Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng: Nhan nhản bảng, biển quảng cáo vi phạm

Thứ Tư 02/10/2019 | 10:24 GMT+7

VHO- Sau một thời gian chấn chỉnh tình trạng các biển hiệu quảng cáo vi phạm quy định hiện nay trên những tuyến phố du lịch tại Đà Nẵng, đặc biệt là các tuyến đường quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, đường Bạch Đằng, phố chuyên doanh Lê Duẩn… các cơ sở vẫn sử dụng bảng, biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài thay cho tiếng Việt. 

 Nhiều bảng biển sai phạm về tiếng Việt và kích cỡ quy định tại Q. Sơn Trà 

Tại số 212 - 216 đường Bạch Đằng (Q. Hải Châu), nhiều cơ sở kinh doanh spa, massage, tiệm cắt tóc nằm san sát, nhiều bảng biển với các thông tin hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài đập vào mắt người qua đường. Tương tự, từ số 112 - 116 đường Bạch Đằng, trên các bảng biển cũng chỉ thấy tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, chỉ duy nhất tên… đường Bạch Đằng là thể hiện bằng tiếng Việt. 
Không khó để thấy những bảng hiệu “thuần ngoại” như thế ở đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà: Dòng chữ Star mark 24, K-Market… khiến người ta có cảm giác các nhà hàng ở khu phố này chỉ phục vụ cho khách du lịch nước ngoài. Cơ sở massage ở lô 22 đường Phạm Văn Đồng quảng cáo chi chít bằng tiếng Hàn Quốc, được viết lên cả cửa kính. Tại đường Trần Hưng Đạo (Q. Sơn Trà), các cơ sở spa đua nhau trưng những tấm biển to lớn, ngạo nghễ, nhưng người Việt nhìn vào cũng… không thể hiểu vì dường như những tấm biển này chỉ có chức năng chào mời hoặc thông báo với khách nước ngoài. Qua khảo sát ở quận Sơn Trà, có thể dễ dàng nhận thấy trên các bảng biển quảng cáo tại các cơ sở kinh doanh chữ bằng tiếng nước ngoài luôn lấn át tiếng Việt, có bảng để vài dòng tiếng Việt rất nhỏ ở dưới, có bảng chỉ ghi tên đường, có bảng hiệu hoàn toàn không có tiếng Việt… 
Quanh các tuyến đường thuộc địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà như Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Văn Thoại, Hồ Xuân Hương…, không ít cơ sở kinh doanh cũng để biển hiệu bằng tiếng nước ngoài lấn át tiếng Việt như thế. 
Sự phát triển mạnh mẽ về du lịch là nguyên nhân tạo tâm lý cho chủ doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ “sính” dùng chữ nước ngoài. Theo chị Tuyết Mai (nhân viên spa), sở dĩ các cơ sở để biển hiệu bằng tiếng nước ngoài, thậm chí là hoàn toàn bằng tiếng Hàn Quốc để cho khách nước ngoài có nhu cầu dễ tiếp cận. Anh Hoàng Khánh Tân (bảo vệ siêu thị) cho rằng vì đây là địa bàn tập trung nhiều khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, du khách nước ngoài mua hàng hóa ở siêu thị có chữ nước ngoài cũng nhiều hơn người dân địa phương nên đa số các cửa hàng kinh doanh phải nắm bắt theo số đông “thượng đế” để phục vụ. 
Tuy nhiên, tâm lý của rất nhiều du khách Việt Nam thì nhìn bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài hoành tráng trên các đường phố Đà Nẵng khiến họ khá ngại: Lo ngại vì có khi cửa hàng dành cho khách nước ngoài lại bán đắt hơn cho người Việt Nam, lo ngại cũng vì nhìn cái bảng hiệu mà chẳng biết trong bán gì, ngoài những từ thông dụng của tiếng Anh như massage, spa, bar… Còn cửa hàng trưng biển toàn bằng tiếng Hàn Quốc hoặc Trung Quốc thì khách Việt cũng đành… chào thua. 
Chỉ quanh dãy phố, bà Hoàng Thị Mai (đường Trần Bạch Đằng, Q. Sơn Trà) cho biết, bà sống ở đây đã nhiều năm, nhưng chẳng biết mấy cửa hàng đó bán gì vì toàn tiếng nước ngoài. “Tôi cảm thấy như đang sống ở khu Việt kiều vậy, đến tiếng Việt người Việt cũng còn không chuộng dùng nữa”, bà Mai nói. 
Trên thực tế, việc lập biên bản nhắc nhở, xử lý những vi phạm về biển hiệu trên địa bàn thành phố thời gian qua chủ yếu là sai về kích cỡ, sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài trên cùng biển hiệu nhưng chữ viết tiếng nước ngoài lớn hơn khổ chữ viết tiếng Việt, đặt trên chữ tiếng Việt hoặc không thể hiện chữ viết tiếng Việt… Theo một cán bộ quản lý văn hóa tại Đà Nẵng, việc bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài mọc tràn lan là do không thể quản lý kịp thời trước khi các cơ sở “mọc” lên. Hầu hết khi biển hiệu được dựng lên, các ngành chức năng đi kiểm tra mới phát hiện được. Nguyên nhân nữa là do các cơ sở muốn nhanh chóng tiếp cận khách du lịch (đặc biệt là khách Trung Quốc và Hàn Quốc) nên có xu hướng để bảng hiệu bằng tiếng Trung, Hàn. Dù địa phương liên tục tuyên truyền, nhắc nhở nhưng chỉ cần lơ là thì biển hiệu quảng cáo sai phạm lại xuất hiện. 
Tìm gặp để trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Chánh Thanh tra Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã giao cho các quận, huyện tổ chức đợt ra quân để xử lý vi phạm về chữ viết tiếng Việt cũng như các nội dung khác trên các bảng hiệu theo đúng quy định của Luật Quảng cáo và báo cáo về Sở VHTT trước ngày 10.10. Hiện đơn vị đang chờ báo cáo từ các quận, huyện để có hướng xử lý. Bà Hồ Thị Thanh Thúy, Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn thông tin, sau ngày 10.10 quận sẽ báo cáo Sở VHTT về sử dụng sai quy định tiếng Việt trên biển hiệu quảng cáo, tiếp đó sẽ dựa vào tình hình thực tế để có đề xuất nhằm chấm dứt dứt điểm tình trạng này. 

Một chuyên gia về truyền thông cho rằng, việc cơ quan chức năng lý giải những sai phạm trong sử dụng tiếng Việt trên biển, bảng quảng cáo như thế chứng tỏ công tác quản lý trên địa bàn có phần lỏng lẻo. Luật Quảng cáo và các quy định có liên quan đã quy định rất rõ trên biển, bảng quảng cáo, tiếng Việt luôn ở vị trí trung tâm hoặc có kích thước lớn hơn chữ nước ngoài. Nhưng thử nhìn xem, hầu hết biển, bảng quảng cáo trên địa bàn TP Đà Nẵng lại đi “chệch hướng”. 

 NGỌC HÀ 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top