Cầu truyền hình trực tiếp Bản hùng ca bất diệt: Xúc động và tự hào

VHO- Đất Mẹ Việt Nam đã sinh ra những người con ưu tú, sẵn sàng dâng hiến đến hơi thở cuối cùng để có được hòa bình, độc lập, tự do. Đất nước hôm nay vẫn ngân vang bản hùng ca được viết nên trên những nẻo đường, những miền biên viễn, hải đảo xa xôi, là tiếng lòng của những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, vững tay súng để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Cầu truyền hình trực tiếp Bản hùng ca bất diệt: Xúc động và tự hào - Anh 1

 Một tiết mục trong chương trình “Bản hùng ca bất diệt” năm 2022 Ảnh: TRẦN HUẤN

 Bản hùng ca bất diệt được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023), là chương trình nghệ thuật đặc biệt do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.

Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử

Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh, đơn vị phối hợp tổ chức cho biết, cầu truyền hình trực tiếp Bản hùng ca bất diệt năm 2023 tại hai điểm cầu Côn Đảo và Điện Biên sẽ thể hiện quá trình chiến đấu kiên cường, anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của thế hệ cha anh và những thế hệ hôm nay đang chung sức dựng xây quê hương với tinh thần tự hào quá khứ, tự tin hướng tới tương lai.

Chương trình không phục dựng nỗi đau chiến tranh bằng tiếng đạn bom, cảnh thương vong nơi trận mạc mà bằng diện mạo khác. Đó là vẻ đẹp và sự cao quý của lòng yêu nước thiêng liêng, của lý tưởng sống cao đẹp, của sức trẻ phơi phới, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu ban sơ mà son sắt, tình đồng chí, đồng bào chân chất mà đậm sâu. Chương trình cũng không kể lại lịch sử theo mạch tuyến tính các sự kiện, con số từ quá khứ đến hiện tại, mà theo một góc nhìn nhân văn, lãng mạn và rất con người.

“Các tiết mục thể hiện sự thành kính của thế hệ hôm nay gửi gắm, dâng lên thế hệ cha anh đi trước những cánh hoa tươi thắm. Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử sẽ là thanh âm ấm áp, lắng đọng trong tâm khảm người Việt Nam. Những ca khúc được phối mới, tạo nên không khí thiêng liêng, khí thế hào hùng. Giữa ánh nến lung linh, sân khấu với màn hình LED là những luồng sáng tạo thành bông sen lớn như một đóa hoa đăng khổng lồ, thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ tuổi mười tám, đôi mươi trong sáng và thuần khiết ngày ấy. Những ngọn nến thể hiện nhịp cầu ánh sáng kết nối, là sự tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân”, ông Nguyễn Hải Linh nhấn mạnh.

Với thời lượng dự kiến khoảng 90 phút, chương trình gồm phần lễ: Tiếng chuông tưởng niệm, thắp nến tri ân; Phần nghệ thuật gồm ba chương: Việt Nam máu và hoa; Những cánh hoa bất tử; Khúc tráng ca hòa bình. Trong đó, Chương I là những ca từ như có lửa, có thép, sẽ vẽ lên sức mạnh của lòng quả cảm, ý chí chiến đấu và lý tưởng cao đẹp của những người lính sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cùng với đó là những phóng sự kể về câu chuyện tình yêu trong thời chiến. Những chiến sĩ kiên trung cảm mến rồi yêu thương nhau từ tiếng hát ngân vang qua những bức tường nhà tù Côn Đảo; hay câu chuyện về tình quân dân thắm thiết, những người mẹ đã trở thành huyền thoại như mẹ Thứ, mẹ Suốt… và cao cả hơn đó là hình ảnh Mẹ Tổ quốc.

Chương 2 - Những cánh hoa bất tử, bên cạnh ca khúc về người lính lay động lòng người là những hình ảnh, câu chuyện, gặp gỡ nhân chứng. Tại Nghĩa trang Hàng Dương sẽ có cuộc gặp gỡ với những cựu tù Côn Đảo nặng tình với hòn đảo này, sau ngày giải phóng đã chọn ở lại với đồng chí, đồng đội của mình. Tại Nghĩa trang A1 (Điện Biên) sẽ có cuộc giao lưu với những người lính Điện Biên trở về chiến trường xưa trong trận chiến “xóa đói giảm nghèo”, để rồi viết tiếp bản hùng ca của đời mình và của đất nước. Họ như những cánh hoa bền bỉ, kiên trung, tràn đầy sức sống, bất chấp xung quanh là những khó khăn, gian khổ.

Chương 3 - Khúc ca hòa bình là xúc cảm của hôm nay, của sự trân trọng giá trị độc lập tự do, là thông điệp về khát vọng hoà bình của người dân Việt Nam gửi tới nhân dân trên toàn thế giới. Hai chữ “hoà bình” thật thiêng liêng, và thế hệ hôm nay đang tiếp bước để nâng niu, gìn giữ, một lòng bảo vệ.

Cầu truyền hình trực tiếp Bản hùng ca bất diệt: Xúc động và tự hào - Anh 2

 Ca sĩ Phạm Thu Hà tự hào và xúc động khi được tham gia chương trình “Bản hùng ca bất diệt”Ảnh: ITN

Sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay

Chia sẻ cảm xúc khi nhận được lời mời của BTC tham gia chương trình nghệ thuật Bản hùng ca bất diệt, ca sĩ Phạm Thu Hà cho biết: “Cứ vào dịp tháng 7 hằng năm, Hà lại đến Côn Đảo để thắp nén tâm hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đây là lần thứ 8 Hà được đến với mảnh đất linh thiêng này và may mắn được hát tại đây trong chương trình nghệ thuật hoành tráng và trang nghiêm. Điều đó khiến Hà cảm thấy rất đỗi tự hào và xúc động”.

Thu Hà sẽ hát ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu, ca khúc đã được cô thể hiện rất nhiều lần trong các chương trình nghệ thuật hay liveshow riêng của mình. Đặc biệt, album Phạm Thu Hà - Giai điệu tự hào phát hành năm 2018 gồm 10 ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước, thể hiện niềm tự hào dân tộc, sự biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống vì đất nước cũng có ca khúc này.

Nữ ca sĩ cho biết, cô đặc biệt yêu thích và có duyên với các ca khúc cách mạng. “Như mọi người Việt Nam khác, từ sâu trong trái tim tôi là tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc. Những bài ca cách mạng là sở trường của Thu Hà, nên mỗi khi cất tiếng hát ca ngợi quê hương đất nước, sự hy sinh của những người lính anh hùng thì tình cảm ấy như được chắp cánh, giúp tôi thổ lộ một cách chân thành và đong đầy nhất”, Phạm Thu Hà chia sẻ. Tuy nhiên, giọng ca bán cổ điển này cho biết, cô không khỏi áp lực bởi Biết ơn chị Võ Thị Sáu đã từng được nhiều giọng ca thể hiện thành công, nhưng cô sẽ nỗ lực hết mình với mong muốn, đây sẽ là lời tri ân nhiều ý nghĩa nhất mà cô kính tặng những người đã không tiếc máu xương, chiến đấu giành độc lập cho quê hương, đất nước. Phạm Thu Hà sẽ vẫn chọn cho mình cách hát tự nhiên và chân thành, vừa thể hiện sự tự hào, vui sướng, vừa cho thấy lòng biết ơn, sự kính cẩn. Với nữ ca sĩ, Bản hùng ca bất diệt rất đặc biệt bởi nó đã cho cô một hành trình ý nghĩa. Đó là hành trình của một người trẻ từ hiện tại ngược về quá khứ để hòa vào những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.

Tương tự, ca sĩ Võ Hạ Trâm chia sẻ rất vinh dự khi được tham gia chương trình. Cô tâm sự, tiếng hát của mình chính là lời tri ân từ tận đáy lòng của thế hệ trẻ đối với những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Những chương trình như thế này sẽ giúp con người đương đại hiểu sâu hơn, có cái nhìn khái quát và rõ nét hơn về những năm tháng hào hùng cũng như gian khó của cha anh chúng ta, để từ đó giữ được những giá trị tốt đẹp, tiếp nối truyền thống anh hùng.

Trong Bản hùng ca bất diệt, Võ Hạ Trâm sẽ thể hiện ca khúc Huyền thoại mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một ca khúc nổi tiếng lấy cảm hứng từ hình ảnh mẹ Suốt của quê hương Quảng Bình để khắc họa hình ảnh những người mẹ Việt Nam. Đó là những bà mẹ tảo tần, gian khó suốt một đời vì chồng, vì con, vì dân, vì nước, lặng thầm hy sinh không một lời oán hận hay than trách. “Bằng tấm lòng của mình, Hạ Trâm mong muốn thể hiện được thật tốt ca khúc Huyền thoại mẹ. Chỉ khi Hạ Trâm thể hiện bằng trái tim của mình, bằng sự cảm nhận chân thật nhất của mình với ca khúc thì mới có thể chạm đến được trái tim và cảm xúc của khán giả. Bài ca Huyền thoại mẹ gần gũi quen thuộc nhưng cũng rất thấm thía sâu xa. Giờ đây, những người trẻ chúng ta chỉ còn biết chiến tranh qua môn học Lịch sử, vì vậy, khi nghe ca khúc này, chúng ta sẽ càng trân trọng và yêu thương mẹ với những đức tính cao đẹp, luôn chịu thương chịu khó. Bài ca là một đóa hoa thơm mà nhạc sĩ đã dâng tặng cho những người mẹ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, ca sĩ Hạ Trâm chia sẻ. 

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc