Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh tranh cãi Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh hay không phái sinh: Phán quyết của Tòa có đúng không?

Thứ Sáu 29/03/2019 | 10:13 GMT+7

VHO- TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Công ty CTHN) và bị đơn là Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS), sau một tuần xét xử. Điều đáng nói là, sau khi phán quyết Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu vở diễn và đạo diễn Việt Tú là tác giả của Ngày xưa, Tòa còn chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là Công ty DS đối với vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ, qua đó phán quyết vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ của đạo diễn Hoàng Nhật Nam là phái sinh của vở diễn Ngày xưa.

 Đây là phán quyết đã gây ra nhiều tranh luận trong những ngày qua. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã tức tốc bay ra Hà Nội và gửi tâm thư “khẩn thiết kêu cứu” Tòa án xem xét lại phán quyết tại bản đã tuyên đối với “số phận đứa con” của anh. Để rộng đường dư luận, Báo Văn Hóa xin đăng tải một số ý kiến với các góc nhìn nhận đa chiều về vụ việc.

Một cảnh trong "Tinh Hoa Bắc Bộ"

“Tinh hoa Bắc Bộ” không liên quan đến tranh chấp hợp đồng của Công ty Tuần Châu và Công ty DS

Phán quyết của Tòa về việc chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty DS đối với vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ là không hợp lý. Hiện nay, liên quan đến vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ, “Công ty DS” đã khởi kiện “Công ty TCHN” trong một vụ án khác, đang được TAND TP Hà Nội thụ lý, giải quyết (số thụ lý 153/TB-TLVA ngày 09.05.2018 của TAND TP Hà Nội). Do đó, việc Tòa án Nhân dân TP Hà Nội chấp nhận yêu cầu của “Công ty DS” nằm ngoài phạm vi xem xét, giải quyết tại vụ án này. Mặt khác, cần căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 200 BLTTDS 2015.

Như vậy, “Yêu cầu TCHN phải thừa nhận vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ là kế thừa trên nền tảng vở diễn Ngày xưa không thuộc một trong ba trường hợp nêu tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 200 BLTTDS 2015. Yêu cầu này không phải để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, nếu yêu cầu này được chấp nhận cũng không loại bỏ một phần hay toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu này với yêu cầu của nguyên đơn không có bất kỳ sự liên quan nào. “Công ty TCHN” khởi kiện bắt nguồn từ tranh chấp về hành vi vi phạm “Hợp đồng” giữa hai bên, trong khi đó vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ không liên quan đến Hợp đồng này. Việc phán quyết vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ có phải là tác phẩm phái sinh hay không, bắt buộc phải giải quyết trong vụ án khác.

(Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ, Giám đốc Công ty Luật Trương Anh Tú)

“Văn bản của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không có giá trị”

Văn bản giám định Tinh hoa Bắc Bộ của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nếu coi là một kết quả giám định thì không đúng với quy trình, thủ tục luật định. Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL có định nghĩa rõ ràng về giám định quyền tác giả. Cụ thể, văn bản giám định tác phẩm của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam được đưa ra không trên cơ sở có giám định viên, không được thành lập tổ chức giám định theo quy định, cho nên đó không phải là văn bản giám định. Việc tòa án sử dụng văn bản đó để đưa ra kết luận lại là một câu chuyện cần nói. Trình tự giám định theo luật phải tuân thủ các quy tắc cả về mặt hình thức và nội dung. Hội Nghệ sĩ sân khấu trong thẩm quyền của mình hoàn toàn có thể đưa ra quan điểm của họ, nhưng khi đưa ra tòa lại là chuyện khác.

Tôi cho rằng, về cơ bản một phán quyết nội bộ chỉ có giá trị trong phạm vi nội bộ của cơ quan, tổ chức đó. Nhưng khi tòa án sử dụng văn bản là căn cứ pháp lý duy nhất để đưa ra phán quyết thì lại là vấn đề cần phải bàn cãi. Trong trường hợp của hai vở diễn Ngày xưa Tinh hoa Bắc Bộ, chúng tương tự nhau về ý tưởng là vì mục đích của chủ đầu tư là Công ty TCHN. Không thể nói đã có tác phẩm được đăng kí nội dung về những hoạt động này rồi thì tác phẩm khác không được sáng tác cùng về ý tưởng đó.

Bên cạnh đó, cũng cần đặt vấn đề việc giám định được thực hiện trên những cơ sở nào, được thu thập theo đúng trình tự luật định hay không. Trong câu chuyện này thì nghe như mọi thứ có vẻ hơi... kín đáo. Tôi không bàn sâu về chuyên môn của các nghệ sĩ bởi tôi rất tôn trọng họ, cũng như tin rằng họ đã đưa ra kết luận một cách tâm huyết. Tuy nhiên, nếu theo quy định pháp luật thì cần phải xem xét và tuân thủ theo đúng trình tự, nguyên tắc. Nếu như bây giờ tôi tuyên bố Tinh hoa Bắc Bộ không phải là phái sinh thì cũng là không có cơ sở, bởi tôi không phải giám định viên, việc tôi nói cũng không đúng trình tự pháp luật.

Nếu trả lời ý kiến về mặt sở hữu trí tuệ, tôi cho rằng để xem xét tác phẩm này có phải là phái sinh từ tác phẩm kia hay không thì điều trước hết là phải xét từ các yếu tố pháp lý chứ không phải xét dựa trên cảm quan. Ví dụ, một bức ảnh bạn chụp ở Hồ Gươm, góc chụp rất đẹp và được đăng trên facebook, tôi thấy ảnh đẹp và cũng chụp lại đúng góc đó, vậy thì tác phẩm của tôi có phải là phái sinh không? Kết luận hai tác phẩm có sao chép nhau hay không thì không thể đơn thuần dựa trên cảm giác. Một ví dụ khác, nếu tôi sử dụng chuyện Harry Porter để làm phim Harry Porter thì đó là phái sinh. Nhưng chuyện hai bức ảnh nói trên hay hai tác phẩm của các đạo diễn Việt Tú và Hoàng Nhật Nam thì chưa chắc. Việc lấy ý tưởng thì pháp luật không bảo hộ, na ná nhau về ý tưởng cũng chưa chắc là sao chép của nhau, và bởi vậy chưa chắc là tác phẩm phái sinh.

Tôi ủng hộ quan điểm tất cả mọi thứ đều cần theo đúng trình tự luật định. Trong trường hợp này, việc cơ bản cần làm là yêu cầu cơ quan có chức năng giám định thực hiện việc giám định một cách khoa học, đúng luật. Mặt khác tôi cũng muốn nói rằng, thông thường khi Tòa án đưa ra phán quyết cần phải dựa trên nhiều cơ sở, nhưng ở vụ việc này chỉ có một văn bản của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Trong khi đó, văn bản này lại không đủ giá trị pháp lý về mặt giám định thì tôi cho rằng không phù hợp và chưa thực sự công bằng.

(Luật sư PHAN VŨ TUẤN, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh)

“Hội đồng thẩm định đã ký tên với tinh thần trách nhiệm của từng thành viên”

Trao đổi với Văn Hóa chiều 28.3, NSƯT, đạo diễn Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét kịch bản vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ Ngày xưa trong việc tranh chấp sở hữu trí tuệ đã đưa ra văn bản của TAND TP Hà Nội ký ngày 22.10.2018 gửi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đề nghị Hội với tư cách là hiệp hội nghề nghiệp của các nghệ sĩ sân khấu, nêu ý kiến chuyên môn về hai tác phẩm. Kèm theo văn bản, Tòa án đã gửi kèm tài liệu phục vụ cho việc xem xét: Kịch bản vở diễn Ngày xưa, kịch bản vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ, video quay lại hai vở diễn, bản liệt kê các phân cảnh bị buộc sao chép giữa Tinh hoa Bắc Bộ Ngày xưa (Thủa ấy, Xứ Đoài), các bản vẽ thiết kế 3D và thiết kế cảnh quan, ý tưởng nghiên cứu từ ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng cho vở diễn Ngày xưa và bài báo trên trang Sài Gòn Giải Phóng online, trong đó Công ty Tuần Châu Hà Nội thừa nhận xây dựng Tinh hoa Bắc Bộ kế thừa những kinh nghiệm đã có và phát huy hơn nữa phần nội dung và hình thức thể hiện của vở diễn Ngày xưa.

Sau đó, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ đã thành lập Hội đồng thẩm định với 4 thành viên: NSƯT, đạo diễn Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Chủ tịch Hội đồng; NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội; PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Phó ban Lý luận phê bình của Hội; PGS.TS Trần Trí Trắc, Phó ban Lý luận phê bình của Hội.

“Hội đồng thẩm định của Hội thành lập đều là những người có học hàm, học vị và đều là những người có uy tín trong ngành. Hội đồng đã họp 5 lần và từng thành viên đã có nhận xét, đánh giá và ký tên với tinh thần trách nhiệm. Trên cơ sở tài liệu mà Tòa án cung cấp, chúng tôi khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh từ Ngày xưa (Thủa ấy, Xứ Đoài). Từ “phái sinh” có thể hiểu là cái có sau kế thừa cái có trước, giống như một tác phẩm được viết theo “format” mới, một mô típ mới trên một tác phẩm đã có trước đây”, NSƯT Lê Chức khẳng định. Ông cũng cung cấp công văn của Hội Nghệ sĩ sân khấu gửi Thẩm phán TAND TP Hà Nội nêu rõ kết luận của Hội đồng thẩm định: “Từ thực tế so sánh hai chương trình, Hội đồng thẩm định nhận thấy hai chương trình nghệ thuật đều giống nhau về căn bản, từ ý tưởng, chất liệu, kết cấu đến địa điểm, trang phục, đạo cụ...”, “Trong trường hợp vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ là có sau, mà lại sử dụng gần như toàn bộ diễn viên (người nông dân), trang phục, đạo cụ, thiết kế ánh sáng, âm thanh vốn được xây dựng, thiết kế dành riêng cho vở diễn có trước Ngày xưa (Thủa ấy, Xứ Đoài) ở cùng thể loại “trình diễn thực cảnh” thì góc độ sân khấu, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ không được coi là một sáng tạo độc lập mà chỉ có thể coi là vở diễn phái sinh...”.

NSƯT Lê Chức khẳng định, từng thành viên của Hội đồng thẩm định đều là những người rất cân nhắc về chữ nghĩa và đều có trách nhiệm với những gì mà mình đã kết luận trong văn bản gửi Tòa án.

(NSƯT, đạo diễn LÊ CHỨC, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)

 PHƯƠNG ANH - HOÀNG HƯƠNG - ĐÀO ANH (lược ghi)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top