Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cẩn trọng, nhưng hãy lên tiếng

Thứ Sáu 19/04/2019 | 09:42 GMT+7

VHO- Hàng loạt những vụ việc xâm hại, quấy rối tình dục đối với trẻ em và cả phụ nữ gần đây đã khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ là lý do mà Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức cuộc tọa đàm Im lặng hay lên tiếng.

 Các khách mời tham gia buổi Tọa đàm

Nếu bạn là người trong cuộc, có con cái không may trở thành nạn nhân của việc xâm hại tình dục, bạn sẽ làm gì? Trước câu hỏi đặt ra này, nhà báo Phạm Gia Hiền, người đã từng gây ấn tượng với khán giả cả nước qua “Tiêu điểm” - chương trình bình luận các vấn đề xã hội của VTV1 cho rằng, phụ huynh cần lên tiếng, nhưng phải vô cùng cẩn trọng: “Trong thời gian qua, trong xã hội ai cũng quan tâm tới những vụ việc xâm hại tình dục. Theo tôi đây là một niềm đau mà toàn xã hội phải chịu sự tổn thương. Ý kiến im lặng xuất hiện sau vụ tấn công tình dục diễn ra trong thang máy, trong bối cảnh dư luận vẫn sôi sục vì chưa có xử lý thỏa đáng, cá nhân tôi cho rằng đó là một ý kiến rất thẳng thắn, tôi khẳng định rằng người mẹ ấy rất yêu con mới có thể đưa ra được quan điểm đó. Có lẽ cô ấy muốn dư luận có một cái nhìn tỉnh táo và nhiều chiều hơn đối với câu chuyện như vậy. Các ông bố, bà mẹ phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn hướng giải quyết khi con mình là nạn nhân của việc xâm hại tình dục”. Nhà báo Phạm Gia Hiền cho biết nếu là anh, anh sẽ không im lặng, nhưng cuộc đấu tranh phải diễn ra theo nhiều cách để bảo vệ con của mình. Đấu tranh ngay cả khi điều xấu nhất chưa xảy ra đối với mình, cần phải đặt tương lai của cháu bé lên đầu tiên.

Là một người mẹ có con gái, nhà thơ Lữ Mai lưu ý tới việc cha mẹ thường nhanh chóng “hài lòng” với câu trả lời của con trẻ khi có những sự việc bất thường xảy ra với trẻ mà ít khi tìm hiểu, đào sâu để hiểu được chân tướng vấn đề. “Người lớn cần phải để ý tới những chi tiết nhỏ nhất, lời nói vu vơ nhất của con trẻ để nhận biết được cạm bẫy, nguy cơ hay những xâm hại mà trẻ đã trải qua. Tôi cho rằng ở một xã hội phức tạp như hiện tại, quan điểm im lặng là có thể hiểu được, nhưng với tôi, tôi vẫn chọn lên tiếng. Cách nào để lên tiếng mới là điều quan trọng. Chúng ta cần phải tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện”, nhà thơ Lữ Mai nhận định.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA, kể lại một câu chuyện về bà mẹ đã theo đuổi vụ việc có con gái 8 tuổi bị bạn của bố xâm hại tình dục, ngay khi cháu bé bị xâm hại tình dục, đã có đơn giám hộ của mẹ và lời khai chi tiết của cháu bé. Vậy mà đã 3 năm trôi qua, kẻ gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, dù cho cơ quan điều tra đã nhiều lần lật lại vụ án. Bà Vân Anh cho rằng: “Nếu các vụ việc cứ tiếp tục xử lý như vậy, cứ chìm vào quên lãng thì sự nguy hiểm là không ai muốn nhắc lại những quá khứ đau buồn nữa. Chúng ta cần phải khích lệ, tạo ra những điều kiện để cái sự “nói ra” đó được dễ dàng hơn cho các nạn nhân”.

Cũng phải kể tới có rất nhiều ông bố, bà mẹ đã im lặng, giấu nhẹm những câu chuyện xâm hại tình dục của con mình, thậm chí thỏa hiệp với những kẻ gây ra những hành vi xâm hại để được tiền bồi thường. Những người này đã không hiểu rằng sự lên tiếng kịp thời của nạn nhân cũng như người chăm sóc, bảo vệ trẻ là rất cần thiết. Nói cách khác, khi nạn nhân và gia đình chọn cách im lặng nghĩa là họ đã bỏ qua cơ hội tố cáo tội ác, cảnh tỉnh xã hội trước vấn nạn ngày một nhức nhối này. Trẻ bị xâm hại tình dục, không chỉ phải chịu những tổn thương nặng nề về thể xác, mà còn phải gánh chịu những bất ổn về tâm lý, khó có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước. Sự im lặng còn khiến trẻ nhận thức lệch lạc về vấn đề trên, thậm chí tự buộc tội bản thân khi chuyện xấu xảy ra, trong khi kẻ phạm tội không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì, có nguy cơ tiếp tục gây án.

Xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, vì vậy mà các cơ quan có trách nhiệm đã và đang lên tiếng để ứng phó với nạn xâm hại tình dục, điều chỉnh luật pháp sao cho phù hợp với thực tế và để công lý được thực hiện, kẻ gây tội ác sẽ bị trừng trị thích đáng. Các chuyên gia cho rằng trong khi chờ các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc, thì các ông bố, bà mẹ, các bậc phụ huynh cần phải lựa chọn con đường nói ra những câu chuyện xâm hại tình dục của người thân. 

 Nếu các vụ việc cứ tiếp tục xử lý như vậy, cứ chìm vào quên lãng thì sự nguy hiểm là không ai muốn nhắc lại những quá khứ đau buồn nữa. Chúng ta cần phải khích lệ, tạo ra những điều kiện để cái sự “nói ra” đó được dễ dàng hơn cho các nạn nhân.

(Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA)

 

 HIỀN LƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top