Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Đánh thức”​​​​​​​ thư viện trường học

Thứ Tư 15/07/2020 | 09:49 GMT+7

VHO- Hội thi “Thư viện Năng động - Sáng tạo” năm học 2019-2020 do Thành đoàn phối hợp cùng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT và Cty CP Truyền thông Yeah1 tổ chức, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phối hợp triển khai thực hiện, đã tổng kết và trao giải cuối tuần qua sau gần 8 tháng triển khai (từ tháng 10.2019 đến tháng 5.2020).

Không gian Thư viện Trường THPT Bình Phú sau khi được chỉnh trang

 Hội thi đã mang lại hiệu quả tích cực với 115 thư viện trường học tham gia, so với trước đây, các thư viện trường học đã được “thay áo mới”, tạo không gian học tập sáng tạo, nâng cao vai trò của thư viện trong việc tạo cảm hứng cho học sinh tìm tòi, học hỏi, tăng khả năng tư duy sáng tạo thông qua việc đọc sách.

“Thay áo mới” hàng loạt thư viện trường học

Theo BTC, khi tham gia Hội thi, các trường học chụp ảnh hoặc ghi hình không gian thư viện trường trước và sau khi chỉnh trang. Bài dự thi được chấm điểm bởi Ban giám khảo và cộng đồng mạng xã hội. Theo ghi nhận, tại các trường có tổ chức hoạt động chỉnh trang thư viện, rất nhiều trường chọn giải pháp sửa chữa, sắp xếp lại theo các tiêu chí mà kiến trúc sư của Hội thi đã tư vấn, hướng dẫn: Ưu tiên công năng sử dụng; sắp xếp, bố trí không gian phù hợp, thuận tiện cho học sinh tương tác; sự tham gia của học sinh, thầy cô trong nhà trường xây dựng không gian gần gũi, thân thiện; tăng cường mảng xanh, sử dụng các vật dụng thân thiện, tái chế các vật liệu đã qua sử dụng để trang trí, vừa tạo không gian mới mẻ, vừa tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các trường còn xây dựng các nội dung hoạt động thường xuyên ở thư viện như sinh hoạt đội nhóm học tập theo bộ môn, CLB Sách, triển lãm, giới thiệu sách mới, sách hay cho học sinh,…

Thủ thư Phạm Thị Ngọc, Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh chia sẻ, Đa Phước là một xã vùng ven, diện tích phòng thư viện rất rộng nhưng cách bài trí quá đơn sơ không đủ sức thu hút học sinh. “Tôi bắt tay vào việc thay đổi nó, trước tiên là thay đổi lối đi vào thư viện bằng tấm bảng đen nhỏ, như là cầu nối truyền tải những thông điệp của thư viện ra bên ngoài, được trang trí hoa văn và dòng tiêu đề “Trò chuyện cùng sách”, nhờ vậy lôi cuốn được sự tò mò của học sinh tìm đến thư viện”, cô Ngọc cho biết và thông tin thêm, sự thay đổi tiếp theo chính là không gian, cách sắp xếp bàn ghế. Diện tích khu đọc là 120m2, bàn đọc tập thể được bố trí xếp gần với nhau cho các bạn tiện trao đổi và chia sẻ thông tin. Khu đọc tập thể được xếp theo hình vuông nhằm mục đích phục vụ cho các tiết học trên thư viện có sự hướng dẫn của giáo viên. Khu bàn đọc cá nhân được hướng ra cửa sổ, tạo không gian mở cho người đọc, có thể vừa đọc sách, vừa quan sát được các hoạt động dưới sân trường. Ngoài những thay đổi về hình thức như sơn sửa, trang trí, thư viện cũng đã bổ sung thêm hàng trăm đầu sách mới phục vụ công tác dạy và học.

Tương tự, thư viện Trường THCS-THPT Hoa Sen trước kia là một phòng đọc nhỏ, kệ sách, bàn đọc bố trí chưa hợp lý và không có tính thẩm mỹ. “Đã từ rất lâu, tôi mong muốn được thay đổi hình dạng các kệ sách từ thô cứng trở nên sắc màu, hấp dẫn và thoáng đãng hơn nhằm thu hút học sinh. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh phí khó khăn nên không cho phép chúng tôi thực hiện điều đó. Sau khi đến với hội thi, chúng tôi mới có điều kiện để thay đổi. Từ những kệ sách ban đầu, chúng tôi sơn màu, vẽ lên đó các bức tranh, gia cố lại các kệ sách bị gãy và biến chúng trở thành ghế ngồi cho học sinh. Không gian thư viện đã được khoác tấm áo mới tươi tắn rực rỡ. Đặc biệt hơn, chúng tôi mạnh dạn phá vỡ hệ thống các bàn đọc cũ kỹ thành các bàn đa giác, các bàn tròn nhỏ, thảm và nệm bệt để học sinh có thể lựa chọn cho mình chỗ ngồi thoải mái nhất”, đại diện thư viện nhà trường cho hay và nói thêm, điều kiện kinh tế không cho phép mua mới hoàn toàn, do vậy việc tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có, nguyên vật liệu tái chế là điều cần thiết. Những chiếc lốp ôtô, bàn ghế, khung sắt cũ đã được tận dụng để trở thành những bàn đọc độc đáo cho học sinh. Giờ đây thư viện đã trở thành địa điểm lý tưởng, mỗi ngày đón trên 400 lượt học sinh đến đọc sách và trao đổi, giao lưu...

Cán bộ thư viện Lê Công Thành thì bày tỏ, đến với Hội thi “Thư viện Năng động - Sáng tạo”, cùng với thư viện các trường THPT trong TP, thư viện Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) có dịp để nhìn lại mình, để được chỉnh trang, trang trí đẹp hơn, tiện ích hơn với ý tưởng, thông điệp, tạo sự gắn kết, kích thích học sinh đến thư viện ngày càng nhiều, từ đó hình thành thói quen đọc sách cho các em, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ việc biết sử dụng vật liệu tái chế làm đồ trang trí...

Mục đích “đánh thức” đã thành công

Trải qua các vòng thi, Hội thi đã xét chọn và trao tặng 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba, 5 giải khuyến khích và 1 giải dành cho thư viện trường được bình chọn yêu thích nhất. Tất cả các trường đoạt giải trong Hội thi đều được trao tặng 1 tủ sách trị giá từ 10- 30 triệu đồng. Theo đó, giải Nhất được trao cho Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh); giải Nhì đã thuộc về Trường THCS-THPT Hoa Sen (quận 9); giải Ba đã thuộc về Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi); giải thưởng được yêu thích nhất được trao cho Trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi). 40 trường đầu tiên đăng ký tham gia đã được hỗ trợ kinh phí 3 triệu đồng/ trường để chỉnh trang thư viện và Hội thi cũng trao tặng kinh phí 55 triệu đồng cho thư viện đặc biệt khó khăn của Trường THPT Bình Phú (quận 6).

Theo bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, Phó Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Yeah1: “Chúng mong muốn sẽ đạt được mục tiêu mỗi thư viện trường học ở TP.HCM sau khi được chỉnh trang sẽ tạo ra “sức sống mới” cho thư viện, để thư viện là địa điểm, là không gian sáng tạo và sinh hoạt thường xuyên ở trường, thu hút các em học sinh. Đồng thời, giúp các em chủ động hội nhập, chủ động tiếp cận với nguồn tri thức dồi dào từ thư viện trường. Đến nay, Hội thi đã thành công hơn cả mong đợi của BTC”.

Phát biểu đánh giá về Hội thi, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT bày tỏ, là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Kết quả tốt nhất của chương trình tới thời điểm này đã tạo nên một làn sóng lan truyền về thư viện năng động - sáng tạo, khơi dậy và bồi đắp tình yêu đối với sách trong giáo viên và học sinh. Các thư viện tham gia chương trình đều đã có diện mạo mới năng động hơn. “Có thể nói mục đích “đánh thức” thư viện của chương trình đã thành công, việc làm tiếp theo là giúp thư viện phát huy toàn bộ giá trị tri thức mà mỗi cuốn sách mang đến cho người học”, ông Nguyễn Văn Tạo nhấn mạnh. 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top