Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hơn 3.000 người bị bệnh máu khó đông nhưng không biết

Thứ Hai 22/04/2019 | 10:45 GMT+7

VHO- Theo ước tính, ở Việt Nam hiện có hơn 6.200 người mắc Hemophilia (bệnh máu khó đông), trong đó mới có khoảng 50% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị. Điều này khiến nhiều người mắc di chứng nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe rồi mới được phát hiện bệnh.

 Hai mẹ con Chẻo Chiếu Mảy và khớp gối bị biến chứng của Tẩn Láo Lở khiến bé đi lại khó khăn

Vừa trải qua ca phẫu thuật tháo khớp được hai tuần, Hồ Huy Bảo (30 tuổi, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn còn đau đớn trên giường bệnh. Chia sẻ về bệnh tình của mình, Bảo cho biết, từ nhỏ thường xuyên bị đau khớp, đến bệnh viện bác sĩ cho thuốc về uống thì đỡ đau.

Bị bệnh máu khó đông nhưng được chẩn đoán viêm khớp

Đến năm lớp 9, Bảo lại bị chảy máu khớp được bác sĩ phẫu thuật vì cho rằng bị viêm khớp. Mãi đến năm lớp 12 Bảo bị ngã gãy chân phải chuyển ra Bệnh viện Việt Đức Hà Nội để điều trị. Lúc này Bảo mới biết mình mắc bệnh máu khó đông và bắt đầu điều trị. “Thời gian gần đây, đoạn nối xương bị lệch, không tiêu được máu tụ bên trong khiến cho đùi bị sưng to, vỡ ra, chảy máu. Vì thế bác sĩ đã quyết định tháo khớp”, Bảo cho biết.

Cạnh giường của Bảo là một thanh niên cũng mới bị tháo khớp, xung quanh có nhiều bệnh nhân cũng đang phải chiến đấu với những cơn đau vì biến chứng của bệnh máu khó đông. TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, Hemophilia là một bệnh di truyền liên quan đến rối loạn chảy máu, có biểu hiện chảy máu kéo dài, lâu cầm mà nguyên nhân do cơ thể người bệnh thiếu các yếu tố tạo đông máu. Biến chứng của bệnh máu khó đông có thể là teo cơ, chảy máu khớp, nếu chảy máu ở chỗ nguy hiểm như chảy máu não dễ dẫn đến tử vong.

Ngày 17.4 hằng năm được chọn là Ngày Hemophilia thế giới, Liên đoàn Hemophilia thế giới lấy chủ đề của năm 2019 là “Phát hiện và chẩn đoán – Bước đầu tiên để chăm sóc người bệnh” với mục tiêu chủ động phát hiện các thành viên mới trong cộng đồng rối loạn chảy máu. Tại Việt Nam, theo ước tính có trên 6.200 người mắc bệnh máu khó đông, trong số đó mới có khoảng 50% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị.

Là một thành viên của Liên đoàn Hemophilia thế giới, từ năm 2003, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã triển khai chương trình “Lần theo dấu vết” nhằm phát hiện, chẩn đoán bệnh nhân mới và những người mang gen Hemophilia trong cộng đồng. “Từ việc phân tích phả hệ của người bệnh đã được chẩn đoán, dựa trên cơ chế di truyền bệnh, các cán bộ y tế có thể xác định được thành viên nào trong gia đình có khả năng bị bệnh và có khả năng mang gen bệnh. Đến nay, đã có gần 300 người bệnh Hemophilia và hàng trăm phụ nữ mang gen đã được phát hiện thông qua chương trình này”, TS Bạch Quốc Khánh cho biết.

Tiến tới điều trị tại nhà

Cũng theo Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, người bệnh Hemophilia phải chung sống suốt đời với bệnh viện. Nhưng nếu được phát hiện sớm và quản lý tốt, sẽ ngăn ngừa việc chảy máu kéo dài cho bệnh nhân, hạn chế được những di chứng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu việc điều trị sớm tại nhà cho những người bị bệnh. Nếu người bệnh được tiêm yếu tố đông máu trong vòng hai tiếng sau khi chảy máu thì gần như họ không phải đi bệnh viện. Nếu sau hai tiếng sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu không dừng và khi tới bệnh viện, bệnh nhân phải truyền rất nhiều loại thuốc. Đến nay nghiên cứu đã có kết quả và báo cáo Bộ Y tế, đồng thời đề xuất Quỹ BHYT phát thuốc cho bệnh nhân điều trị tại nhà”, ông Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.

Lết bên chân bị đau vì biến chứng của bệnh máu khó đông, Tẩn Láo Lở (13 tuổi, huyện Bát Xát, Lào Cai) nhăn mặt cố gắng theo kịp các bạn cùng bệnh nhưng biến chứng nhẹ hơn. Chị Chẻo Chiếu Mảy (dân tộc Dao, 50 tuổi), mẹ cháu cho biết, hai mẹ con đã mất 9 giờ để đi từ Lào Cai tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Nhà nghèo, nhưng cả người em trai Tẩn Láo Tả (12 tuổi) cũng mắc chứng bệnh như vậy khiến hai vợ chồng chị quanh năm đưa hai anh em đi bệnh viện. Thu nhập của gia đình chỉ có được từ 3 kg giống lúa và 3 kg giống ngô, vì thế mỗi lần đưa con đi chữa bệnh, gia đình chị lại được Bệnh viện kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ.

Hai anh em Tẩn Láo Lở là hai trong 60 bệnh nhân tại Hà Nội và một số tỉnh, thành trong chương trình nghiên cứu điều trị sớm chảy máu tại nhà, được quản lý tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Kết quả cho thấy, đây là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả giúp bệnh nhân được điều trị sớm và giảm chi phí, giảm sự phụ thuộc.

Theo giải thích của TS Bạch Quốc Khánh, ở các nước khác, bố mẹ có thể tiêm cho con, nhưng vì đây là thuốc tiêm tĩnh mạch do đó ở Việt Nam quy định: Những người có chứng chỉ hành nghề mới được tiêm, truyền. Vì vậy, người bệnh mang thuốc về nhà cần có mạng lưới y tế cơ sở, hoặc cơ sở y tế tư nhân được đào tạo thực hiện việc tiêm thuốc, nếu không phải được quản lý tại Viện. “Trong nghiên cứu, khi bệnh nhân tìm được người có chuyên môn để hỗ trợ việc tiêm truyền, Viện sẽ mời họ tới để tập huấn về cách tiêm truyền, cách bảo quản và thậm chí hướng dẫn cách chăm sóc khi bệnh nhân bị chảy máu sớm. Việc điều trị sớm giúp chi phí điều trị chỉ khoảng mấy chục triệu/năm. Còn với trường hợp từ lúc chảy máu tới khi đến được bệnh viện mất gần nửa ngày, khiến một số bệnh nhân bị chảy máu não, chảy máu tủy sống, chi phí điều trị lên tới 3- 4 tỷ/đợt”, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nói. 

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top