 1 tháng, sau đó các mô hình đèn lồng rất sáng tạo, làm tốn kém nhưng không biết sử dụng vào việc gì, người dân cũng không biết làm gì để khai thác thêm.

“Bao nhiêu năm nay chúng tôi làm tour Tây Bắc đi Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng nhưng Tuyên Quang cũng chỉ là nơi khách dừng ăn 1 bữa trưa. Tiềm năng du lịch Tuyên Quang có thừa, khách rất thích những nơi như Na Hang, Lâm Bình.... Công ty lữ hành rất cần sản phẩm nhưng hiện nay chưa có, Tuyên Quang chưa đáp ứng được”, ông Dương Xuân Tráng nói.

Ông Tráng cũng cho rằng, Tuyên Quang cần tận dụng chính sách visa mới rất cởi mở, vừa có hiệu lực từ ngày 15.8 để thu hút khách du lịch quốc tế. Luôn luôn phải đặt câu hỏi “Chúng ta làm gì nếu không có sản phẩm mới, đặc trưng?”.

Cũng theo ông Tráng, nếu khai thác tốt, sản phẩm nghỉ dưỡng Mỹ Lâm chắc chắn sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Mỹ Lâm là mỏ nước khoáng vào hàng tốt nhất Việt Nam hiện nay với nhiệt độ hơn 60 độ C.

“Sau khi trải nghiệm các sản phẩm, hoạt động du lịch ở Tuyên Quang, khách có thể đi thẳng ra sân bay Nội Bài, không về Hà Nội lưu trú nữa. Nếu quảng bá tốt, sản phẩm tốt, khách sẽ ở lại ngay”, ông Dương Xuân Tráng gợi ý.

NGUYỄN ANH; ảnh: QUẢNG HÀ

Ý kiến bạn đọc