Người trẻ khởi nghiệp văn chương

VHO - Vừa qua, buổi lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng Văn học trẻ lần thứ hai năm 2023 đã diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trải qua hai lần tổ chức, cuộc thi đã trở thành sân chơi thú vị, khơi dậy, nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy tài năng và niềm đam mê sáng tạo ngôn từ.

Người trẻ khởi nghiệp văn chương - Anh 1

 PGS.TS Nguyễn Minh Tâm trao giải Nhất cho các thí sinh xuất sắc

Sân chơi bổ ích
Giải thưởng Văn học trẻ năm 2023 với chủ đề Khởi nghiệp văn chương nhằm lan tỏa tình yêu văn chương và đam mê sáng tác của các bạn học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Ở mùa thứ hai, BTC đã nhận được 619 tác phẩm dự thi từ 357 bạn trẻ từ 70 trường đại học, 60 trường THPT trên cả nước. Trải qua các vòng chấm khắt khe, BTC đã trao giải cho 25 tác phẩm xuất sắc ở ba thể loại Tản văn, Truyện ngắn và Thơ.
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, nhà trường luôn coi trọng việc phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ, chính vì thế, Giải thưởng này là một trong những giải pháp của ĐH Quốc gia TP.HCM, qua đó nhằm phát huy tố chất, tiềm năng của những người yêu văn chương, nghệ thuật. “Tôi hy vọng cuộc thi sẽ là sân chơi sáng tạo ý nghĩa, đồng thời là diễn đàn để học sinh, sinh viên thể hiện thông điệp nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, qua đó góp phần lan tỏa nhận thức và tình cảm tích cực đến giới trẻ cũng như toàn xã hội”, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
Đại diện Hội đồng Giám khảo khởi nghiệp văn chương, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM bày tỏ, sau Giải thưởng Văn học trẻ lần thứ nhất với nhiều bỡ ngỡ và hy vọng, Giải thưởng lần thứ hai tiếp tục với sự háo hức của một sân chơi không còn xa lạ với các bạn trẻ. “Ngoài những cây bút đã đoạt giải, ở lần này vẫn tràn đầy ý tưởng sáng tạo, giải thưởng đã xuất hiện thêm nhiều cây bút đầy hứa hẹn và bất ngờ. Trong số 25 tác giả được vinh danh, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1999, còn nhỏ tuổi nhất sinh năm 2007. Nghĩa là, Giải thưởng Văn học trẻ đã thực sự trở thành vườn ươm văn chương của độ tuổi đẹp nhất đời người”, nhà văn Trịnh Bích Ngân đánh giá.
Sự phong phú về số lượng tác phẩm dự thi, đối tượng dự thi, nội dung và hình thức nghệ thuật của các tác phẩm tham gia đã cho thấy giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng thực sự có nhu cầu về một sân chơi văn chương có giá trị.
Tìm ra những gương mặt văn chương mới
Tại buổi lễ, BTC đã vinh danh và trao giải cho 25 tác phẩm xuất sắc; trong đó có 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 7 giải Ba và 12 giải Khuyến khích, tổng giá trị giải thưởng là hơn 200 triệu đồng. Cùng với đó, các tác phẩm đoạt giải sẽ được BTC xuất bản thành ấn phẩm Khởi nghiệp văn chương do NXB ĐH Quốc gia TP.HCM ấn hành.
Theo đó, ở thể loại Tản văn, tác phẩm Những đường thẳng không người kẻ của tác giả Trần Trọng Đoàn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã xuất sắc giành giải Nhất; tác phẩm Rễ của sông (Trần Văn Thiên, Trường ĐH Y Dược TP.HCM) giành giải Nhì… Về Truyện ngắn, tác phẩm Cánh từ bi lặng im (Trần Văn Thiên, Trường ĐH Y Dược TP.HCM) đoạt giải Nhất; Sắc xanh (Trần Minh Tâm, Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) đoạt giải Nhì… Về thơ, tác phẩm Người lạ (Lương Phan Huy Bảo, Trường ĐH Luật TP.HCM) được trao giải Nhất và giải Nhì dành cho Gặt rừng (Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)…
Xét về tương quan giữa Giải thưởng Văn học Trẻ lần thứ nhất và lần thứ hai, BGK đã nhận ra sự mạnh dạn tìm tòi của một số cây bút. Các tác phẩm dự thi đã mang đến bức tranh đa dạng về thế giới tâm hồn của người trẻ hiện nay, cũng như đa dạng về góc độ soi chiếu cuộc sống. “Họ theo đuổi một tinh thần khác, ngay cả khi vẫn viết về những đề tài quen thuộc. Như tác giả Võ Đăng Khoa (Học viện Cảnh sát Nhân dân) ở lần thứ nhất đoạt giải với truyện ngắn Rời Bình Ba thì ở lần thứ hai đoạt giải với bài thơ Một bữa về nhà. Hai thể loại khác nhau, hai phương pháp biểu đạt khác nhau, nhưng thái độ sống thì hoàn toàn nhất quán ở một người trẻ biết day dứt với những bất an và trân trọng với những yêu thương”, nhà văn Bích Ngân cho hay.
Ngay sau lễ trao giải, TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Trưởng BTC cuộc thi đã phát động “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TP.HCM” lần thứ ba năm 2024 dành cho tất cả học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. “Qua các sáng tác, chúng ta có cơ hội lắng nghe và thấu hiểu thế giới tinh thần của thế hệ trẻ đương đại, đồng thời góp phần phát hiện những người có năng lực và niềm say mê sáng tạo ngôn từ, hình thành bước đi ban đầu của những nhà văn, nhà thơ tương lai. BTC hy vọng cuộc thi tiếp tục thu hút đông đảo học sinh, sinh viên cả nước tham gia”, TS Phan Thanh Định bày tỏ.
Có thể thấy, các sân chơi như “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TP.HCM” đã và đang mở ra cánh cửa mới cho các tác giả trẻ, cũng như tạo ra một vạch xuất phát, đánh dấu một hành trình đầy triển vọng, để họ tiếp tục dấn bước trên con đường văn chương. Đặc biệt hơn nữa, đây còn là cơ hội để đánh thức, gọi tên lực lượng sáng tác mới, góp cho văn đàn Việt Nam một tài sản có ý nghĩa hơn bao giờ hết. 

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc