Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Qúa tải trường, lớp học tại các KCN, KCX ở Bắc Giang: Tạo mọi điều kiện để học sinh hòa nhập với môi trường mới

Thứ Sáu 03/07/2020 | 09:50 GMT+7

VHO- Tình trạng quá tải học sinh tại các trường, lớp học trong những khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) đã trở thành một vấn đề được các cấp chính quyền và ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm.

Một lớp học trong KCN thuộc huyện Việt Yên

Bắc Giang là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp và hiện cũng đang trong tình trạng quá tải học sinh, gây ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả để giải quyết tình trạng này.

Trường mầm non xây không kịp với lượng trẻ tới lớp

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, thực hiện Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2019-2025 đến nay đã triển khai xây dựng 345 phòng học, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 31,75 tỷ đồng; ngân sách tỉnh và nguồn vốn Chương trình mục tiêu cũng đã hỗ trợ 9,9 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị cho các trường mầm non công lập và các nhóm trẻ tư thục. Cùng với đó, ngành đã làm tốt công tác chỉ đạo rà soát toàn bộ hiện trạng cơ sở vật chất trường, lớp học, trên cơ sở đó đánh giá, xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung, xây mới các công trình vệ sinh. Ngoài ra, các trường mầm non công lập thuộc các KCN được hỗ trợ xây dựng 250 triệu đồng/phòng học, các trường mầm non tư thục thành lập mới trên địa bàn KCN được miễn tiền thuê đất, các nhóm trẻ độc lập tư thục đủ điều kiện được hỗ trợ tiền mua sắm trang thiết bị giáo dục 20 triệu đồng/ nhóm. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích người dân mở rộng các điểm trông giữ trẻ, bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Bắc Giang, tỉnh hiện có 6 KCN là: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Việt Hàn (huyện Việt Yên), Song Khê, Nội Hoàng (huyện Yên Dũng), Hoà Phú (huyện Hiệp Hòa). Toàn tỉnh có 260 trường mầm non, gồm 250 trường công lập và 10 trường tư thục với hơn 3.000 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong các trường công lập, 112 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục và 450 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tổng số trẻ em đến 6 tuổi trên địa bàn tỉnh là hơn 180.000 trẻ, trong đó có khoảng hơn 21.000 trẻ là con của công nhân, chiếm 11,9%, do đó, nhu cầu gửi con đến trường của công nhân trong các KCN, KCX là rất lớn và ngày một tăng.

Trước thực trạng trên, các huyện đã có nhiều biện pháp chủ động, tích cực, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp mầm non, góp phần giảm bớt gánh nặng quá tải số trẻ/lớp cho các trường công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, do sự gia tăng dân số, di dân cơ học nên số trẻ độ tuổi mầm non ngày càng tăng cao, dẫn đến áp lực thiếu nghiêm trọng về lớp học và giáo viên. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục không ổn định do lương thấp. Ngành GD&ĐT và chính quyền địa phương đang tích cực giải quyết các vướng mắc này.

Tạo điều kiện tốt nhất cho con em công nhân học tập

Đó là chia sẻ của bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây. Tại các KCN ở Việt Yên có rất nhiều lao động tới từ các tỉnh khác đem theo con em họ đang trong lứa tuổi học sinh. Tình trạng này chắc chắn ảnh hưởng tới việc bố trí trường, lớp học cho các em. Thông tin được nhiều người lao động muốn biết là con em công nhân không có hộ khẩu ở Việt Yên khi vào học tại các trường địa phương cần những điều kiện gì? Họ (công nhân) có gặp khó khăn trong việc hoàn thành các thủ tục cho con em hay không?

Thông tin về vấn đề này, bà Hương cho biết, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn KCN, KCX còn chưa quan tâm thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp, chưa có chính sách hỗ trợ về chỗ ở cho người lao động, nơi học cho con em người lao động làm việc tại KCN, KCX. Trong khi đó, cơ sở vật chất gồm trường lớp, chính sách cho giáo viên và học sinh chủ yếu dựa vào Ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân địa phương. Để giải quyết những vấn đề trên, tỉnh Bắc Giang đã ban hành những chính sách đặc thù, nhằm thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, đặc biệt là trong các KCN. Phòng GD&ĐT đã lên kế hoạch phát triển GD&ĐT hàng năm và theo giai đoạn, trong đó quan tâm dự tính số học sinh con em công nhân tại các KCN, KCX để chủ động tham mưu với chính quyền đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị giáo dục, tham mưu bổ sung giáo viên, đảm bảo nhu cầu học tập của con em địa phương và con em công nhân các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Về điều kiện đặc thù dành cho con em công nhân khi vào học tại các trường địa phương, đại diện phòng GD&ĐT Việt Yên cho biết, khi học sinh không có hộ khẩu Việt Yên dự tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học, đối với học sinh tiểu học cần có Giấy khai sinh, Sổ tạm trú, Sổ hộ khẩu. Con em công nhân không có hộ khẩu Việt Yên khi chuyển trường đến học tại các trường trên địa bàn cần giấy giới thiệu chuyển trường, học bạ, phiếu điểm (nếu có). Các trường sẽ tạo mọi điều kiện để học sinh ở các nơi khác đến nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập mới đạt kết quả tốt.

Để giải quyết ngay những khó khăn trước mắt, đáp ứng tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn, ngành GD&ĐT Bắc Giang đã có những kiến nghị, đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi trong hệ thống giáo dục công lập, nâng bậc lương cho giáo viên mầm non. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách khuyến khích, xây dựng cơ sở giáo dục phục vụ con em công nhân ở KCN, KCX, xác định trách nhiệm của cơ quản quản lý nhà nước, của đoàn thể và của nhà đầu tư cũng như các chính sách đối với giáo viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục tại đây.

  QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top