Grab sẽ tiến hành "thâu tóm" Uber: Tài xế, người tiêu dùng bị phản bội

VH- Sau khoảng 4 năm cùng với Grab tạo ra luồng gió mới làm thay đổi thị trường taxi truyền thống, tạo ra cuộc chiến giằng co tranh giành thị phần khách hàng với chính Grab cũng như taxi truyền thống, Uber sẽ chính thức chia tay Việt Nam và “bán mình” cho Grab dự kiến vào ngày 8.4 đã khiến người tiêu dùng và giới tài xế khá hoang mang, bực bội.

Grab sẽ tiến hành

Khách hàng sẽ không còn lựa chọn

Có thể nói những năm qua, Uber và Grab đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt; phá vỡ sự “độc tôn’ của taxi truyền thống bằng sự phục vụ tận tình, chu đáo của tài xế cũng như chất lượng xe. Bên cạnh đó, giữa Uber và Grab cạnh tranh nhau khiến giá cước taxi giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, khi Uber “về” với Grab, nhiều người tiêu dùng lo sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

Một khách hàng “trung thành” của taxi công nghệ tại Hà Nội lo ngại giá cước taxi công nghệ sẽ tăng khi không còn sự cạnh tranh giữa Grab và Uber: “Khi đặt xe, tôi và bạn bè đều kiểm tra giá xem bên nào rẻ hơn thì sử dụng. Khuyến mại của cả hai bên đều nhiều. Nhưng giờ đây chỉ còn lại Grab, sợ họ sẽ đưa ra mức giá cao, những chương trình khuyến mại cũng không còn nữa. Vì vậy, khi không còn Uber, người dùng có thể sẽ bị thiệt thòi bởi Grab không còn đối trọng, một mình một ngựa thao túng.

Không chỉ lo lắng về giá cước sẽ tăng, mức chiết khấu với lái xe cũng là điều nhiều người quan tâm khi Grab tiếp quản toàn bộ Uber ở Việt Nam. Lúc đang còn cạnh tranh kịch liệt, giữa Uber và Grab đã đưa ra những mức chiết khấu hấp dẫn cùng nhiều phần thưởng để lôi kéo tài xế của nhau. Giờ đây, khi đã “độc tôn”, nhiều tài xế kể cả của Uber và Grab lo ngại Grab có thể tùy ý tăng giảm chiết khấu và không quan tâm đến quyền lợi của tài xế. Nhiều tài xế của Grab cho biết, lái xe nào không chấp nhận được mức chiết khấu, Grab sẵn sàng cho nghỉ vì đang chào mời hàng nghìn lái cũ từ Uber chuyển sang. Trong khi đó, giới tài xế của Uber thì ngao ngán vì bị Uber “phản bội” bởi họ sắp phải chuyển sang Grab hoặc sẽ không còn việc làm.

Những tài xế amateur (không chuyên) của Uber và Grab, có xe và làm đối tác bán thời gian, nhiều người trong số này đã “treo” tài khoản đối tác và không tham gia hoạt động khi hai hãng này tăng chiết khấu và không có nhiều khuyến mại hấp dẫn. Còn những tài xế làm đối tác cho hay hãng này toàn thời gian như những tài xế taxi thực sự thì giờ đang “ngồi trên đống lửa”. Trong số này có nhiều người từ bỏ các hãng taxi truyền thống, tự đầu tư xe để làm đối tác; hoặc tài xế của Grab chuyển sang Uber và ngược lại. Hàng trăm tài xế Uber như thế có nguy cơ mất việc nếu trước đó đã vi phạm những điều khoản từ Grab và đã bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Rất nhiều người trong số này đã vay nợ hàng trăm triệu mua ô tô chạy taxi công nghệ lo phá sản vì gánh nặng quá lớn.

Tài xế lo vỡ nợ

Là một đối tác khoảng hai năm của Uber, anh Nguyễn Đình Cả (Láng Thượng, Hà Nội) khá sốc. Hai năm trước, anh đầu tư gần 500 triệu đồng mua xe ô tô để trở thành đối tác lái xe cho Grab, tuy nhiên do một số vướng mắc, anh bị khóa tài khoản Grab và chuyển sang đầu quân cho Uber. “Chạy vã mồ hôi từ sáng sớm đến 10 giờ đêm, trung bình mỗi ngày được khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng; trừ chi phí xăng xe, chiết khấu, tiền trả góp ngân hàng, thu nhập cũng chỉ tương đương tài xế xe taxi truyền thống. Đang ôm cục nợ lớn, phải cày trả nợ, nhưng giờ Uber bị bán sang Grab, tài khoản Grab bị khóa, tôi hết cửa kiếm ăn rồi”, anh Cả nói.

Tài xế Uber và Grab giờ không còn sự lựa chọn? Áp lực của họ để giữ được tài khoản ngày càng nhiều hơn, nếu không sẽ tự bị đào thải khỏi cuộc chơi. Chia sẻ trên diễn đàn, nhiều đối tác của Uber đánh giá, Uber có nhiều ưu đãi cho lái xe hơn. Nếu sau khi sáp nhập, Grab không thay đổi chính sách, họ sẽ ngừng chạy xe. Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, thừa nhận khách hàng đang thắc mắc về ảnh hưởng của việc sáp nhập đối với họ. Các đối tác tài xế, đặc biệt là những người chỉ hoạt động trên nền tảng ứng dụng Uber, có thể đang lo lắng về sinh kế của mình. Đại diện Grab khẳng định: “Khi hợp nhất 2 nền tảng, chúng tôi chắc rằng sẽ có nhiều khách hàng sử dụng Grab hơn, nghĩa là các anh em đối tác sẽ nhận nhiều cuốc xe hơn, giảm thời gian chờ và cuối cùng là gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, nhiều tài xế cho hay sẽ bán xe trả nợ, không làm đối tác cho Grab, bởi thời gian qua họ đã bị chính Uber và Grab “ăn trên ngồi trốc” hưởng lợi quá nhiều trên mồ hôi của họ. Trong khi mức chiết khấu ở Uber đang là 20% thì ở Grab cao hơn rất nhiều, lên đến 28,36%. Các tài xế cho biết, nếu sau sáp nhập, Grab vẫn áp mức phí này, nhiều người sẽ phải “bỏ cuộc” do lợi nhuận thấp, nhất là khi chạy quãng đường di chuyển ngắn. Bởi nếu mức chiết khấu quá cao, trừ chi phí nhiên liệu, hao mòn xe, trả lãi ngân hàng thì tài xế chỉ là “làm không công” cho Grab. 

 ​Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã có văn bản yêu cầu Grab Taxi Việt Nam cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam. Không chỉ phía Việt Nam, Singapore cũng yêu cầu Uber, Grab báo cáo chi tiết vụ mua bán để ngăn ngừa vi phạm cạnh tranh nếu có.

Hoàng Anh

 

Ý kiến bạn đọc