Bao giờ dịch vụ karaoke mới được hoạt động trở lại?

VHO- Câu hỏi này không phải đến bây giờ mới được đặt ra đối với cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương, mà nó đã được hàng trăm chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên cả nước làm đơn “kêu cứu” từ gần một năm nay, bởi suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19 cộng với chấn chỉnh PCCC khiến nhiều chủ karaoke vỡ nợ, phá sản…

Bao giờ dịch vụ karaoke mới được hoạt động trở lại? - Anh 1

 Nhiều cơ sở dịch vụ karaoke bị đóng cửa, hệ thống phòng bị xuống cấp

 Trước tình cảnh dịch vụ karaoke đóng cửa trong suốt thời gian dài như vậy, nhiều cơ sở của loại hình này phải “bán xới”, lâm cảnh trắng tay, và họ chỉ mong sao sớm được phép hoạt động trở lại.

“Chúng tôi mong ngóng từng giờ được tháo gỡ khó khăn”

Cách đây không lâu, lần đầu tiên, hàng trăm chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đến từ 11 tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An đã có buổi gặp mặt ở Hà Nội để giãi bày những khó khăn kéo dài hơn ba năm qua. Nói như một chủ cơ sở ở TP.HCM, “cực chẳng đã chúng tôi mới nhóm họp để bày tỏ ý kiến với cấp có thẩm quyền. Nếu karaoke vẫn không được phép hoạt động trở lại bởi những quy định mới mà không chia sẻ khó khăn với doanh ngiệp, thì chỉ còn cách phá sản. Và nhiều cơ sở đã tuyên bố phá sản rồi”.

Tại buổi gặp mặt này, hơn 200 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke của 11 tỉnh, thành phố đều cho rằng, vướng mắc liên quan đến các điều kiện đảm bảo an toàn trong PCCC. Có những quy định, bản thân họ cũng không biết phải đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng như thế nào cho đúng, vì những quy định cũ và quy chuẩn mới bị chồng lấn lên nhau, trong đó quy chuẩn mới đưa ra lại thiếu sự hướng dẫn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Bà Bùi Thị Thu Hà (đại diện cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Thanh Hóa) cho biết, từ trước đến nay vẫn hoạt động bình thường, có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng PCCC trên địa bàn. Sau khi Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 513/ KH-BCA-C07 “Về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc” thì tất cả các cơ sở đều bị dừng hoạt động, đồng thời yêu cầu khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC.

Theo bà Hà, mỗi phòng hát, các cơ sở đầu tư trung bình cho hệ thống PCCC, lối thoát hiểm, trang trí âm thanh khoảng 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Khi áp dụng theo quy chuẩn QCVN 06:2022/ BXD về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình thì cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu, nhiều quán karaoke sẽ phải đập bỏ và phá sản. “Công tác PCCC là rất cần thiết, cần phải siết chặt quản lý, đảm bảo về an toàn tính mạng, tài sản của người dân, nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đối với công tác PCCC. Nhưng bên cạnh đó cũng phải cho doanh nghiệp, các chủ cơ sở một lộ trình, phương án cụ thể để họ có phương án khắc phục, sửa chữa, thay vì một lúc cơ quan quản lý nói cấm là cấm ngay”, bà Hà bày tỏ.

Theo ông Trần Xuân Dũng (đại diện cho các cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.HCM) cho biết, TP.HCM có khoảng hơn 400 cơ sở karaoke bị đóng cửa, mỗi cơ sở đầu tư ít nhất khoảng 10 tỉ đồng. “Riêng tôi đầu tư 4 cơ sở, mỗi cơ sở khoảng 10 tỉ đồng, cộng thêm tiền thuê mặt bằng khoảng 500 triệu đồng/ tháng, thuê nhân viên bảo vệ, tiền lãi suất ngân hàng, để duy trì quán trong lúc đóng cửa, tôi phải đi vay ngân hàng, giờ không vay được nữa, chuẩn bị tuyên bố phá sản. Đây cũng là tình trạng chung của các quán karaoke ở TP.HCM”, ông Dũng chia sẻ. Ông Dũng cũng cho hay, cơ quan chức năng cần có những biện pháp giải quyết tình trạng cho các cơ sở kinh doanh bởi tại thời điểm đăng ký kinh doanh, các cơ sở đã được cấp phép. Không thể áp dụng luật PCCC của năm 2022 vào những thời điểm đã được cấp phép trước đó vì áp dụng như thế các cơ sở này chỉ còn cách phá đi.

“Cơ sở của tôi được cấp phép và hoạt động năm 2020, có nghiệm thu, thẩm duyệt và đầy đủ hệ thống PCCC. Thậm chí, những lần đó lực lượng chức năng không ai có ý kiến gì, vậy mà đùng một cái là đóng cửa. Vì sao những lần đó, họ không nêu ra vấn đề để chúng tôi khắc phục”, ông Dũng nói. Sau buổi gặp mặt, hàng trăm chủ cơ sở, đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke các tỉnh, thành đã ký đơn gửi cấp thẩm quyền và các Bộ, ngành liên quan đề nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành nghề karaoke.

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp cũng cần được đặt lên hàng đầu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo Kết luận số 319, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, đã tạm đình chỉ, dừng hoạt động đối với các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC và an ninh trật tự, một số địa phương 100% cơ sở kinh doanh karaoke phải tạm dừng hoạt động do không đảm an toàn về PCCC.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 12.453 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, và theo tổng hợp từ Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc tại 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, đã đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động 10.482 cơ sở, số cơ sở đang hoạt động chủ yếu có quy mô 1 tầng có từ 1 đến 5 phòng hát. Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, việc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ kinh doanh dịch vụ karaoke để lập lại trật tự, đặc biệt chấn chỉnh công tác PCCC là thực sự cần thiết, song tạm dừng lâu quá cũng đã phát sinh nhiều vấn đề. Sau dịch bệnh Covid-19 và một số vụ cháy ở các quán karaoke, dịch vụ hát karaoke ở các quán đã rơi vào trầm lắng, thậm chí nhiều địa phương không có quán karaoke nào hoạt động. Việc hát karaoke ở nhà riêng, khu vực công cộng lại trở nên phổ biến khiến chúng ta thấy nhu cầu hát karaoke của người dân là có thật. Việc dịch vụ karaoke không thể đáp ứng nhu cầu thực này đã khiến phát sinh các hiện tượng hát karaoke ở nhà riêng, nơi công cộng như chúng ta đang thấy. Có chuyên gia cho rằng, điều này dẫn đến khá nhiều hệ lụy liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng. Xét về quan điểm quản lý lấy nhu cầu văn hóa của người dân là đối tượng phục vụ, rõ ràng dịch vụ karaoke vẫn còn có giá trị trong đời sống của người dân, và việc chấn chỉnh, đưa trở lại dịch vụ này hoạt động bình thường là một việc làm cần thiết, để tránh những hệ lụy phát sinh không cần thiết.

Trong một chiều hướng khác, có ý kiến cho rằng, loại hình giải trí hát karaoke có khả năng bị “khai tử” vì nhiều cơ sở đã bị phá sản hoặc bị những loại hình giải trí khác lấn lướt. Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn lại lập luận, karaoke có sự hấp dẫn riêng và không thể bị khai tử sau khi dịch bệnh kết thúc vì nó là một loại hình giải trí phổ biến cũng như có nhiều yếu tố thu hút người hát. Sở dĩ như vậy là vì, đam mê âm nhạc và ca hát là một phần quan trọng của nhiều người và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Karaoke cung cấp cơ hội cho họ để thể hiện niềm say mê âm nhạc và tận hưởng niềm vui khi hát cùng bạn bè hoặc gia đình. Hát karaoke có thể giúp giảm căng thẳng và làm cho người tham gia cảm thấy vui vẻ. Điều này làm cho karaoke trở thành một hình thức giải trí phổ biến để thư giãn sau thời gian khó khăn như dịch bệnh hay kể cả những khó khăn khác trong cuộc sống của mỗi người. Vì vậy, đây cũng được xem là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Một điều quan trọng nữa, xét về ý nghĩa về kinh tế, karaoke là một ngành kinh doanh có lợi nhuận tốt, tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều người. Khi pháp luật cho phép, nhiều người sẽ đầu tư cho lĩnh vực này và khiến dịch vụ karaoke trở nên hấp dẫn và thu hút hơn. Điều này cũng sẽ thu hút nhiều người đến với dịch vụ này hơn.

Trả lời câu hỏi của Văn Hóa, trước tình cảnh hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke bị đình hoãn, cần có những giải pháp gì để khắc phục, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận: Yêu cầu PCCC là bắt buộc, cần thiết, nhất là sau các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vừa qua, tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, việc các cơ quan liên quan tích cực đồng hành cùng các cơ sở kinh doanh karaoke để bảo đảm lợi ích kinh doanh, cân bằng lợi ích cộng đồng và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân cũng cần được đặt lên hàng đầu. Khi chúng ta lấy người dân, doanh nghiệp làtrung tâm đểphục vụthì xã hội sẽ được lợi, đất nước sẽ phát triển. 

 “Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 12.453 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, và theo tổng hợp từ Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc tại 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, đã đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động 10.482 cơ sở, số cơ sở đang hoạt động chủ yếu có quy mô 1 tầng có từ 1 đến 5 phòng hát…”.

LÂM SƠN

Ý kiến bạn đọc