Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bị đình chỉ 1 năm giảng dạy vì cho học sinh diễn cảnh ái ân: Có hay không giáo viên bị xử oan?

Thứ Sáu 29/03/2019 | 10:16 GMT+7

VHO-  Một thầy giáo ở Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM vừa bị nhà trường đình chỉ giảng dạy một năm vì cho học sinh đóng cảnh ân ái khi sân khấu hóa tác phẩm văn học. Câu chuyện đang gây nhiều tranh cãi và bức xúc trong dư luận vì hình thức kỷ luật này theo đánh giá là quá nặng nề.

 Trường THPT Võ Trường Toản TP.HCM - nơi xảy ra câu chuyện nói trên

Được biết, thầy giáo Phạm Quốc Đạt trong câu chuyện nói trên đã sân khấu hóa hai tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng và Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Theo đó, trong tác phẩm Bỉ vỏ có phân đoạn nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp còn trong Số đỏ là phân đoạn cô Tuyết và Xuân tóc đỏ ân ái với nhau.

Thầy giáo cho rằng đây là cách dạy thể hiện sự đổi mới sáng tạo, trung thành với giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Trong khi đó, lãnh đạo nhà trường cho rằng việc đưa những cảnh nhạy cảm này là vượt quá giới hạn sáng tạo, không phù hợp với lứa tuổi của học sinh khi các em chưa đủ 18 tuổi. Chính vì vậy, thầy giáo Phạm Quốc Đạt đã bị đình chỉ dạy một năm và chuyển sang làm công tác thư viện khi có 51,92% ý kiến của Hội đồng sư phạm nhà trường đồng ý với biện pháp kỷ luật này.

Xử lý vội vàng và không mang tính nhân văn

Tôi thấy rằng xung quanh quyết định xử phạt này thì hai bên đều không đúng, cả phía thầy giáo và ban giám hiệu nhà trường. Đổi mới sáng tạo là hướng đi đúng nhưng bản thân giáo viên phải biết cảnh đó có nhạy cảm hay không? Tôi có xem clip đó và trao đổi với các giáo viên dạy Văn thì biết rằng tác phẩm Bỉ vỏ không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuy không nằm trong chương trình nhưng nếu giáo viên cho học sinh tìm hiểu thêm cũng rất tốt, nhưng chi tiết Tám Bính bị cưỡng hiếp thì liệu có là chi tiết quan trọng nhất của toàn bộ tác phẩm hay không? Nếu như nó là chi tiết mà không thể nào không bỏ được thì cách xử lý này là chấp nhận, nhưng sự tha hóa của nhân vật Tám Bính trong tác phẩm này không phải xuất phát từ việc Tám Bính bị cưỡng hiếp, cho nên cảnh đó thật ra có thể gạt bỏ đi cũng được.

Mỗi người có một cách nhìn nhận nhưng theo quan điểm riêng của tôi thì trong khi hiện nay xã hội có quá nhiều chuyện dâm ô, rồi cưỡng hiếp diễn ra thì cảnh này là không nên. Về phía ban giám hiệu, khi đưa ra hình thức kỷ luật này tôi cho là quá mạnh tay, vội vàng. Chúng ta đang là những người làm giáo dục rất cần yếu tố nhân văn, trong xử lý giáo viên hay học sinh cũng như vậy, cần phải lấy ý kiến nhiều phía, thậm chí thanh tra cần vào cuộc để làm rõ câu chuyện này. Cái chưa hay trong câu chuyện này là chuyện bé xé ra to, ứng xử chưa tốt trong môi trường học đường.

(ThS Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn - TP.HCM)

 Các phân cảnh được cho là nhạy cảm Ảnh cắt từ video clip

“Tâm huyết đổi mới của giáo viên đã bị đốn ngã”

Đã gọi là sáng tạo tức là đã chọn sự mạo hiểm, nhưng xuất phát từ cái tâm mong muốn đổi mới phương pháp dạy học tốt hơn, mang đến tiết học sinh động, thú vị hơn cho học trò. Nếu không, giáo viên chỉ cần lên lớp giảng bài theo cách truyền thống thì đã hoàn thành nhiệm vụ mà cũng đỡ cực hơn. Đứng ở góc độ sáng tạo thì tôi ủng hộ. Tuy nhiên, cái gì cũng cần có giới hạn. Nếu sáng tạo đi quá xa, vượt quá sự cần thiết hoặc vượt quá chuẩn mực đạo đức, gây phản cảm thì không nên. Quan điểm của tôi là ủng hộ việc sân khấu hóa để tạo một tiết học thú vị hơn cho học sinh.

Việc cho học sinh diễn những cảnh ân ái, tình tứ, cảnh “nóng” trên sân khấu có nên hay không? Trong câu chuyện này tôi nghĩ nó nên, vì đứng ở góc độ văn học, khi nhà văn họ sáng tác tác phẩm đó, chắc chắn đã cân nhắc việc có nên đưa cảnh đó vào tác phẩm của mình hay không rồi. Tức là thông qua lăng kính sáng tạo và bộ lọc của nhà văn, thì cảnh đó đã được gọt giũa công phu để phù hợp với nội dung. Tuy nhiên, bản thân người dựng lại cần cân nhắc xem nó có phù hợp với môi trường học đường hay không, và mình có đủ năng lực để làm cho nó trở nên nghệ thuật, hay lại biến cảnh nghệ thuật trong văn chương trở nên trần tục. Đứng ở góc độ là giáo viên tôi nghĩ rằng bản thân người thầy thường không chuyên nghiệp về kỹ thuật sân khấu, cho nên nếu chọn diễn cảnh đó thì phải suy nghĩ thật thấu đáo, nếu không làm được thì phải nhờ đến chuyên gia, như đạo diễn hoặc những người được học qua trường lớp chuyên nghiệp tư vấn, hỗ trợ trong việc dàn dựng để khi đưa lên không phản cảm, vì làm không khéo léo sẽ trần tục ngay. Nhưng việc xem xét cảnh đó nghệ thuật hay trần tục còn tùy thuộc vào cách nhìn, nếu chúng ta tách ra khỏi ngữ cảnh đó thì nó sẽ trần tục ngay thôi. Vì thế mà cũng nên đặt cảnh đó trong một tổng thể, một vở diễn để nhìn nhận.

Tôi cho rằng trước khi đưa ra hình thức kỷ luật nên lấy ý kiến từ nhiều phía, từ học sinh, giáo viên, phụ huynh, các chuyên gia, vì mọi sự quyết định nóng vội sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Với quyết định đình chỉ công tác 1 năm đối với thầy giáo Đạt, có thể ban giám hiệu trường đó chỉ nghĩ đến việc các em học sinh diễn cảnh dung tục, không phù hợp với môi trường học đường vì các em chưa đủ 18 tuổi, nhưng ban giám hiệu nhà trường chưa thấy một hệ quả khác, đó là những người thầy khi nhìn vào đó có dám sáng tạo nữa hay không, hay tâm huyết đổi mới đã bị đốn ngã ngay lập tức khi đọc câu chuyện này, dẫn đến tâm lý dạy học “an toàn” trong giáo viên. Việc đánh giá thầy giáo đúng hay sai nên bình tĩnh, không nên nóng vội, vì sự nóng vội - nhất là của các cấp lãnh đạo thì sẽ làm cho không chỉ riêng bản thân người giáo viên đó mà giáo viên ở khắp mọi nơi ở TP.HCM và nhiều nơi khác có muốn sáng tạo cũng sẽ chùn bước.

(Giáo viên Đỗ Đức Anh, Tổ phó Tổ Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân - TP.HCM)

Sáng tạo trong học đường rất nên được khích lệ

Tôi đã có xem video clip đó, nhìn trong clip thì không có gì dung tục phải chê trách. Học sinh đã sáng tạo và biết dùng ánh sáng, dùng màn che khi diễn cảnh nhạy cảm này để làm nổi bật nội dung của tác phẩm.

Tôi cho rằng người lớn phải có cái nhìn của thời đại hơn, không nên quá khắt khe. Ngày nay vấn đề giáo dục giới tính rất quan trọng trong nhà trường, vì ở lứa tuổi học sinh lớp 10, 11, 12 hiện nay, trên các mạng xã hội, internet các em đã tìm hiểu rất nhanh những chuyện người lớn, cho nên nếu chúng ta không có một định hướng, cứ nhìn khắt khe, coi đây là vấn đề nhạy cảm, cứ mãi e dè, né tránh thì làm sao dám giáo dục giới tính cho các em. Trong khi đó vấn đề nạo phá thai ở tuổi học đường hiện nay rất cao và ngày càng tăng. Vậy thì những người làm công tác giáo dục chúng ta đang nghĩ gì trước thực trạng này. Nếu chúng ta còn e dè, e ngại, quan điểm khắt khe như vậy thì làm sao có thể giáo dục giới tính được cho học sinh.

Tôi thấy sáng tạo trong học đường rất nên được khích lệ, đặc biệt là trong ứng dụng giáo dục. Sân khấu hóa hay các hình thức giáo dục đổi mới sáng tạo cần phải được khích lệ. Tuy nhiên, người quản lý cần sâu sát từng giáo viên và giáo viên cũng cần phải đi sâu sát các em học sinh để định hướng cho đúng, phù hợp với ý nghĩa giáo dục.

(Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

 

 Với quyết định đình chỉ công tác 1 năm đối với thầy giáo Đạt, có thể ban giám hiệu trường đó chỉ nghĩ đến việc các em học sinh diễn cảnh dung tục, không phù hợp với môi trường học đường vì các em chưa đủ 18 tuổi, nhưng ban giám hiệu nhà trường chưa thấy một hệ quả khác, đó là những người thầy khi nhìn vào đó có dám sáng tạo nữa hay không, hay tâm huyết đổi mới đã bị đốn ngã ngay lập tức khi đọc câu chuyện này, dẫn đến tâm lý dạy học “an toàn” trong giáo viên.

(Giáo viên Đỗ Đức Anh, Tổ phó Tổ Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân - TP.HCM)

 


 

 THÙY TRANG (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top