Hiện thực huyền ảo Athletic Bilbao

NGỌC TRUNG

VHO - Tại Bilbao, xứ Basque, Tây Ban Nha, có một chiếc sà lan mang tên La Gabarra. Đó không phải là phương tiện vận tải đường thủy thông thường. La Gabarra là huyền thoại, là điều thần bí được người hâm mộ đội bóng Athletic Bilbao truyền tai nhau từ đời này sang đời khác.

 Hiện thực huyền ảo Athletic Bilbao - ảnh 1

 Các cầu thủ Athletic Bilbao diễu hành trên chiếc sà lan La Gabarra

Tiếng nói từ lịch sử

Chiếc sà lan này được đóng vào năm 1960, dài 18,5m, rộng 8,5m. Chức năng chính là chở các thành viên đội bóng áo sọc đỏ trắng diễu hành dọc sông Nervion, chảy qua thành phố Bilbao, mỗi khi CLB này giành được những danh hiệu. 40 năm qua, La Gabarra nằm im lìm trong bến cảng. Thi thoảng, các công nhân lại tổ chức một ngày công vào Chủ nhật để cạo các vết gỉ sét trên chiếc sà lan. Trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ ấy, Athletic Bilbao không giành được bất cứ danh hiệu nào. Những chiếc cúp gần nhất được đưa về phòng truyền thống là cú đúp La Liga và Cúp Nhà Vua (Copa del Rey) 1983- 1984.

Thực tế đội bóng áo sọc đỏ trắng còn giành Siêu cúp Tây Ban Nha vào các năm 2015 và 2021, nhưng danh hiệu hư vinh này không đủ cảm xúc để người hâm mộ đổ ra đường ăn mừng. Ngoài ra, Athletic Bilbao từng 5 lần lọt vào tới các trận chung kết Cúp Nhà Vua (2009, 2012, 2015, 2020, 2021) và Europa League (2012) nhưng đều thất bại. Marca - tờ báo thể thao nổi tiếng nhất Tây Ban Nha, tuần qua đã có một thống kê thú vị là có đến 780 bài báo có từ khóa La Gabarra, hầu hết trong các năm chiếc sà lan này có cơ hội hạ thủy trở lại. Thế nên, câu chuyện biển người chen chân kín đặc hai bên bờ sông Nervion đón chào những người hùng áo sọc đỏ trắng trên chiếc sà lan La Gabarra dần đi vào huyền thoại.

Ngày 11.4.2024 vừa qua, huyền thoại trở lại thực tại. Athletic Bilbao đánh bại Real Mallorca (hòa 1-1 trong 120 phút, thắng 4-2 ở loạt đá luân lưu) để vô địch Cúp Nhà Vua, chấm dứt 40 năm chờ đợi mỏi mòn. Những người hâm mộ bóng đá từng ngỡ ngàng trước biển người ăn mừng tại Hà Nội, sau kỳ tích Thường Châu của đội tuyển U23 Việt Nam, tại Buenos Aires, Thủ đô Argentina, sau chức vô địch World Cup 2022 của Lionel Messi và các đồng đội, thì có thể hình dung khung cảnh náo nhiệt tại Bilbao. Theo thị trưởng thành phố xác nhận, hơn 1 triệu người đã đổ ra ven bờ Nervion để ăn mừng. Một thống kê khác, lưu lượng tàu thuyền trên sông được ghi nhận là 160, dĩ nhiên đa số hộ tống La Gabarra.

Những hình ảnh ấy thật ấn tượng, làm lay động bất kỳ ai, cho dù có phải là tín đồ túc cầu giáo hay không, cho dù có phải là cổ động viên của Athletic Bilbao hay không. Màn ăn mừng ấy nhấn mạnh rằng bóng đá không chỉ là 22 người đàn ông hoặc phụ nữ đuổi theo trái bóng. Bóng đá là môn thể thao gắn bó mật thiết với văn hóa, lịch sử và đời sống, đem đến cảm giác thân thuộc lẫn những xúc cảm lạ kỳ.

Sức sống kỳ lạ

Athletic Bilbao là một trong những đội bóng ưu tú nhất của xứ Basque - một trong 17 cộng đồng và 2 thành phố tự trị của đất nước Tây Ban Nha. Xứ Basque cũng là một trong ba cộng đồng tự trị tự xác định là một dân tộc, tương tự Catalonia và Galicia. Con số hơn 1 triệu người đổ ra đường ăn mừng chức vô địch của Athletic Bilbao càng ấn tượng hơn nếu biết rằng dân số xứ Basque chỉ khoảng 3 triệu người. Càng đáng nể hơn khi Athletic Bilbao chỉ sử dụng cầu thủ bản xứ trong suốt hơn 100 năm tồn tại. Với nguồn lực nhân sự tự hạn chế một cách eo hẹp như vậy, thế nhưng đội bóng này chưa hề rớt hạng ở La Liga. Tại giải VĐQG Tây Ban Nha, chỉ có 2 đội bóng khác duy trì được thành tích này. Không khó đoán, đó là Real Madrid và Barcelona.

Trong quá khứ, Athletic Bilbao là thế lực hùng mạnh của bóng đá Tây Ban Nha. Tính đến năm 1984, đội bóng này đã 8 lần đăng quang La Liga và vô địch Cúp Nhà Vua tới 23 lần. Các danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi), Thủ môn xuất sắc nhất La Liga (Zamora) và Vua phá lưới nội La Liga (Zarra), đều được đặt theo tên những huyền thoại của Bilbao. Sự sa sút phần nào của CLB này xuất phát từ việc kiên trì áp dụng chính sách sử dụng cầu thủ bản xứ trong bối cảnh “hậu Bosman” (dễ hiểu là cầu thủ được tự do ra đi khi hết hợp đồng) cũng như sự bùng nổ của công nghiệp bóng đá, tạo điều kiện cho các đội bóng giàu có vung tiền chiêu mộ ngôi sao. Dù vậy, Athletic Bilbao không hề tồn tại theo kiểu “sống mòn”. Như đã đề cập, đội bóng này đã 5 lần lọt vào các trận chung kết, trong đó có chung kết Europa League 2011-2012, trước khi vô địch Cúp Nhà Vua mùa này.

Không giàu có như hai gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha, nhưng giá trị riêng biệt của Athletic Bilbao và dân tộc tính ăn sâu vào huyết quản đội bóng. Barca luôn giương cao ngọn cờ độc lập cho xứ Catalonia, luôn tự hào về lò đào tạo La Masia danh tiếng, nhưng mỗi năm đội bóng này vẫn chi ra hàng trăm triệu euro, với nhiều thương vụ có giá trị phi lý, để chiêu mộ ngôi sao ngoại quốc. Nguồn lực chủ yếu của Athletic Bilbao là Học viện Lameza. Khi sản sinh được lứa cầu thủ xuất sắc (như hiện tại), đội bóng này gặt hái thành công. Khi không có nhiều cầu thủ ưu tú, họ có phần chật vật. Nhưng luôn có niềm vui trọn vẹn tình yêu xứ sở trong từng kết quả đội bóng đạt được. Hình ảnh hơn 1 triệu người đổ ra bờ sông ăn mừng có giá trị hơn nhiều mọi chiến dịch truyền thông và tiếp thêm niềm tin cho CLB lẫn người hâm mộ. Trong bóng đá, đôi khi cảm xúc quan trọng hơn kết quả.

Trên bảng xếp hạng La Liga mùa này, Athletic Bilbao cũng đang có được thứ hạng ấn tượng để tranh đua suất dự Champions League. Nếu Bilbao có mặt tại giải đấu danh giá nhất châu Âu, tuy không phải là danh hiệu, nhưng La Gabarra có lẽ sẽ lại hạ thủy và sông Nervion lại bừng lên cuộc hoan ca rực rỡ. 

Ý kiến bạn đọc