Đờn ca tài tử Nam Bộ: Tìm vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa đô thị

VHO- Tình trạng khan hiếm nghệ nhân chơi nhạc cụ cổ truyền; công tác truyền dạy nhiều khó khăn; chế độ đãi ngộ nghệ nhân chưa phù hợp… là những bất cập trong công tác thực hành, trình diễn Đờn ca tài tử đã được nêu tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, do Sở VHTT TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.

Đờn ca tài tử Nam Bộ: Tìm vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa đô thị - Anh 1

 Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử

 Năm 2013, UNESCO ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện nhân loại. 10 năm trôi qua, một chặng đường không quá dài song cũng đủ để nhận ra những thành tựu cũng như hạn chế, bất cập trong quá trình thực hành di sản này.

Nguy cơ thất truyền, mai một bài bản

“Trong giới nhạc Tài tử, người ta thường lấy sự am tường, điêu luyện khi thực hành 20 bản Tổ làm tiêu chí đánh giá trình độ, năng lực chuyên môn của nghệ nhân. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy không ít nghệ nhân đang truyền dạy ở các địa phương còn chưa thông thạo 20 bản Tổ”, TS Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc Nam Bộ, giảng viên Trường ĐH Trà Vinh trăn trở.

Được biết, TS Mai Mỹ Duyên cùng với cộng sự là TS Nguyễn Chính, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Trà Vinh, đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại bốn tỉnh thành là Bình Dương, TP.HCM, Tiền Giang và Bạc Liêu từ năm 2017-2022. Đây là những địa phương có đóng góp nổi bật trong lịch sử Đờn ca tài tử ở Nam Bộ, đồng thời cũng chịu sự tác động mạnh mẽ bởi xu hướng công nghiệp hóa và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

Theo nhóm nghiên cứu, việc không am tường 20 bản Tổ có thể xuất phát từ ba nguyên nhân: Mặt bằng chuyên môn chưa đạt theo tiêu chí được công nhận nghệ nhân, nhất là tiêu chí có kiến thức và kỹ năng truyền nghề; nghệ nhân có thể nắm vững 20 bản Tổ nhưng trong thực tiễn hoạt động chuyên môn không có cơ hội trình diễn hoặc truyền dạy trọn vẹn; người học không có nhu cầu, hoặc không có điều kiện để học đầy đủ, trọn vẹn.

“Thực trạng khảo sát cho thấy nguy cơ thất truyền 20 bản Tổ rất cao. Đây là vấn đề có tính phổ biến hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ di sản Đờn ca tài tử”, TS Nguyễn Chính lo lắng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho hay, từ sau khi Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh thì các cuộc hội thi, liên hoan ở nhiều tỉnh thành đều chỉ tập trung bảo tồn và phát huy 20 bản Tổ. Điều này lại dẫn đến hàng trăm bản nhạc của Đờn ca tài tử và nhạc Cải lương (xuất phát từ Đờn ca tài tử) có nguy cơ mai một do không được sử dụng và truyền dạy.

Bên cạnh 20 bản Tổ, những bản vắn, bản nhỏ cũng đã minh chứng cho nguồn gốc của Đờn ca tài tử, thể hiện tinh thần sáng tạo phong phú, đa dạng, góp phần làm giàu di sản văn hóa của các thế hệ nghệ nhân. Thế nhưng trong 10 năm qua, mặc dù giới nghiên cứu nhạc cổ truyền và nghệ nhân đã lên tiếng về nguy cơ thất truyền bài bản, vậy mà trong sinh hoạt định kỳ ở các CLB, hay trong các cuộc liên hoan, hội thi vẫn chưa có sự bổ sung, điều chỉnh. Việc bổ sung cũng đồng nghĩa nghệ nhân phải bảo tồn và phát huy những bài bản này trong thực hành để tránh nguy cơ rơi vào quên lãng.

Đờn ca tài tử Nam Bộ: Tìm vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa đô thị - Anh 2

 Trình diễn Đờn ca tài tử tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chưa có không gian trình diễn đúng tính chất độc đáo của Đờn ca tài tử

Số liệu thống kê cho biết, TP.HCM hiện có 229 CLB, 84 đội nhóm Đờn ca tài tử đang hoạt động với tổng số thành viên là 1.226 người (gồm 454 nghệ nhân, tài tử đờn và 772 nghệ nhân, tài tử ca).

Với mục đích nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, việc thực hành truyền dạy, sáng tác bài ca mới, tổ chức trình diễn và quảng bá ở các điểm du lịch và trên phương tiện truyền thông đã được TP quan tâm đầu tư. Qua đó, từng bước phát triển phong trào, tạo nền tảng khá vững chắc cho sự thụ hưởng, sáng tạo nghệ thuật của người dân trong giai đoạn hiện nay. Đây còn là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở TP.HCM.

Tuy nhiên, theo cán bộ quản lý văn hóa, việc thực hành Đờn ca tài tử vẫn còn một số hạn chế cần chú ý như: Chủ yếu phát triển mạnh ở vùng ngoại thành và trong tầng lớp trung niên, tình trạng “già hóa” hội viên các CLB đang diễn ra mạnh; nghệ nhân chơi các nhạc cụ cổ truyền ngày càng khan hiếm, nhất là đờn cò, kìm, tranh, bầu; chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa phù hợp. Đáng chú ý, đội ngũ kế thừa trong giới trẻ không nhiều; một số CLB không có nghệ nhân đờn, dẫn đến không còn duy trì sinh hoạt thường xuyên; một số khác lại gặp khó khăn về tài chính, chưa có địa điểm để nghệ nhân thực hành truyền dạy và sinh hoạt đờn ca… Cho đến hôm nay, Đờn ca tài tử vẫn chưa có một không gian trình diễn đúng với tính chất đa dạng, phong phú và độc đáo của nó.

Nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho rằng, hoạt động Đờn ca tài tử không phát huy được hiệu quả kinh tế để kích thích phong trào chuyên nghiệp lẫn bán chuyên nghiệp phát triển. Nhìn chung, hoạt động nghệ thuật mà không có sàn diễn để thường xuyên rèn luyện chuyên môn, không có kinh phí để tự nuôi sống mình, mục đích chỉ để phục vụ cho sự giải trí hoặc chờ lúc hội diễn… thì khó có cơ hội duy trì sự liên kết bền vững cũng như sự thăng tiến trong nghề nghiệp.

Theo TS Lê Hồng Phước, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cần đưa Đờn ca Tài tử - Cải lương vào du lịch, đây là cách thức làm cho di sản sinh lợi. “Đờn ca tài tử cần có vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa đô thị TP.HCM. Nên đưa Đờn ca tài tử và Cải lương đến những địa điểm công cộng trọng điểm như Đường sách Nguyễn Văn Bình, Đường đi bộ Nguyễn Huệ; xây dựng tượng về nhạc cụ Đờn ca tài tử ở một số địa điểm công cộng như công viên hay vòng xoay… Qua đó nhằm khơi gợi, nhắc nhở người dân về Đờn ca tài tử, góp phần thu hút ánh nhìn của du khách về loại hình đã được UNESCO ghi danh”, TS Phước nói.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc tổ chức các liên hoan Đờn ca tài tử không chỉ để tranh tài, tôn vinh, mà còn cần tạo ra không khí lễ hội để mọi người gặp nhau giao lưu, học hỏi. Cũng qua liên hoan, có thể phát hiện thêm những nhân tố mới kế thừa Đờn ca tài tử để kịp thời hỗ trợ, đào tạo.

TS Mai Mỹ Duyên tâm huyết: “Để Đờn ca tài tử luôn có sức sống mạnh mẽ, cần có những chính sách hợp lý trong đối đãi với đội ngũ nghệ nhân. Điều đó sẽ tác động lớn đến nhận thức, trách nhiệm và chất lượng truyền dạy; giúp nghệ nhân vững lòng tin, coi việc trao truyền giá trị di sản vừa là thiên chức, vừa là trách nhiệm vì họ đang sở hữu trí tuệ và tài năng của cộng đồng. Đó cũng là cách làm hữu hiệu để những truyền thống văn hóa quý báu không bị mai một, đứt gãy”. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc