Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Với Nhà thờ Đức Bà Paris...

Thứ Sáu 19/04/2019 | 09:37 GMT+7

VHO- Chúng tôi, những người Việt đang sinh sống ở Paris, cũng như những người dân Pháp đã trải qua những giờ bàng hoàng, đau xót, căng thẳng và lo sợ khi dõi theo diễn biến đám cháy phá huỷ một phần quan trọng của Nhà thờ Đức Bà Paris.

Trong thời điểm ấy, trước mất mát ấy, tôi nghĩ rằng dù là người Pháp, người Nhật, người Việt Nam hay một dân tộc khác, tâm trạng không khác nhau. Đó là niềm đau xót với sự mất mát, một mất mát lớn trong di sản của nhân loại.

Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là một nhà thờ tôn giáo, “nhà của Thiên Chúa và là nơi ở của con người”, tồn tại bằng đức tin và cầu nguyện của các tín hữu, là nhân chứng cho cuộc sống của những người con chiên của Chúa, sự rạng rỡ của đức ái, và niềm hy vọng mãnh liệt. Nhà thờ Đức Bà Paris là một công trình kiến trúc Gothic tuyệt vời, mặc dù không phải là nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất hay cổ xưa nhất thế giới. Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là biểu tượng của Paris và nước Pháp mà là một biểu tượng tổng hợp của di sản, lịch sử, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, văn học, là biểu tượng của trí óc, sáng tạo, bàn tay lao động tuyệt vời của con người, là biểu tượng của cái đẹp, của lòng nhân ái, của hòa bình, của tình yêu bất diệt, của khát vọng khám phá.

Nhà thờ Đức Bà nhìn từ tầng 20 tòa nhà Zamansky (Sorbonne Université) trước và sau vụ hỏa hoạn

Đó là quá khứ, là tuổi thơ, là ký ức của mỗi người, của nhân loại. Dù là người đã sống ở đây, sáng chiều nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, ngắm nhìn tháp chuông và sườn tây của nhà thờ in bóng trên mặt nước sông Seine, hay là người chưa từng đặt chân đến Paris nhưng luôn từng hình dung và ước mơ, chúng ta đều yêu mến hình ảnh đó. Cũng như Quasimodo “coi nhà thờ là tổ ấm của mình, nhà mình, vũ trụ của mình”, Nhà thờ Đức Bà Paris là một di sản thuộc về chúng ta, thuộc về tất cả. Với tôi, Nhà thờ Đức Bà Paris chính là nước Pháp, nơi tôi từng ước mơ, là nơi tôi đang sống.

Tiểu thuyết cổ điển đầu tiên mà tôi đọc khi còn ngồi trên ghế nhà trường là Nhà thờ Đức Bà Paris và Những người khốn khổ của Victor Hugo. Người truyền cảm hứng cho chúng tôi, sinh viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm I Hà Nội cách đây hơn 25 năm, về tình yêu nước Pháp, về sự say mê với tác phẩm của Victor Hugo là PGS. TS Đặng Anh Đào, nhà nghiên cứu văn học Pháp, một người có tình yêu đặc biệt với nước Pháp. Paris không gian tiểu thuyết do Đại văn hào Victor Hugo phác thảo nên, là hình ảnh Nhà thờ Đức Bà tựa lưng vào dòng sông, là “những hồi chuông ngân vang buổi sáng, những cung bậc rộn ràng trong những buổi hôn lễ, hay lễ rửa tội cho một bé sơ sinh”, là quảng trường rộng với đám đông vây kín (trong Nhà thờ Đức Bà Paris) là hình ảnh những cống ngầm trong cuộc chạy trốn của nhân vật, và những khu vườn tuyệt đẹp của Paris (trong Những người khốn khổ).

Trong thời gian 3 năm từ giữa 2015 đến 2018, tôi có may mắn có một phòng làm việc trên tầng cao của tòa Zamansky, một trong những tòa nhà cao tầng hiện đại hiếm hoi giữa lòng Paris, với cửa sổ hướng ra sông Seine và Nhà thờ Đức Bà. Những lúc mỏi mắt cần rời máy tính, tôi lặng ngắm Paris dưới tầm mắt, nhìn xa ra đồi Montmartre, nhìn sườn tây nam và đỉnh Nhà thờ Đức Bà, nhìn những con tàu chở khách du lịch chạy qua và nhìn người tản bộ đi lại trên cầu Saint-Louis nối từ Nhà thờ Đức Bà sang đảo Saint-Louis. Tôi đã ngắm Paris và nhà thờ từ trên cao, hằng ngày như thế, những ngày đẹp lúc trời quang đãng, những ngày mưa gió âm u buồn bã, những buổi chiều sau cơn mưa cầu vồng bảy sắc vồng qua đỉnh tháp chuông, những đêm ở lại muộn ngắm ánh đèn đêm lấp lánh từ phía đảo Saint-Louis, và những ngày lũ lớn nước sông Seine dâng cao đến tận bờ, tàu thuyền không thể qua lại.

Trong ba năm chúng tôi dời phòng làm việc nhiều lần, nhưng như một điều kiện, phòng làm việc của tôi vẫn luôn được giữ nguyên không thay đổi, mọi người đều biết rằng tôi yêu quý và gắn bó căn phòng đó đến thế nào. Ngày chuyển công tác sang trường Đại học khác, phải xa rời phòng làm việc với khung cửa kính rộng nhìn ra sông Seine là điều khiến tôi tiếc nuối nhất. Tôi sẽ được ngắm Paris từ một góc nhìn khác nhưng tôi sẽ không còn được nhìn thấy sông Seine và Nhà thờ Đức Bà hằng ngày như trước.

Trưa hôm sau ngày xảy ra hoả hoạn, tôi trở lại nơi làm việc cũ. Một đồng nghiệp dẫn tôi tới một phòng ở tầng khác nhìn ra Nhà thờ. Đó là vị trí nhìn ra hướng công trình kiến trúc Gothic bị hư hại nhiều nhất. Không còn những mái vòm màu ghi, không còn tháp cao hình mũi tên. Trơ trụi và mất mát. Đêm hôm trước những người đang có mặt xung quanh khu vực đảo Cité và những người đang theo dõi truyền hình đều mang nặng trong lòng một cảm giác bất lực thực sự, bất lực trước ngọn lửa mênh mông khi chứng kiến tháp mũi tên cao 96m với 500 tấn gỗ và 250 tấn chì đổ sập trước mắt, rồi toàn bộ khung gỗ cũng không chịu đựng được lâu, cũng đổ sập nhanh chóng ngay sau đó.

Cả thế giới đang chung tay, cả về tài chính, nhân lực, năng lực, trí tuệ, tài nguyên, để khôi phục hoặc xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris. Người Pháp sẽ làm được, tôi tin vào khả năng này của họ. Pháp cũng là nơi hiếm hoi còn cố gắng duy trì những ngành đào tạo cao cấp về bảo tồn và phục chế di sản. Sự kiện đau lòng hôm nay đã ghi vào lịch sử. Một ngày sau đứng trước một Nhà thờ Đức Bà uy nghi, tráng lệ, cổ kính bên dòng sông Seine thơ mộng mà tên gọi đã tồn tại trên dưới nghìn năm tuổi, chúng ta sẽ kể tiếp với con cháu mình: “Vào một ngày giữa tháng Tư năm 2019, một trận hỏa hoạn đã xảy ra...”. 

  Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lời cam kết sẽ phục hồi lại Nhà thờ Đức Bà “thậm chí còn đẹp hơn” trong thời gian 5 năm. Theo hãng thông tấn AFP, tuyên bố của Tổng thống Macron được đưa ra nhanh chóng, trong thời điểm mà hàng loạt chuyên gia cho biết công cuộc phục hồi có thể sẽ mất hàng thập kỷ cho thấy khả năng của Pháp trong việc huy động và đoàn kết. Thông báo của Tổng thống về khoảng thời gian tiến hành phục hồi cho thấy nỗ lực tái thiết hoàn toàn Nhà thờ Đức Bà vào thời điểm Paris đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic vào năm 2024. “Chúng tôi sẽ xây dựng lại nhà thờ đẹp hơn nữa và tôi muốn nó được hoàn thành trong vòng 5 năm. Chúng ta có thể làm được điều này”, Tổng thống Pháp cương quyết khẳng định trong bài phát biểu từ dinh Tổng thống của mình. T.LINH

 

 SÔNG HƯƠNG (Paris, Pháp)

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top