Mong chờ một vụ mùa bội thu

VHO - Chỉ ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thời điểm này, những nhà vườn trồng quất, đào ở Hà Nội đang nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Vụ đào, quất năm nay được dự báo là được cả mùa lẫn giá. Người nông dân đang trông chờ sau một năm “bán mặt cho đất”, họ sẽ có được một mùa vụ bội thu.

 “Chạy đua” cùng Tết

Đến với làng quất Tứ Liên những ngày này, không khó để cảm nhận được không khí Tết cổ truyền đang cận kề. Tiết trời giá rét nhưng những người nông dân vẫn có mặt trên vườn từ rất sớm, tất bật cắt tỉa, chăm bón cho cây để chuẩn bị cho mùa vụ quan trọng nhất năm. Quất Tứ Liên năm nay được nhiều nhà vườn đánh giá là có chất lượng đẹp hơn mọi năm.

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 1

Mùa quất cảnh năm nay được dự báo sẽ thuận lợi do thời tiết không có nhiều biến động

Để chuẩn bị cho vụ Tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Bá Chương (chủ vườn Chương – Điệp) ở phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) có hơn 300 cây quất cảnh. Vừa tất bật chuyển cây lên xe để trả cho khách ở tỉnh, ông vừa chia sẻ vào thời điểm này, các nhà vườn chỉ tập trung cắt tỉa, tưới cây để cây giữ được dáng, độ sáng và sẵn sàng xuất bán ra thị trường. “Để cho ra được một cây quất thành phẩm, nông dân như chúng tôi có khi mất ăn, mất ngủ cả năm trời. Từ khi còn là cây quất giống cho đến cây quất thành phẩm đều phải trải qua quá trình chăm sóc kỹ lưỡng. Đặc biệt vào thời điểm những ngày giá rét, hanh khô, cây cần được tưới nhiều nước để duy trì sự sinh trưởng; đảm bảo các cây quất có được dáng, mã đẹp nhất phục vụ người dân chơi Tết. Thời điểm cuối năm là giai đoạn “nhạy cảm” với cây quất, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến công sức cả năm đổ bể”, ông Chương chia sẻ

Nhiều chủ vườn ở Tứ Liên cho biết, năm nay nhờ mưa thuận, gió hòa, ít bão nên việc chăm sóc cây cũng thuận lợi hơn, quả sai, xanh lá, lộc vươn cao. Tỷ lệ quả to, mọng của các vườn đều rơi vào trên 80%. Để chiều lòng khách hàng, các nhà vườn cũng chủ động trồng nhiều loại quất khác nhau để phù hợp với nhiều “tệp” khách hàng. Bà Bùi Minh Thuần, (chủ vườn Thịnh – Thuần) cho hay: “Tứ Liên lâu nay được ví như “thủ phủ” của quất. Từ quất để bàn trà, bonsai, quất thế... đều có đủ. Giá dao động từ 500.000 đồng đến vài chục triệu đồng. Dày công chăm sóc cả năm, có những ngày ra vườn từ sáng sớm đến tối mịt, nhà vườn nào cũng trông mong năm nay sẽ là một mùa vụ thắng đậm với bà con; có đồng ra, đồng lo chi phí sinh hoạt hằng ngày”, bà Thuần vui vẻ nói.

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 2

Nhiều khách hàng chọn đi mua quất sớm để chọn cho mình được những cây quất ưng ý

Cách đó không xa, không khí tại làng đào Nhật Tân (Tây Hồ) cũng nhộn nhịp không kém khi người mua bắt đầu đổ về để lựa chọn cho mình những gốc, cành đào ưng ý. Chị Nguyễn Ngọc Trâm (Đông Anh, Hà Nội) cho biết vì mua đem đi biếu nhà nội, nhà ngoại, chị chỉ yên tâm khi đến Nhật Tân mua đào. Thời tiết có phần gió rét nhưng chị vẫn muốn đi sớm vì nghe tin năm nay đào đẹp, nếu không đi mua sớm sẽ khó chọn được đào đẹp. Chị đánh giá năm nay đào có giá thành nhỉnh hơn mọi năm nhưng so với công chăm sóc của người nông dân, đây là giá hợp lý.

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 3

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 4

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 5

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 6

Nhiều nhà vườn cho biết dù mới chỉ là ông Công ông, Táo nhưng nhiều hộ đã bán gần hết số cây 

Về phía người bán, nhà vườn Trần Mùi, một nhà vườn có thâm niên hơn 30 năm trồng đào Nhật Tân cho biết những ngày này, tất cả nhà vườn trồng đào đều “huy động” tối đa nhân công. Công đoạn tuốt lá, vào khuôn cho đào hiện đã xong và giờ đang chờ xuất bán. Giờ đây, bà con chỉ mong thời tiết chiều lòng người để đào nở đúng dịp Tết vì ấm quá, đào sẽ nở sớm. Còn nếu rét quá, đào khó nở. Cũng theo chủ vườn, hơn 250 gốc đào của nhà vườn này nếu bán chạy có thể thu về khoảng 450 triệu đồng.

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 7

Dù thời tiết có phần gió lạnh, một số tiểu thương vẫn có mặt trên vườn rất sớm để chờ khách vào xem vườn

Khi nông dân lên mạng kinh doanh

"Quất Tứ Liên, đào Nhật Tân”, người mua hay nói với nhau như vậy mỗi khi đi tìm địa chỉ để mua cây cảnh chơi Tết. Bên cạnh việc đã xây dựng được thương hiệu làng nghề truyền thống, một vài năm trở lại đây, để tăng sức bán, nhiều nông dân đã chủ động tìm cách sử dụng mạng xã hội để quảng cáo cho vườn quất, đào của chính gia đình mình. Bà Nguyễn Thị Thiệp (chủ vườn quất Mạnh – Thiệp) cười tươi nói: “Nông dân chúng tôi có tuổi, mấy ai biết dùng điện thoại thông minh. Nói chuyện với con dâu thì con nói để đăng lên Facebook cho bạn bè biết, người này mách người kia đi mua. Sau khi đăng lên mạng, đúng là việc kinh doanh khởi sắc hơn nhiều so với trước đó. Nhiều người ở đây cũng nhờ người thân, con cháu tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ để bán online”.

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 8

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 9

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuấn (chủ vườn quất Tuấn – Hải) nói do tâm lý mua sắm online, nhiều khách quen của bà tin tưởng để nhà vườn chọn quất cho. “Họ chỉ cần gọi điện đặt nhà vườn, nói về nhu cầu, nhà vườn sẽ chủ động chụp ảnh cây rồi gửi qua Zalo để khách lựa và chuyển khoản là xong. Như vậy tiện người bán, thuận người mua”, bà Tuấn cho hay.

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 10

Thị trường đào Tết cũng đang diễn ra sôi động

Bên cạnh đó, nhiều nông dân nhạy bén cũng đã thiết lập hệ thống bán hàng trên mạng từ nhiều năm nay. Nhiều hội nhóm bán cây cảnh được nông dân lập ra với mục đích đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đạt doanh thu khả quan. Như trường hợp của chủ vườn Trần Cường, có hơn 300 gốc quất bonsai, nhờ tích cực bán trên các hội nhóm, hơn nửa số cây đã được anh bán hết. Lợi nhuận thu về là trên dưới 350 triệu đồng.

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 11

Trái với cảnh đông vui tấp nập tại các nhà vườn đào, quất, tại chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội), nhiều tiểu thương cho biết, tình hình kinh doanh năm nay có vẻ ảm đạm hơn

Mong chờ một vụ mùa bội thu - Anh 12

Một số người tranh thủ đi mua hoa để sáng nay kịp cúng ông Công, ông Táo

Nhờ mạng xã hội, việc kinh doanh của nhiều chủ vườn đã ổn định hơn trước. Tuy nhiên, vẫn có những chủ vườn rơi vào cảnh loay hoay. Lý do là mặc dù biết lên mạng đăng bài nhưng bà con vẫn chưa tìm được cách kinh doanh qua mạng sao cho hợp với xu thế, tiếp cận được với khách hàng. Nhiều tiểu thương lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ kém, không biết cách giao tiếp online cũng là một hạn chế. Nhiều chủ vườn mong muốn sẽ sớm có những tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân lên mạng bán hàng. Đồng thời, không chỉ hướng dẫn bước đầu mà cần có những giải pháp hỗ trợ, giúp người dân hiểu, nắm cách thức vận hành, kinh doanh trên mạng để có thể ứng dụng lâu dài.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc