Đi tìm “khuôn vàng thước ngọc” của Ả đào

VHO - Thế nào là chuẩn mực cổ điển của Ả đào (Ca trù) là băn khoăn suốt nhiều năm của nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, thôi thúc anh “lội ngược dòng” đi tìm “khuôn vàng thước ngọc” của nghệ thuật bác học này, để thấy thế nào là đúng - sai, hay - dở và giải mã chúng dưới góc nhìn của âm nhạc học hiện đại.

Đi tìm “khuôn vàng thước ngọc” của Ả đào - Anh 1

 “Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (giữa) ra mắt độc giả

 Giải mã hệ âm luật Ả đào

Vừa qua tại Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Công ty CP sách Omega Việt Nam (Omega Plus) tổ chức ra mắt sách Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật của nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền. Tác giả cho biết: Bấy lâu nay, nói đến Ca trù, dư luận xã hội thường nghĩ ngay đến “nhà hát cô đầu” cùng những thú ăn chơi mà người ta mặc định là “sa đọa, trụy lạc”, tàn dư của chế độ thực dân phong kiến đầu thế kỷ XX… Ít ai biết rằng, trong nền âm nhạc dân tộc, Ả đào là thể loại ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất.

Sau khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Ca trù đã được nhắc đến nhiều hơn. Trên cả nước bắt đầu có các hoạt động sôi nổi, với những cuộc liên hoan rầm rộ của nhiều CLB ở các tỉnh, thành. Thế nhưng, trong giới nghệ nhân cao tuổi vẫn lan truyền câu than phiền rằng, đào kép trẻ hiện nay phần lớn đều “đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ”.

Thế nào là chuẩn mực cổ điển của Ca trù là băn khoăn của nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền. Bởi vậy, anh chọn đi sâu vào khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của loại hình nghệ thuật cổ truyền này. Quá trình ấy kéo dài 9 năm, cuối cùng anh đã đưa ra sáng kiến khoa học, từ khổ đàn, khổ phách, cung Bắc, cung Nam… tất cả đều được giải mã dưới góc nhìn của âm nhạc học hiện đại. Về mặt nguyên tắc, khi một hệ thống lý thuyết được đúc kết, cần phải được thử nghiệm. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đầu tư hai dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa: Bảo tồn và phát huy di sản Ca trù tại thành phố Hà Nội; Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các CLB Ca trù Hải Phòng để ứng dụng những nghiên cứu trên.

“Tôi hy vọng cuốn sách sẽ mở ra cách tiếp cận mới cho đào kép hiện nay. Tức là, ngoài việc họ học nhạc, tự tập thì còn có thể đọc sách để tìm hiểu được khuôn thước của cha ông và bản chất ngón đàn của người xưa. Từ đó, họ sẽ hiệu chỉnh lại cho đúng với chuẩn mực cổ điển của Ả đào”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng, ngoài khảo cứu về lịch sử, cuốn sách này còn có khảo cứu quan trọng, mang tính chất nền tảng là khảo cứu về âm nhạc. Trước đó, chưa có một công trình nghiên cứu nào khảo cứu kỹ lưỡng về âm nhạc Ả đào - được cho là phức tạp nhất trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Có thể nói, cuốn sách đã đặt nền móng cho những nghiên cứu tiếp theo về kiệt tác này.

Giới thiệu công trình nghiên cứu tới công chúng

“Tôi không bao giờ có ý định viết sách, mà thường sau khi nghiên cứu sẽ đăng tải lên các tạp chí chuyên ngành hay chia sẻ với đồng nghiệp, người thân, bạn bè. Nhưng vào tháng 12.2022, khi viết xong phần Cung điệu, tôi có khoe việc đó lên Facebook, nhiều đồng nghiệp đã cho rằng, việc tôi phải ra sách là tất yếu. Được sự động viên của mọi người, tôi viết nốt chương cuối cùng của cuốn sách”, tác giả chia sẻ.

Ngoài nhìn nhận về giá trị nghiên cứu của Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam còn nhận định, đây là ví dụ sinh động về công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực xuất bản sách: “Chúng tôi tư duy theo hướng đây là sản phẩm về công nghiệp văn hóa và xem xét mức độ quan tâm của công chúng, tìm kiếm các đơn vị xuất bản để cuốn sách ra đời với cái lõi bên trong là giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của Việt Nam, nhưng lại có khả năng hấp dẫn, lôi cuốn các thế hệ độc giả khác nhau”.

Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật nằm trong tủ sách Văn hóa - Giáo dục của Omega Plus. Bà Trần Thị Hoài Phương, Giám đốc Công ty CP sách Omega Việt Nam cho biết: “Tác giả Bùi Trọng Hiền giới thiệu công trình nghiên cứu gần 10 năm của anh cũng trùng với thời điểm chúng tôi theo đuổi việc xuất bản và giới thiệu các công trình nghiên cứu, giới thiệu di sản văn hóa của dân tộc dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới”. Cuốn sách có hai mảng chủ đề: Lịch sử của loại hình Hệ âm luật. Độc giả đại chúng sẽ quan tâm đến phần lịch sử, không gian diễn xướng của thể loại âm nhạc, còn về âm luật cần có sự tiếp cận đến nơi đang đào tạo, phát triển, phát huy và bảo tồn nghệ thuật Ả đào…

Bà Trần Thị Hoài Phương cũng thừa nhận, sách nghiên cứu có đối tượng bạn đọc khá hẹp, không thể in số lượng lớn như sách thị trường, nhưng đây là tác phẩm có giá trị lâu bền và đó cũng là tầm nhìn dài hơi khi đơn vị quyết định xuất bản thể loại sách này. 

TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc