"Phượng Linh": Khi âm nhạc đỉnh cao xóa bỏ mọi giới hạn

VHO- Phượng Linh là đêm nhạc do nghệ sĩ vĩ cầm Trịnh Minh Hiền tổ chức, với sự góp mặt của khách mời đặc biệt là nghệ sĩ piano nổi tiếng người Italia Maurizio Mastrini. Đêm nhạc là sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italia (1973-2023).

Phượng Linh là một bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng, những giai điệu và cảm xúc thăng hoa của các nghệ sĩ

Có thể coi Phượng Linh là một bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng, những giai điệu và cảm xúc thăng hoa của các nghệ sĩ. Từ những khách mời như ca sĩ, NSƯT Thanh Lam, ca sĩ opera Trịnh Thanh Bình, cello Hà Miên, nghệ sĩ đàn bầu Lệ Giang…, ai cũng có những giây phút thăng hoa trong cuộc hội ngộ âm nhạc Đông- Tây, giữa miền nhạc Phượng và miền nhạc của Rồng (nghệ sĩ Maurizio Mastrini sinh năm Giáp Thìn).

Một kịch bản chương trình được dàn dựng chỉn chu. Một sân khấu mê hoặc bởi sự tối giản tinh tế. Một giấc mơ Phượng Linh chiếm lĩnh mọi trái tim…, tất cả đã tạo nên một đêm diễn bùng nổ cảm xúc, cho thấy sức mạnh diệu kì của âm nhạc. Phượng Linh cuốn hút công chúng và giới nghề từ giây đầu tiên đến phút cuối cùng, được gọi tên là liveshow của nghệ sĩ nhạc cổ điển cuốn hút nhất dịp cuối năm 2023 này. Và với Phượng Linh- Cánh chim Phượng, Trịnh Minh Hiền đã thực sự cất cánh.

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền xuất hiện trên sân khấu cùng với cây đàn vĩ cầm của mình, điêu luyện, mãnh liệt và vô cùng cuốn hút

Khoảnh khắc tấm rèm lụa mang hình Chim Phượng buông xuống, những nốt nhạc đầu tiên vang lên, những khán giả có mặt tại khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ trong đêm nhạc Phượng Linh đã bị cuốn vào Miền nhạc Phượng một cách đầy thuyết phục.

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền xuất hiện trên sân khấu cùng với cây đàn vĩ cầm của mình, điêu luyện, mãnh liệt và vô cùng cuốn hút. Cùng với những nhạc cụ dân tộc đặc trưng của Việt Nam như đàn môi, sao trúc… câu chuyện về Phượng Linh bắt đầu được kể đầy mê hoặc.

Trong phần 1 mang tên Miền nhạc Phượng của liveshow, lời chim Phượng thiêng đã liệng chao cùng đôi cánh âm nhạc qua những miềng rừng núi trong Ing lả ơi, Chiếc khăn Piêu, Ơi M’drak, phiêu diêu cùng Phượng Linh, bùng nổ với Tiếng trống Paranưng, trào lộng những cánh Cò trong Con cò, da diết trong điển tích cổ Đá trông chồng và tiếng ca mị lực của Diva Thanh Lam.

Những nhạc phẩm được thể hiện trong phần này do nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền chuyển soạn, sáng tác. Như Trịnh Minh Hiền đã chia sẻ, "căn cước âm nhạc" của chị chính là khát vọng dân tộc, trên hết là tinh thần Việt! Vì thế, không dừng lại ở một show diễn, Phượng Linh còn là đêm bùng nổ của những khát vọng ấy trong âm nhạc. Trịnh Minh Hiền đã tạo ra một không gian âm nhạc riêng của mình, một không gian đa sắc màu và phá bỏ khỏi những giới hạn về niêm luật quy chuẩn của cổ điển phương Tây.

Trịnh Minh Hiền đã tạo ra một không gian âm nhạc riêng của mình, một không gian đa sắc màu và phá bỏ khỏi những giới hạn

 Ở đó, từng ngón đàn violin điêu luyện đã hòa quyện với âm nhạc dân gian Việt Nam, với world music, với flamenco mang đến sự hoàn chỉnh tới mức khó tin cho những tai nghe nhạc sành sỏi nhất.

Cũng trong Miền nhạc Phượng trên sân khấu tối giản nhưng vô cùng tinh tế, được sắp đặt bởi đạo diễn Đặng Xuân Trường, Trịnh Minh Hiền cùng cây đàn violin của mình đã thực sự cho thấy sức hấp dẫn khó cưỡng. Nhiều khán giả  thốt lên đầy thán phục trước màn trình diễn cuốn hút của nghệ sĩ trên sân khấu. Khác hẳn với những hình ảnh thường thấy khi cây đàn violin xuất hiện cùng dàn nhạc hay như một điểm xuyết phía sau hỗ trợ các ca sĩ…, khi trở thành nhân vật trung tâm, Trịnh Minh Hiền đã cùng cây đàn của  mình thỏa sức bung xõa, thăng hoa.

Hình ảnh nữ nghệ sĩ Việt Nam phiêu theo từng thanh âm luyến láy, quyện hòa cùng không gian và những nhạc cụ khác mang một dáng vẻ vừa quý phái, sang trọng, vừa gần gũi sắc sảo đến không ngờ.

Đứng cạnh những nghệ sĩ mang tầm quốc tế, nghệ sĩ Việt đã cho thấy chất riêng, bản sắc riêng của mình

Khán giả  cũng có cơ hội được thấy một Trịnh Minh Hiền quyến rũ đầy mê hoặc trong chính bản nhạc mà cô sáng tác mang tên Phượng Linh. Màu sắc âm nhạc, cùng cách kết hợp những yếu tố văn hóa Việt đã khiến cho cây đàn violin qua trình diễn của Trịnh Minh Hiền trở nên Việt Nam hơn bao giờ hết. Mỗi miền đất cánh chim thiêng ấy bay qua, mỗi câu chuyện được cất lên bằng âm nhạc khiến những khán giả thêm yêu, thêm tự hào về văn hóa Việt Nam, cũng trân quý hơn tài năng và đam mê và bản lĩnh của những nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ cổ điển như Trịnh Minh Hiền.

Sự thuyết phục trong những phần trình diễn của Trịnh Minh Hiền khi kết hợp cùng các nghệ sĩ Việt Nam cũng khiến những trái tim Việt Nam càng thêm tự hào khi được thưởng thức những ngón đàn tuyệt đỉnh của nghệ sĩ dương cầm Maurizio Mastrini đến từ Italia. Đứng cạnh những nghệ sĩ mang tầm quốc tế, nghệ sĩ Việt đã cho thấy chất riêng, bản sắc riêng của mình.

Sau phần trình diễn Quốc thiều Việt Nam với một phong cách lịch lãm, nghệ sĩ Maurizio Mastrini trở lại sân khấu trong phần 2: Những nụ hôn của rồng với bộ suit màu hồng và đôi chân trần đã trở thành thương hiệu. Với 6 bản nhạc đến từ album Baci (Những nụ hôn) do chính nghệ sĩ sáng tác cho cây dương cầm, Maurizio Mastrini đã cho thấy đẳng cấp của một nghệ sĩ quốc tế, một “il fonomeno” (hiện tượng) được giới phê bình đánh giá là một trong những nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc tầm cỡ của nền âm nhạc thế giới.

Phần biểu diễn của Maurizio Mastrini đã cho thấy đẳng cấp của một nghệ sĩ quốc tế, một hiện tượng được giới phê bình đánh giá là một trong những nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc tầm cỡ của nền âm nhạc thế giới

Trên sân khấu, khi những phím đàn nhảy nhót dưới những ngón tay điêu luyện của “trái tim hoang dã” Maurizio Mastrini, trái tim người nghe đã trở nên tan chảy! Những bản nhạc dường như đưa đến một không gian khác của những nụ hôn, của giấc mơ yêu và đam mê cháy bỏng. Tình yêu hiện hữu, tuôn trào, cuộn vào không gian, thấm vào mỗi tế bào. Khán giả cứ thế được dắt vào thế giới của nghệ sĩ.

Maurizio Mastrini không chỉ chơi nhạc, ông chơi cùng cây dương cầm. Trong bản nhạc Tình yêu của những đứa trẻ cả những phím dương cầm, cả những phần thân, phần cấu kiện khác của cây đàn dương cầm Yamaha CFX trị giá đến 7,5 tỉ đều trở thành âm nhạc dưới tay của “danh cầm chân đất”. Những trái tim hân hoan, những tràng pháo tay không ngớt của khán giả chắc chắn đã trở thành một kỷ niệm đẹp của Maurizio Mastrini tại liveshow Phượng Linh. Đây cũng là lần đầu tiên ông tới Việt Nam, lần đầu tiên mang album Baci du diễn đến một quốc gia Châu Á.

Qua hai phần của chương trình, Phượng Linh đã đưa khán giả qua những miền thanh âm kì diệu. Cách sắp xếp nhạc mục của chương trình cho thấy những ẩn dụ kỳ công và sự khéo léo đẩy đưa cảm xúc của người xem. Khát vọng "Phượng" tiếp tục bay qua miền âm nhạc Cổ điển với A.Vivaldi, O sole mio,  và rồi trở về Hà Nội đắm mình trong đêm lãng mạn của Romance in Hanoi, giác ngộ - buông bỏ - thấu hiểu ở Cây Đời, một triết lí nhân sinh quan, và bay lên tầng mây cao nhất, chói chang nhưng yên bình của Khải hoàn, kết thúc một hành trình lẽ sống của Phượng Hoàng, mạnh mẽ hơn sau mỗi cuộc hồi sinh.

Giọng ca mê hoặc của  diva Thanh Lam góp thêm những màu sắc đẹp trong chương trình

Điểm nhấn ở phần 3 với tên gọi đường bay chính là phần trình diễn Cây đời – tiếp tục là một sáng tác của nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền. Bằng sự kết hợp với dàn chuông xoay của nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, cùng giọng ca mê hoặc của  diva Thanh Lam…, cả một không gian đậm chất thiền đã được dựng lên bằng âm nhạc và ca từ. Trịnh Minh Hiền với những sáng tác của mình một lần nữa cho thấy tài năng và đam mê cháy bỏng của người nghệ sĩ với cây đàn violin và với chính cuộc đời.

Nhiều khán giả nói rằng, đêm diễn kết thúc với Khải hoàn nhưng âm nhạc Phượng Linh đã cất cánh. Khi từng nghệ sĩ xuất hiện trở lại sân khấu, Trịnh Minh Hiền gửi một lời chúc đặc biệt tới khán giả: “chúc cho mỗi khán giả đêm nay không có một giấc mơ nào khác ngoài Phượng Linh”!

Và có lẽ, với không gian âm nhạc đẹp “không tì vết” mà Trịnh Minh Hiền, Maurizio Mastrini và các nghệ sĩ đã tạo nên trong đêm diễn, Phượng Linh đã thực sự là một giấc mơ có thực còn được nhắc đến sau nhiều đêm nữa!

YẾN ANH

 

Ý kiến bạn đọc