Đội ngũ lý luận, phê bình âm nhạc: Khoảng trống và khoảng cách

VHO - Công tác lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật (VHNT) nói chung, phê bình âm nhạc nói riêng thời gian qua tuy đạt được một số thành quả và đang có sự nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng lực lượng làm công tác này còn thiếu và yếu, nên tính định hướng về giá trị thẩm mỹ cũng như tính đấu tranh trên mặt trận VHNT còn hạn chế…

Đội ngũ lý luận, phê bình âm nhạc: Khoảng trống và khoảng cách - Anh 1

Hoạt động âm nhạc tại TP.HCM diễn ra sôi động và đa dạng, rất cần có đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình để định hướng thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng

Bên cạnh đó, công tác đào tạo cũng còn nhiều điều cần quan tâm. Tại Hội thảo nhằm nhìn lại chặng đường phát triển của Hội Âm nhạc TP.HCM sau hơn 40 năm vừa được tổ chức mới đây, câu chuyện này tiếp tục là nỗi trăn trở… không của riêng ai.

Lực lượng phê bình quá “mỏng”

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM đặt vấn đề, là một thị trường âm nhạc sôi nổi và nhộn nhịp, thế nhưng con số thực tế của “đội ngũ” lý luận phê bình TP.HCM là… chưa đủ đếm trên 10 đầu ngón tay.

Theo nhiều chuyên gia, thực tế đang có một khoảng trống đội ngũ để đáp ứng được hoạt động lý luận - phê bình ở TP.HCM cũng như có một khoảng cách rất lớn giữa lý luận - phê bình với đời sống âm nhạc TP. Trong khoảng thời gian vài thập niên cuối của thế kỷ XX, TP.HCM tự hào có đội ngũ chuyên gia và giảng viên ngành Lý luận âm nhạc đông đảo, thuộc hàng đầu của cả nước. Có thể kể đến GS, Viện sĩ Lưu Hữu Phước, PGS Tô Vũ, PGS Ca Lê Thuần, GS.TS. NSND Quang Hải, PGS.TS Nguyễn Cửu Vỹ, GS Nguyễn Văn Thương, PGS Hoàng Đạm, PGS.TS Trần Thế Bảo, PGS.TS Nguyễn Việt Kim…; các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc như Lư Nhất Vũ - Lê Giang, Nguyễn Văn Hoa, Phan Chí Thanh, Thế Viên… Nhưng hiện nay họ đã bước qua tuổi 80, thậm chí có vị đã gần tới tuổi 90, và nhiều thầy, cô đã qua đời.

Sau sự “chuyển hóa” của Viện Nghiên cứu âm nhạc sau 12 năm thành lập và hoạt động (1976-1988) thành Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM, đến nay TP không có một Viện nghiên cứu âm nhạc nào, cũng như không có một cơ sở (dù của tư nhân hay nhà nước) nào chịu trách nhiệm, làm công việc nghiên cứu đối với những vấn đề của đời sống âm nhạc TP, đồng nghĩa là không có công trình nghiên cứu âm nhạc nào được thực hiện tại một đơn vị của TP. Những hoạt động nghiên cứu âm nhạc dân tộc thỉnh thoảng vẫn được công bố từ các nhà nghiên cứu, các giáo sư, hoặc nghiên cứu sinh đang theo học tại Nhạc viện TP.HCM, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), Viện nghiên cứu Văn hoá vùng Nam Bộ…, nhưng trên thực tế, không có mấy công trình thuần tuý nghiên cứu âm nhạc được ứng dụng vào đời sống âm nhạc.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, nếu đội ngũ nghiên cứu, lý thuyết, lý luận âm nhạc là một khoảng trống thì đội ngũ làm công việc phê bình còn là một khoảng trống lớn hơn. “Những người được đào tạo ngành Lý luận trước đây và Âm nhạc học (kể từ năm 2008) sau này, hầu như không ai làm nghề phê bình, mà chủ yếu làm nghề giảng dạy, và “viết lách” cũng không là việc làm thường xuyên, dù họ được đào tạo để viết”, chuyên gia này cho biết.

Khoảng cách trong đào tạo nguồn nhân lực

TP.HCM có nhiều trường đại học đào tạo ngành Âm nhạc, nhưng duy nhất chỉ có Nhạc viện TP.HCM đào tạo mã ngành Âm nhạc học, với nội dung giảng dạy chủ yếu là: Lịch sử âm nhạc, Lý thuyết âm nhạc (phương Tây), Âm nhạc dân tộc học, Phân tích âm nhạc (phương Tây)... Ngoài ra, ở đây không có môn học nào về Phê bình âm nhạc, không nhắm đến việc đào tạo người làm công tác phê bình âm nhạc, và hoàn toàn không có những nghiên cứu ngoài các nội dung môn học vừa nêu.

Điều đáng quan tâm là với nội dung và phương pháp đào tạo hiện nay, số lượng người theo học ngành Âm nhạc học ở bậc Đại học ngày càng teo tóp, mặc dù cơ hội việc làm của mã ngành này rất rộng mở, đa dạng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm qua, Nhạc viện TP.HCM chỉ có từ 1-4 đơn xin dự tuyển, số được cấp bằng cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Âm nhạc học chỉ khoảng… 1-2 người mỗi năm!?

Đối với đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, dù tại Nhạc viện TP, Trường ĐH Sài Gòn hay các trường ngoài công lập như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang…, nội dung kiến thức cơ bản, những học phần lý thuyết được giảng dạy bởi nhiều giảng viên không tốt nghiệp từ chuyên ngành Âm nhạc học, và những người này cũng hầu như không có nghiên cứu hoặc công trình được công bố (dù đây là yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với giảng viên đại học). Những bài viết, nghiên cứu khoa học, những nội dung học thuật - thông tin mới về lý thuyết âm nhạc (thẩm mỹ âm nhạc, hòa âm, phối khí, hình thức cấu trúc âm nhạc…) hiện nay trên thế giới của giới nghiên cứu, lý luận - phê bình âm nhạc TP.HCM hầu như rất ít và chậm. Đó là chưa kể việc bù đắp vào đội ngũ chuyên gia đang thiếu của ngành, đào tạo đội ngũ kế thừa, kế cận đội ngũ những giáo sư, giảng viên đã lớn tuổi không còn có thể tham gia giảng dạy... hầu như bị bỏ ngỏ.

Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 45-CTrHĐ/TU của BTV Thành ủy TP.HCM về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy nhấn mạnh, lực lượng làm công tác lý luận, phê bình còn thiếu và chưa phát huy hết khả năng. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT còn thiếu sự chủ động, chưa có nhiều giải pháp nhằm xây dựng, phát triển lực lượng và phát huy tốt vai trò của đội ngũ trong định hướng thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng.

“Lý luận, phê bình VHNT đóng vai trò kết nối giữa nghệ sĩ, tác phẩm, người thưởng thức nghệ thuật và đời sống xã hội. Nhưng rõ ràng công tác này của TP.HCM trong nhiều năm qua vẫn không thấy nhận thức, nghiên cứu gì mới. Lý luận chưa gắn với thực tiễn và lý giải một cách thấu đáo các vấn đề của đời sống sáng tác; chưa thể hiện tính định hướng, dẫn đường mà vẫn ở tình trạng chung chung, không dám chê và cũng chẳng dám khen, chính vì thế mà chưa có tác dụng đối với đời sống sáng tác cũng như sự tiếp nhận của công chúng và xã hội”, bà Thanh Thúy trăn trở.

Nhìn lại kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận: “Công tác đào tạo chuyên ngành về lý luận, phê bình VHNT và chương trình giảng dạy còn nhiều bất cập. Đội ngũ lý luận, phê bình vừa thiếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận, phân bổ không đều ở các ngành nghệ thuật. Một số hội VHNT chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chưa bắt kịp xu thế của thời đại”. 

 KIỀU GIANG

Ý kiến bạn đọc