Cấm hay không cấm?

VHO- New Zealand vừa có sự thay đổi chính phủ. Ngay trong những ngày cầm quyền đầu tiên, tân Thủ tướng Christopher Luxon đã tuyên bố sẽ thực hiện ngay một trong những cam kết tranh cử là cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học.

Cấm hay không cấm? - Anh 1

Chính sách cấm sử dụng điện thoại trong lớp học đã được áp dụng ở một số quốc gia

Vị thủ tướng này phàn nàn rằng, chất lượng giáo dục và đào tạo ở New Zealand trong thời gian gần đây sa sút và không thể chấp nhận lâu hơn nữa. Theo ông Luxon, việc không sử dụng điện thoại trong tiết học giúp học sinh và sinh viên tập trung hoàn toàn vào học tập trên lớp và tương tác trực tiếp với thầy cô giáo. Vị thủ tướng này đưa ra chứng cứ cho thấy việc cấm sử dụng điện thoại trong tiết học được thực thi ở nước ngoài và thí điểm một số trường học ở New Zealand đã đưa lại kết quả tích cực và rất đáng khích lệ. 
Trên thế giới, Pháp đã cấm sử dụng điện thoại di động trong tiết học từ năm 2018. Anh và Hà Lan đã tuyên bố sẽ thực hiện tương tự. Ở nước Đức, cuộc tranh luận về cấm hay không cấm diễn ra rất sôi động nhưng đến nay chưa ngã ngũ. Hồi tháng 7 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã công bố văn kiện Báo cáo quan sát giáo dục toàn cầu năm 2023. Một trong những khuyến nghị trung tâm của báo cáo này là các quốc gia nên cấm sử dụng điện thoại trong tiết học. Trong báo cáo ấy, UNESCO đưa ra những lý do để biện giải, phân tích những tác động của tiến trình chuyển đổi số tới giáo dục, khoa học và văn hóa. UNESCO cũng đi sâu vào chủ đề nội dung nên cấm hay không cấm sử dụng điện thoại di động trong tiết học. 
Ở đây, trước hết phải phân biệt rõ giữa học sinh, sinh viên sử dụng điện thoại di động phục vụ học hành nói chung và sử dụng điện thoại di động trong tiết học. Giáo dục và đào tạo trực tuyến được sử dụng ngày càng nhiều. Hình thức này có tiện ích và hiệu quả riêng. Tuy nhiên, quan điểm của UNESCO và của nhiều nước trên thế giới là hình thức trực tuyến này chỉ có thể bổ sung chứ không thể thay thế hình thức giáo dục và đào tạo truyền thống, tức là trực tiếp giữa thầy cô giáo và học sinh, sinh viên. 
Sâu xa hơn thế nữa ở đây là cách tiếp cận cho rằng, giáo dục và đào tạo không chỉ là học kiến thức và nghề nghiệp mà còn định hình tính cách và tu dưỡng nhân cách của học sinh và sinh viên, hơn nữa là khía cạnh văn hóa và xã hội. Vì thế, tận dụng chuyển đổi số phục vụ cho giáo dục và đào tạo đồng thời phải phục vụ cho cả mục đích gây dựng và phát triển văn hóa ứng xử lành mạnh thực thụ và thích ứng với thời đại số. 
Cũng như văn hóa nói chung, giáo dục và đào tạo đặt con người vào trung tâm. Vì thế, cấm sử dụng điện thoại di động tuyệt đối ở trường học là vấn đề cần được giải quyết thỏa đáng ở mọi nơi trên thế giới và cần phải được giải quyết theo hướng vừa đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, vừa góp phần thật sự thiết thực vào việc hình thành văn hóa nhận thức và văn hóa ứng xử đúng đắn, lành mạnh ở học sinh và sinh viên. Suy rộng ra hơn, vấn đề đặt ra ở đây là phải vận hành công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo, khoa học và văn hóa như thế nào để tận lợi được tối đa cho phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và văn hóa, đồng thời hạn chế được tối đa tác động mặt trái của chuyển đổi số tới những lĩnh vực nói trên. 
Trong thế giới hiện đại, giáo dục và văn hóa đi liền với nhau và gắn kết với nhau. Cấm hay không cấm, quản lý hay kiểm soát việc sử dụng điện thoại di động trong tiết học nói riêng và trong nhà trường nói chung đang trở thành vấn đề mà việc giải quyết nó sẽ trở nên không còn có thể tránh khỏi đối với mọi nơi trên thế giới. 

 THỤC LINH

Ý kiến bạn đọc