Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Không tạo sức ép lên di sản vì phát triển kinh tế

VHO - Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với sự tham gia của đại diện ban soạn thảo, nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia văn hóa, di sản, bảo tàng…, vào sáng qua 28.3 tại Hà Nội

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Không tạo sức ép lên di sản vì phát triển kinh tế - Anh 1

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã nhấn mạnh, dù ở góc độ nào cũng không được gây sức ép lên di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trong ảnh: Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An luôn hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế Ảnh: TRẦN HUẤN

Nhiều ý kiến khẳng định, trước yêu cầu thực tiễn, quản lý di sản văn hóa phải đổi mới, cập nhật để bắt kịp sự phát triển, đặc biệt giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển bền vững. Dù ở góc độ nào, những nội dung sửa đổi, bổ sung cần thể hiện rõ quan điểm trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa; không đánh đổi, tạo sức ép lên di sản vì phát triển kinh tế.

Tầm nhìn cho di sản

Chủ trì tọa đàm, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là công việc quan trọng, tạo cơ sở cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, có tính ổn định trong thời gian dài. “Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm nhằm tiếp tục góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Các ý kiến tại tọa đàm sẽ được tổng hợp, gửi đến các cơ quan có liên quan…”, ông Trụ cho biết.

Đồng chủ trì, TS Nguyễn Thế Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh, mục tiêu của việc xây dựng hành lang pháp lý này chính là nhằm thực thi trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Dù ở góc độ nào, Luật cũng cần thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi, không tạo sức ép lên di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều bài học thực tiễn từ những mất mát của di sản trước sức ép phát triển kinh tế. Nhiều trường hợp buộc người chịu trách nhiệm phải trăn trở, cân nhắc kỹ lưỡng để không đưa ra những quyết định gây tổn hại, ảnh hưởng đến di sản. Vấn đề bảo tồn và phát triển trong lĩnh vực di sản đã được đề cập nhiều, và đặc biệt cần tiếp tục bàn thảo kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)”, ông Hùng nêu. Cũng theo ông Hùng, ở nhiều nước có những quan điểm mới về cách tiếp cận với di sản văn hóa. Riêng về định nghĩa, vai trò của Bảo tàng trong bối cảnh hiện nay như thế nào cũng đã được tổ chức ICOM bàn luận rất kỹ. Vậy những vấn đề này đã được đưa vào dự Luật ra sao? Mục tiêu hoạt động của Bảo tàng cuối cùng là vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận?...

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Không tạo sức ép lên di sản vì phát triển kinh tế - Anh 2

 PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm Ảnh: THẾ HIỆP

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, những năm qua, mặc dù Luật Di sản văn hóa đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn chưa được như mong đợi, việc thi hành Luật còn có những hạn chế. Một số quy định của Luật còn có những điều chung chung, hoặc chưa đề cập cụ thể đến một số đối tượng như di tích công nghiệp, di tích đô thị, cảnh quan văn hóa, di sản tư liệu, di sản thiên nhiên, việc xây dựng trong các khu vực bảo vệ di tích... “Do tâm lý của một số người quản lý di tích ở địa phương và cộng đồng muốn làm cho di tích khang trang, to đẹp, quy mô với những dự án lớn mà chưa quan tâm thỏa đáng đến các yếu tố gốc và tính xác thực của di tích, khiến cho việc thực hiện dự án kéo dài, di tích gốc bị xuống cấp nặng hoặc biến dạng. Ở không ít dự án phát triển kinh tế và đô thị không có sự tham gia, theo dõi của cán bộ văn hóa, một số quy định về việc thăm dò khảo cổ học, bảo vệ di tích, di vật bị bỏ qua hoặc chỉ làm chiếu lệ, dẫn đến hậu quả là một số di tích, di vật bị phá hủy và tẩu tán mà không ai biết...”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Không tạo sức ép lên di sản vì phát triển kinh tế - Anh 3

Các đại biểu đề nghị cần có quy định trong luật về chính sách hồi hương cổ vật. Trong ảnh: Ấn Hoàng đế chi bảo về Việt Nam sau một quá trình dài đàm phán Ảnh: NGỌC THÀNH

 Do tâm lý của một số người quản lý di tích ở địa phương và cộng đồng muốn làm cho di tích khang trang, to đẹp, quy mô với những dự án lớn mà chưa quan tâm thỏa đáng đến các yếu tố gốc và tính xác thực của di tích, khiến cho việc thực hiện dự án kéo dài, di tích gốc bị xuống cấp nặng hoặc biến dạng.

Ở không ít dự án phát triển kinh tế và đô thị không có sự tham gia, theo dõi của cán bộ văn hóa, một số quy định về việc thăm dò khảo cổ học, bảo vệ di tích, di vật bị bỏ qua hoặc chỉ làm chiếu lệ, dẫn đến hậu quả là một số di tích, di vật bị phá hủy và tẩu tán mà không ai biết...

(PGS.TS NGUYỄN QUỐC HÙNG)

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, xuất phát điểm của việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa không chỉ là câu chuyện “đón” chiến lược phát triển kinh tế, hoặc những yếu tố liên quan đến tầm nhìn mà chính là từ yêu cầu thực tiễn đặt ra.

“Thực tiễn đang cần có những cập nhật, đổi mới để áp dụng thuận lợi và hiệu quả cho công tác quản lý ở lĩnh vực di sản văn hóa. Nhìn từ những vấn đề đang đặt ra hiện nay, chúng ta thấy rằng dự Luật sửa đổi đã bao quát tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể cần tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo hiệu quả thực thi, đơn cử như xây dựng bản đồ khảo cổ học, bảo tàng, thị trường cổ vật...”, TS Phạm Quốc Quân nêu. Nhiều khuyến nghị đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều tại dự thảo Luật. PGS. TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trong nhiều năm qua, các quy định về quản lý cổ vật, ngăn chặn “chảy máu” cổ vật chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng chí ít, có hàng trăm ngàn cổ vật của nước ta đã bị đưa ra nước ngoài bằng nhiều cách từ thời Pháp thuộc đến nay. Các cổ vật đó hiện nằm tại các bảo tàng, các sưu tập tư nhân ở nhiều nước. Ông Quốc Hùng phân tích, nhận thức của người dân về bảo vệ cổ vật chưa cao. Tại một số di tích, bảo tàng, việc bảo vệ cổ vật chưa được coi trọng, chưa có phương án phòng chống trộm cắp hiệu quả, nhất là ở các di tích tín ngưỡng tôn giáo như đình, chùa, đền, miếu... Lực lượng trông nom các di tích này hầu hết là người già, việc truy tìm cổ vật bị mất cắp của các cơ quan chức năng cũng chưa đạt hiệu quả cao. Các di tích khảo cổ, địa điểm có cổ vật cũng chưa được chính quyền các địa phương lập phương án quản lý, bảo vệ chu đáo nên dễ xảy ra hiện tượng người dân đi đào bới, tìm kiếm cổ vật đem bán cho những người buôn, sưu tầm cổ vật…

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Không tạo sức ép lên di sản vì phát triển kinh tế - Anh 4

 Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, dù ở góc độ nào cũng không được tạo sức ép lên di sản vì mục đích phát triển kinh tế. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Tràng An (Ninh Bình) Ảnh: TR.HUẤN

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng đề nghị bổ sung quy định về việc sưu tầm cổ vật. Việc sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện tự do thời gian qua đã dẫn đến việc có nhiều sưu tập tư nhân, bảo tàng tư nhân ra đời. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều hiệu ứng tiêu cực, đơn cử như việc do các cổ vật được sưu tầm từ việc đào bới, tìm kiếm trong lòng đất, mò vớt dưới nước nên các nhà sưu tầm tư nhân thường giấu hoặc không biết thông tin về quá trình phát hiện hiện vật. Các hiện vật trong các sưu tập tư nhân thường thiếu các thông tin quan trọng như địa điểm phát hiện, nơi phân bố, địa tầng, các thông tin về chủ nhân hiện vật, nền văn hóa mà di vật thuộc về, tài liệu cổ nhân cổ sinh, các hiện vật kèm theo, những thông tin liên quan khác đến di chỉ, di vật... “Việc không có quy định về sưu tầm di vật, cổ vật khiến việc đào bới, trộm cắp di vật, cổ vật tại các di tích khảo cổ trở nên phổ biến hơn. Các di tích bị đào bới, phá hủy ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước…”, theo TS Nguyễn Quốc Hùng. TS Phạm Quốc Quân đề cập đến vấn đề cần có thị trường cổ vật, điều này khá quan trọng khi đặt trong mối tương quan với phát triển công nghiệp văn hóa. Thị trường cổ vật sẽ thể hiện tính minh bạch, đáng tin cậy. Các cửa hàng cổ vật hiện nay đang tồn tại như kho chứa những đồ giả cổ, trong khi sự sát sao kiểm tra của chính quyền địa phương còn hạn chế.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian qua việc hồi hương cổ vật đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. Nên bổ sung điều luật quy định về việc tham gia các Công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó có các Công ước, Hiến chương, Khuyến nghị… về bảo vệ cổ vật, làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách về nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài, đang nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân. Việc này sẽ giúp tạo sự chủ động đấu tranh hồi hương các cổ vật đó. Không ít chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế về thuế hiện nay đang gây nhiều khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. “Nhà nước có chủ trương hồi hương cổ vật nhưng có cổ vật về đến sân bay lại bị hải quan giữ lại vì chưa đóng thuế. Mức thuế lên đến 10% tổng giá trị cổ vật, việc này gây khó khăn lớn cho các đơn vị”, TS Phạm Quốc Quân nêu.

TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được các chuyên gia, nhà khoa học nêu lên tại tọa đàm. Ông Hùng lưu ý, vấn đề ưu tiên số một của việc xây dựng hành lang pháp lý chính là quan điểm bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, những bài toán kinh tế đang là thách thức, sức ép đối với không ít công trình di sản. “Bên cạnh đó, gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, yếu tố phát huy giá trị di sản cũng cần được thể hiện rõ hơn trong các quy định. Các khái niệm, vấn đề mới về di sản đô thị, di sản công nghiệp, di sản tư liệu… nhìn chung đã được thể hiện hợp lý trong các quy định của dự thảo Luật”, ông Hùng nhấn mạnh. 

 Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian qua việc hồi hương cổ vật đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. Nên bổ sung điều luật quy định về việc tham gia các Công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó có các Công ước, Hiến chương, Khuyến nghị … về bảo vệ cổ vật, làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách về nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài, đang nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân. Việc này sẽ giúp tạo sự chủ động đấu tranh hồi hương các cổ vật đó.

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc