Người trẻ đổi mới tư duy để đưa văn học Việt vươn tầm

VHO - Những năm trở lại đây, văn học trẻ đã được tạo điều kiện để bứt phá. Nhờ sự chuyển mình, những cây bút trẻ đã và đang tạo nên diện mạo mới cho văn học nước nhà. Thông qua nhiều sân chơi, không ít tác giả GenZ đã khẳng được tên tuổi trên “bản đồ” văn chương. Tuy nhiên, văn học trẻ dù đã phát triển song vẫn còn khá chậm, đòi hỏi các tác giả phải “tăng sức viết, đẩy chất lượng” để khẳng định tiếng nói của thế hệ mới trên văn đàn.

Người trẻ đổi mới tư duy để đưa văn học Việt vươn tầm - Anh 1

 Văn học trẻ Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khởi sắc Ảnh: NXB Trẻ

 

 Luồng gió mới của văn chương Việt Nam

Trao đổi với Văn Hóa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, so với thế hệ đi trước, những nhà văn trẻ hiện nay có nhiều lợi thế hơn để phát triển văn nghiệp. Họ luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, họ được đào tạo bài bản trong các cơ sở, cơ quan chuyên môn về văn chương nên có nhiều thuận lợi để cho ra đời những tác phẩm văn học đạt yêu cầu về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật. Điều kiện quảng bá tác phẩm cũng tốt hơn nhiều so với trước đây, khi chỉ với vài cú click chuột, tác phẩm đã được đông đảo độc giả biết đến.

“Lâu nay, tôi vẫn luôn tìm kiếm những bản thảo, tác phẩm của giới viết văn trẻ. Văn học Việt Nam đang rất trông chờ vào sự bứt phá mạnh mẽ của họ. Thế hệ trẻ đã có cách nhìn mới, giọng điệu mới ở đủ mảng đề tài; thể hiện những trăn trở, suy tư phải làm gì để văn học chuyển mình?”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, văn học trẻ Việt Nam đang xuất hiện nhiều tên tuổi rất sáng giá. Ở độ tuổi dưới 35, không ít người đã sở hữu “gia tài” văn chương đồ sộ, có thể kể đến Đinh Phương với 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, đoạt giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2021; Văn Thành Lê với 13 đầu sách gồm các tập truyện ngắn, tản văn, thơ; Lữ Mai với 10 đầu sách bao gồm thơ, trường ca, truyện ngắn, tản văn...

“Bên cạnh lối viết truyền thống, nhiều cây bút đã có tìm tòi, thể nghiệm bắt kịp những khuynh hướng sáng tác mới hiện nay của thế giới như: Văn học phi hư cấu, tiểu thuyết giả tưởng hay phong cách hiện thực huyền ảo. Một số người quay về với tiểu thuyết trinh thám, kinh dị… làm nên bức tranh văn chương Việt với đủ “gam màu”. Một hiện tượng đáng chú ý là những năm gần đây, nhiều tác giả trẻ đã đi sâu, đi sát vào đề tài lịch sử; lý giải lịch sử bằng cái nhìn đương đại”, nhà thơ Hữu Việt bày tỏ sự lạc quan khi bàn về văn học trẻ.

Là tác giả nổi bật của văn học Việt Nam đương đại, nhà thơ Lữ Mai khẳng định, đội ngũ nhà văn trẻ đang không ngừng nỗ lực trau dồi bản thân để đem lại sinh khí mới cho văn học nước nhà. Nếu như trước đây, văn học trẻ phải chịu định kiến là “xa rời thực tế” thì hiện nay trong các tác phẩm của mình, dưới lăng kính sáng tạo, họ đã luôn nỗ lực đưa yếu tố thời cuộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp vào. Cùng với đó, trách nhiệm công dân trong việc lên tiếng trước những vấn đề được xã hội quan tâm cũng đã bộc lộ rõ nét. Nhiều nhà văn trẻ thực sự nhập cuộc, nghiêm túc với sự nghiệp sáng tác văn học.

Viết vì con người, vì dân tộc

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều tác giả có tác phẩm chất lượng, dấn thân vào đề tài mới lạ, văn phong độc đáo thì vẫn còn đó những người trẻ sáng tác theo trào lưu, viết để nuông chiều bản thân hay thậm chí là chạy theo những thị hiếu tầm thường. Nhắc lại câu chuyện ở Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X với chủ đề Vì sao chúng ta viết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay, nhà văn trẻ phải luôn đặt câu hỏi này trong đầu trước khi đặt bút.

“Đừng viết vì những lợi ích cá nhân mà hãy viết vì xã hội, vì con người, vì dân tộc. Tôi từng đọc nhiều tác phẩm có cách thể hiện ngôn ngữ, nghệ thuật rất điêu luyện nhưng đọc nữa, đọc mãi vẫn chỉ thấy tác phẩm ấy dẫn người ta đến bóng tối. Trong mọi thời đại, văn chương phải luôn hướng nhân loại đến ánh sáng, đi theo chủ nghĩa nhân đạo. Cho dù hiện thực có tối tăm đi chăng nữa thì vẫn phải mang con người đến với niềm tin và khát vọng sống. Còn nếu tác phẩm chỉ dựng lên sự u uất, buồn chán, ích kỷ, buông xuôi thì đó là những sản phẩm văn học vô giá trị”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng mong muốn các nhà văn trẻ cần có thái độ sống tích cực hơn, thể hiện sự đồng hành cùng tư duy nhân loại trước những biến động về chính trị, văn hóa; có cảm quan rành mạch, rõ ràng, sâu sắc trong tiếp nhận những vấn đề của thời cuộc. Hơn nữa, phải tự biết khơi gợi cảm hứng trong tác phẩm của mình. Đôi khi ở đâu đó, nhà văn trẻ đánh mất cảm hứng sống, dễ rơi vào tuyệt vọng, ích kỷ, mất niềm tin rồi lại “trút” những ẩn ức đó lên văn chương. Chỉ khi có cảm hứng sống tích cực, lớn lao cùng sự nhạy cảm với những vấn đề về chính trị, văn hóa, xã hội, tác phẩm khi ra đời mới được đẩy lên những tầm cao về nội dung, tư tưởng và vị thế.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) cho rằng, văn chương thời nào cũng cần sự dấn thân và ngọn lửa đam mê của những người trẻ. Lao động nghệ thuật miệt mài, không ngừng suy nghĩ để chinh phục những giá trị đích thực sẽ giúp nhà văn trẻ cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Mỗi tác giả trẻ cần xác định mình và chính tác phẩm của mình khi viết ra đều là một “đại sứ văn hóa” mang tinh thần Việt, hệ giá trị Việt bản sắc độc đáo đến với độc giả trên thế giới; góp phần xây dựng tâm hồn người Việt nhân ái, hướng thiện.

Ngoài câu chuyện về các tác giả trẻ, nhà văn Lê Vũ Trường Giang cũng hy vọng những cây bút này sẽ được tạo lập thêm môi trường phù hợp để nuôi dưỡng, phát huy tính sáng tạo. Đặc biệt, cần định hướng rõ ràng cho họ về thị hiếu thẩm mỹ, khả năng chủ động gửi thông điệp tích cực về văn học và văn hóa Việt Nam trong các tác phẩm. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc