Tiết kiệm gần 500 tỉ đồng nhờ đấu thầu thuốc tập trung

VH- Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 là 26.132 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%; năm 2016 là 31.541 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 41%.

Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về KT-XH. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, việc đấu thầu đơn lẻ thuốc thời gian qua đã tạo ra một sự chênh lệch giá giữa các tỉnh khác nhau. Ngay trong một địa phương, giữa các bệnh viện khác nhau cũng có giá chênh lệch đối với cùng một loại thuốc, với cùng một dạng hoạt chất, cùng một dạng bào chế. Theo ông Sơn, đấu thầu riêng lẻ cũng tạo nên sự hỗn loạn về các mặt hàng thuốc khi có khá nhiều loại thuốc trúng thầu có cùng một hoạt chất. Ngoài ra, đấu thầu riêng lẻ cũng dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thừa thuốc, thuốc trên thị trường sau trúng thầu cũng chưa đạt chất lượng được theo đúng yêu cầu điều trị cũng như các vấn đề chí phí, hiệu quả không đạt được như kỳ vọng của cả nhà quản lý cũng như của người bệnh.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia vào tháng 3.2017 và trong lần đầu tiên triển khai đấu thầu thuốc tập trung, Trung tâm đã tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018- 2019. Kết quả đã lựa chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chẳng hạn tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỉ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỉ đồng, tiết kiệm được trên 477 tỉ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch).

H.Quỳnh

Ý kiến bạn đọc