Chuyên gia quốc tế bất ngờ sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam

VHO - Cuộc thi Piano TP.HCM năm 2023 (tên tiếng Anh: HCMC Piano Competition 2023) do Nhạc viện TP.HCM tổ chức vừa chính thức khép lại bằng đêm bế mạc trao giải vào tối qua 9.7. Cuộc thi năm nay đón nhận sự tham gia của trên 170 thí sinh Việt Nam và các nước. Hội đồng giám khảo cả hai nhóm thi đều có các nghệ sĩ, chuyên gia piano quốc tế. Các giám khảo đã làm việc công tâm, đầy trách nhiệm, đặc biệt, còn dành những nhận xét chân tình dành cho cuộc thi.

Chuyên gia quốc tế bất ngờ sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam - Anh 1

Trao giải cho các thí sinh nhóm A không chuyên (nhóm dưới 8 tuổi)

Chấm thi nhóm không chuyên theo tiêu chí nhóm chuyên nghiệp

TS.NSƯT Hoàng Ngọc Long, Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, Trưởng BTC cho biết, Cuộc thi Piano TP.HCM năm 2023 có trên 170 thí sinh dự thi từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 5 thí sinh đến từ Singapore, 1 thí sinh đến từ Ấn Độ. Thí sinh nhỏ tuổi nhất là 6 tuổi và lớn nhất là 28 tuổi. Qua 7 lần tổ chức thành công có thể khẳng định, cuộc thi đã thúc đẩy phong trào âm nhạc cổ điển, tạo môi trường sinh hoạt âm nhạc lành mạnh, thú vị cho thanh thiếu niên và phát hiện những tài năng âm nhạc trẻ tuổi. 

“Đặc biệt, các thí sinh nhóm không chuyên đạt giải nhất, nhì, ba ở các bảng và đủ điều kiện về độ tuổi thi vào Nhạc viện TP.HCM, nếu có mong muốn sẽ được tuyển thẳng vào học hệ chính quy khoa Piano (không phải qua kỳ thi tuyển sinh tháng 7.2023 sắp tới). Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi biểu diễn đặc biệt cho thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba ở cả hai nhóm (chuyên và không chuyên) để tạo cơ hội cho các em tỏa sáng tài năng và mang tiếng đàn đến với nhiều khán giả hơn nữa”, Trưởng BTC cho biết.

Theo đó, Cuộc thi Piano TP.HCM chia làm hai nhóm: Nhóm Professional (chuyên nghiệp) gồm các thí sinh chuyên ngành piano từ các nhạc viện, học viện âm nhạc, trường cao đẳng, trung cấp văn hóa nghệ thuật hoặc các trường đại học có khoa Piano chuyên ngành. Còn lại là nhóm Amateur dành cho các thí sinh không chuyên. 

Chuyên gia quốc tế bất ngờ sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam - Anh 2

Thí sinh Penn Hur Theodore (Singapore), giải I bảng A biểu diễn tại đêm bế mạc

Chia sẻ về nhóm thi dành cho thí sinh không chuyên, ThS Nguyễn Thùy Yên, Phó Trưởng Khoa Piano, Nhạc viện TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhóm Amateur cho biết, nhiều năm gần đây, phong trào học piano rất lớn mạnh. Mọi người cũng nhận thức được việc học âm nhạc nói chung, học piano nói riêng mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển của thanh thiếu niên, học sinh. Năm nay số lượng thí sinh thi nhóm không chuyên rất nhiều, tập trung ở bảng A, B, lứa tuổi từ 7-13 tuổi. Vì trong hai bảng này, nếu đạt giải thì thí sinh được tuyển thẳng vào Nhạc viện TP.HCM, do đó số lượng thi đặc biệt rất cao. Điểm đáng mừng là cuộc thi đã thu hút các thí sinh đến từ Singapore, Ấn Độ và những thí sinh này có chất lượng cao, điều đó giúp cho các thí sinh trong nước có cái nhìn rộng hơn, có thể học hỏi thêm từ thí sinh các nước và vì vậy mà thúc đẩy cho chất lượng giải lên cao. Bên cạnh đó năm nay có những thí sinh trong nước có khả năng rất nổi trội. Qua cuộc thi đã phát hiện nhiều tài năng piano, cho thấy trình độ các em được đào tạo trước khi vào môi trường chuyên nghiệp đã khá bài bản.

Chuyên gia quốc tế bất ngờ sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam - Anh 3

Giải I bảng B nhóm không chuyên (từ 9-11 tuổi) Phạm Uyển Trân (TP.HCM)

“Tuy là nhóm không chuyên nhưng Hội đồng giám khảo cũng chấm theo những tiêu chí chuyên nghiệp để cho các em có định hướng và những cách học bài bản hơn. Trong quá trình chấm thi, giám khảo đã ghi chú lại rất cụ thể, chi tiết về những điều cần thiết phải bổ sung, rút kinh nghiệm của từng thí sinh. Sau đêm bế mạc, Hội đồng giám khảo sẽ tổ chức buổi gặp mặt thí sinh để nhận xét, chia sẻ cụ thể về kết quả thi, đồng thời đưa ra những lời khuyên để các bạn có thể phát triển tốt hơn”, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhóm Amateur  cho biết.

Kết quả chung cuộc, BTC đã trao 30 giải thưởng các hạng I, II, III và khuyến khích cho thí sinh ở 7 bảng thuộc hai nhóm chuyên và không chuyên. 

Tiệm cận trình độ âm nhạc khu vực

Năm nay, thành phần Hội đồng giám khảo ở cả hai nhóm là các nghệ sĩ, giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo và biểu diễn Piano Việt Nam và quốc tế (Pháp, Malaysia, Hàn Quốc). Theo BTC, ngoài các giám khảo nồng cốt trong nước, việc mời giám khảo là các chuyên gia, nghệ sĩ người nước ngoài, bên cạnh đáp ứng tính chuyên môn cao, cũng sẽ tăng thêm uy tín cuộc thi. Ngoài ra, giám khảo đến từ nhiều nước, sẽ mang đến sự đa phong cách, giúp các giám khảo có thể giao lưu, học hỏi nhau, nhất là các giảng viên của Nhạc viện TP.HCM. 

Chuyên gia quốc tế bất ngờ sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam - Anh 4

TS.NSƯT Hoàng Ngọc Long, Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, Trưởng BTC (bìa phải) và TS Lê Hồ Hải trao giải cho các thí sinh đồng giải I bảng B nhóm chuyên nghiệp (từ 12-16 tuổi)

Chia sẻ tại cuộc thi, GS Chong Lim, nguyên giám khảo Cuộc thi Piano Chopin Quốc tế ASEAN lần thứ 5, 6 và 7, nguyên giảng viên tại Đại học Malaya (Malaysia), giám khảo nhóm Professional (chuyên nghiệp), cho biết ông rất cảm kích khi được mời làm giám khảo cuộc thi năm nay. “Tôi rất bất ngờ với sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển tại Việt Nam và cả việc các em được đào tạo bài bản bởi các giáo viên âm nhạc tại đây. Những ngày qua tôi có thể thấy rõ sự hào hứng và niềm đam mê của các em với âm nhạc cổ điển”, GS Chong Lim bày tỏ. 

Tương tự, GS Jérôme Granjon, giảng dạy tại Nhạc viện Vùng Paris và Nhạc viện Quốc gia Pháp tại Lyon, thành viên Hội đồng giám khảo nhóm chuyên nghiệp cũng nhấn mạnh rằng: “Cuộc thi Piano TP.HCM rất thú vị, giúp tôi nhận ra rằng nền âm nhạc cổ điển tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang phát triển rất tốt. Tôi thật sự cảm động khi chứng kiến lòng đam mê, sự nhiệt huyết của các thí sinh dành cho Piano. Như các bạn biết đấy, ở Châu Âu, việc tiếp cận âm nhạc cổ điển khá dễ dàng, nên việc nhạc cổ điển được yêu mến và phát triển tại Việt Nam khiến tôi rất cảm động”.

Các giám khảo cũng nhắn nhủ với thí sinh rằng giá trị cuộc thi không chỉ nằm ở việc chiến thắng giải thưởng mà là việc có thêm trải nghiệm quý giá và ngày càng tiến bộ trên con đường âm nhạc phía trước.

Chuyên gia quốc tế bất ngờ sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam - Anh 5

Tạ Khắc Huy (Hà Nội), đồng giải I bảng C nhóm chuyên nghiệp (từ 17 tuổi trở lên)

Theo TS Lê Hồ Hải, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Piano, Nhạc viện TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhóm Professional, một trong những thành công của mùa giải năm nay, bên cạnh công tác tổ chức chuyên nghiệp, nghiêm túc, số lượng và chất lượng thí sinh nâng lên, thì việc BTC mời được thành phần giám khảo là các nghệ sĩ, giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo và biểu diễn quốc tế đã nâng tầm uy tín của cuộc thi. “Chúng ta đang trong xu thế hội nhập quốc tế nên có thể thấy trình độ cuộc thi đã tiệm cận và có những nét tương đồng với mặt bằng trình độ chung khu vực ASEAN”, TS Hải nói.

Chuyên gia quốc tế bất ngờ sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam - Anh 6

Các thí sinh, BTC và Hội đồng giám khảo tại lễ trao giải

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng trong Cuộc thi Piano TP.HCM chính là việc thí sinh được dự thi trên cây đại dương cầm Steinway&Sons D-274 tiêu chuẩn thế giới. Đàn dài 274 cm, nặng 500 kg, với kết cấu khung gỗ được ép từ 20 lớp gỗ quý maple và mahogany, bộ dây đàn từ thép Thụy Điển cao cấp có thể chịu lực căng 20.000 kg, Steinway&Sons D-274 đem đến tiếng đàn trầm ấm và đầy uy lực qua phần trình diễn của các nghệ sĩ. “Đây là đàn tiêu chuẩn có kích cỡ lớn nhất, điều này nhằm để đảm bảo được tính kỹ thuật và những yêu cầu về mỹ thuật, nghệ thuật khi biểu diễn trên sân khấu. Đàn Steinway&Sons là nhạc cụ có mặt ở hầu như các sân khấu lớn của thế giới, rất đa năng và được giới nghệ sĩ piano quốc tế đánh giá là một trong những thương hiệu hàng đầu. Sân khấu Nhạc viện TP.HCM là một trong những sân khấu đạt chuẩn về âm thanh hàng đầu Việt Nam, việc kết hợp với đàn piano này, tạo ra cơ hội biểu diễn hiếm có cho thí sinh”, TS Lê Hồ Hải bày tỏ. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc