Tăng cường bảo vệ khu bảo tồn biển Hòn Mun

VHO- Vịnh Nha Trang là danh lam thắng cảnh quốc gia, chứa đựng các giá trị toàn cầu và quốc gia khi được xếp vào khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam và là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia phải được bảo vệ hiệu quả. Thời gian qua, môi trường vịnh Nha Trang có biểu hiện suy thoái cần được chung tay bảo vệ...

Tăng cường bảo vệ khu bảo tồn biển Hòn Mun - Anh 1

 Hoạt động vớt rác, bảo vệ san hô dưới đáy vịnh Nha Trang

 Để chung tay bảo vệ rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun, nơi có sự đa dạng sinh học bậc nhất của vịnh Nha Trang, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức tập huấn chung tay cùng cộng đồng giám sát và bảo tồn rạn san hô Hòn Mun.

Tham dự lớp tập huấn có gần 50 đại biểu đại diện Ban Quản lý vịnh Nha Trang; Viện Hải Dương học Nha Trang; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tư nhân ở khu vực Vĩnh Nguyên và hội viên phụ nữ Phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Kết quả báo cáo cho biết: Hiện nay không chỉ có rạn san hô tại vùng biển Hòn Mun mà san hô ở nhiều khu vực khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại rất nhiều. Ở nhiều địa điểm, san hô suy giảm 70-80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015. Theo báo cáo của Ban Quản lý vịnh Nha Trang, san hô bị suy giảm do tác động của cơn bão số 12 (năm 2017) và ảnh hưởng của cơn bão số 9 (năm 2021), sự bùng nổ sao biển gai trong 2 năm 2018-2019; rạn san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng cao vào năm 2019 và do ô nhiễm môi trường nước bởi tác động của con người...

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia, báo cáo viên phổ biến các kiến thức về cách phân biệt các loài thú biển; giám sát và bảo tồn rạn san hô Hòn Mun; môi trường sinh sống, hình thức sinh sản của san hô; tầm quan trọng, các mối nguy hại tới san hô… Đồng thời, hướng dẫn về phương pháp giám sát sự sinh trưởng của san hô; những hành động thiết thực của mỗi cá nhân trong bảo vệ san hô (không vứt rác thải, xả nước thải xuống biển; không vứt các loại lưới đánh bắt cá xuống biển làm mắc vào các rạn sạn hô; không neo đậu tàu thuyền trực tiếp trên các rạn san hô; báo cáo với các cơ quan chức năng khi phát hiện tình trạng mua bán, xâm hại san hô…); biện pháp sơ cứu, tái thả tại chỗ khi thú biển mắc cạn, dạt bờ; biện pháp phục hồi, nuôi dưỡng lâu dài khi các loài thú biển bị thương nặng…

Buổi tập huấn nhằm tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ các cấp trong việc bảo vệ môi trường, nhất là việc bảo tồn rạn san hô Hòn Mun. Đây là một trong nhiều hoạt động nằm trong kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, ngày 21.6.2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Thông báo số 347-TB/TU yêu cầu phải giữ gìn và phục hồi vịnh Nha Trang, bao gồm rạn san hô trong khu vực biển Hòn Mun và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, ngày 7.11.2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định 3028/KH-UBND về việc ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Do đó, kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 với 16 nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, thiết thực với hiện trạng vịnh Nha Trang và khu bảo tồn biển Hòn Mun cùng các điều kiện để thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu, để phục hồi san hô đã bị suy thoái ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang, cơ quan hữu quan sẽ khảo sát, đánh giá nhanh rạn san hô tại các địa điểm du lịch lặn biển quanh đảo Hòn Mun, các vùng lõi khác trong vịnh để xác định mức độ và nguyên nhân suy thoái.

Tăng cường bảo vệ khu bảo tồn biển Hòn Mun - Anh 2

 San hô chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường

Đồng thời sẽ tiến hành làm sạch môi trường khu vực biển Hòn Mun, loại bỏ rác thải nhựa trong rạn san hô, sắp xếp các cành vụn gãy của san hô để san hô có cơ hội tự phục hồi và thực hiện giải pháp kỹ thuật phục hồi phù hợp đối với rạn san hô ở các khu vực biển vừa nêu. Kế hoạch còn đưa ra giải giáp hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận, nhằm góp phần thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển giai đoạn 2016-2025 của Việt Nam. Một trong các hoạt động cụ thể để thực hiện mục tiêu đó tại vịnh Nha Trang là sẽ khảo sát khu vực bãi biển nơi rùa đã từng lên đẻ ở các đảo; xây dựng các phương án giữ gìn, bảo vệ bãi đẻ hiện có, đặc biệt là tại khu vực đảo Hòn Tre.

UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ mời Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chủ trì thực hiện kế hoạch phục hồi và bảo tồn rùa biển tại vịnh Nha Trang và sẽ mời Cơ quan Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Hà Nội là nhà tài trợ chính để thực hiện kế hoạch “Quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa trong khu bảo tồn biển hướng tới phát triển kinh tế biển xanh tại vịnh Nha Trang”. Về giải pháp tạo “sinh kế bền vững” cho cộng đồng dân cư gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, cùng với việc nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý hệ sinh thái rạn san hô và sẽ phân công trách nhiệm quản lý, giám sát, bảo vệ rạn san hô cho cộng đồng cư dân tại tổ dân phố trên đảo Bích Đầm. Thử nghiệm mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đảo xanh, sạch, văn minh, từng bước chuyển nghề cho ngư dân ở đảo Bích Đầm.

Một giải pháp mới cũng đáng quan tâm, theo kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang, đó là “thiết lập và thử nghiệm phương thức quản trị công tư khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang”. Cụ thể, sau khi xác định, lập “Khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang” và xây dựng cơ chế (thử nghiệm) hợp tác công tư trong quản trị, quản lý khu vực này, tỉnh sẽ mời Công ty cổ phần Vinpearl ký kết thỏa thuận hợp tác công tư, thực hiện phương thức quản trị mới theo cơ chế thử nghiệm đó. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND TP Nha Trang thành lập tổ tư vấn thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Thành phần tổ tư vấn dự kiến gồm: đại diện các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, hằng năm báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, việc bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun là ưu tiên cấp bách, đòi hỏi nỗ lực chung và chủ động hợp tác của cộng đồng, khối tư nhân và cơ quan nhà nước; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, địa phương trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với ban điều hành dự án nhằm đạt kết quả tốt nhất trong việc bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun theo kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 của UBND tỉnh Khánh Hòa. 

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc