Giải “bài toán” đổi mới mô hình tăng trưởng

VHO- Chiều qua 17.8, Diễn đàn Kinh doanh 2023 do Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Văn Hóa) tổ chức chính thức khai mạc tại TP.HCM, với chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng”, quy tụ nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế.

Giải “bài toán” đổi mới mô hình tăng trưởng - Anh 1

 Các diễn giả trong phiên thảo luận Thách thức mới - cơ hội mới

 Có thể thấy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng là “bài toán” lớn mang tính thời sự ở cả góc độ vi mô và vĩ mô. Ở góc độ doanh nghiệp, đó là việc huy động, phân bổ sử dụng nguồn lực hợp lý, kinh doanh hiệu quả và bền vững, đón bắt được xu hướng thay đổi đến từ cuộc cách mạng công nghệ.

Với góc độ kinh tế vĩ mô, việc chuyển đổi cách thức tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên tầm quốc gia sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, có hàm lượng chất xám cao. 12 tháng qua, lạm phát cao tại nhiều quốc gia là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, khiến sức mua suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và đầu tư. Cả khu vực sản xuất và dịch vụ, từ doanh nghiệp FDI đến nội địa đều gặp khó khăn.

Để nhìn rõ bức tranh chung kinh tế vĩ mô toàn cầu, cũng như những khuyến cáo các kịch bản cụ thể với nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới, giúp lãnh đạo doanh nghiệp định hình chiến lược kinh doanh, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã trình bày bài “Viễn cảnh vĩ mô”. Theo đó, nhìn chung bức tranh nền kinh tế thế giới trong thời gian tới chỉ khôi phục kinh tế ở mức trung bình chậm. Nhìn vào nền kinh tế nội địa, có thể thấy sau Covid-19 khôi phục rất nhanh, nhất là ngành bán lẻ, tuy nhiên sau đó lại bình thường hóa và có dấu hiệu đi xuống so với trước Covid-19. Nguyên nhân chính là bởi xu hướng tiêu dùng yếu đi và có dấu hiệu thận trọng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, xuất khẩu có sự sụt giảm đáng kể khi các thị trường tiềm năng cũng bắt đầu thay đổi xu hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, đã có nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và cố gắng đầu tư công nhiều hơn. Cùng với đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, khi các thị trường chính sẽ bắt đầu mở cửa, rộng cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam và chúng ta có sản phẩm để xuất khẩu, nhưng vẫn có những rủi ro tiềm ẩn.

Giải “bài toán” đổi mới mô hình tăng trưởng - Anh 2

 Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa tặng quà lưu niệm cho bà Dorsati Madani sau phần trình bày tham luận

Cũng trong phiên thảo luận “Thách thức mới - cơ hội mới”, các diễn giả đã đưa những chia sẻ về cách thức ứng phó linh hoạt trong môi trường kinh doanh biến động, thị trường thay đổi, công nghệ mới xuất hiện phá vỡ khuôn mẫu truyền thống. Đa phần các diễn giả đều cho rằng, các dấu hiệu tăng trưởng về vĩ mô đều có, kết hợp cùng đầu tư công tốt, tiêu dùng cá nhân tăng trưởng trở lại, sự chuyển đổi số mạnh mẽ, cũng nhiều yếu tố cộng hưởng khác sẽ giúp tăng khả năng phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Cũng theo các diễn giả, những năm vừa qua, hai động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất cho Việt Nam là xuất khẩu và đầu tư. Trên bản đồ xuất khẩu thế giới, Việt Nam nổi bật ở nhiều lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, nông sản, đồ gỗ…

Tuy nhiên việc thu hút vốn FDI vẫn đang chủ yếu dựa trên ưu đãi thuế và lao động giá rẻ, ít tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Chính vì thế, trong phiên thảo luận “Tái định vị Việt Nam”, các diễn giả cũng đã chia sẻ quan điểm, giải pháp, chỉ ra các cơ hội và thách thức khi Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thu hút FDI chất lượng để tạo ra giá trị tăng trưởng bền vững…

Đặc biệt, lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023 do Forbes Việt Nam thực hiện cũng đã diễn ra. Đây là danh sách lần thứ 11 do Forbes Việt Nam thực hiện, 50 doanh nghiệp ưu tú nhất của nền kinh tế năm qua đã mang về tổng lợi nhuận sau thuế 228.096 tỉ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022 và tổng doanh thu 1.490.453 tỉ đồng, tăng 24,9%. Quán quân doanh thu như thường lệ thuộc về Petrolimex, trong khi vị trí số 1 lợi nhuận thuộc về Vietcombank. 

 HNG HNH

Ý kiến bạn đọc