Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cuộc đấu tranh sinh tồn trên “trận tuyến đặc biệt”

Thứ Tư 15/07/2020 | 10:29 GMT+7

VHO-  Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020), BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo tổ chức trưng bày chuyên đề Lời tri ân sẽ khai mạc ngày 17.7 tại Di tích Quốc gia Côn Đảo.

Trưng bày được chia thành hai nội dung chính: Trọn một lời thề Lời tri ân. Trọn một lời thề là những câu chuyện trên một “trận tuyến đặc biệt”, ngục tù của thực dân, đế quốc. Giữa nơi ngục lửa, những người con trung hiếu của dân tộc kiên tâm, bền chí trước những trận đòn tra tấn thấu xương hay khi cận kề cái chết. Nhiều tấm gương kiên trung trong ngục tù thực dân, đế quốc đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thông qua nội dung trưng bày, khách tham quan được hiểu về hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc; về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã kiên cường vượt qua. Đó là một Hỏa Lò, địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội, nơi cuộc sống của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng là một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại chế độ lao tù hà khắc. Một Sơn La, nơi rừng thiêng nước độc, với những căn phòng tối bằng gạch và đá kiên cố, đặc biệt hệ thống xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3 mét. Một Khám Lớn Sài Gòn, vùng đất dữ với các khu biệt giam, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân. Đây là khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh, một trong những “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ. Một Côn Đảo ác liệt, “là địa ngục trần gian” cách xa đất liền, nơi những chiến sĩ cộng sản phải đương đầu với bộ máy khủng bố tinh vi và tàn bạo; nơi tù nhân bị bỏ đói, bỏ khát trong các chuồng cọp. Hiếm có nơi nào mà mạng sống của con người bị coi rẻ đến như vậy; cũng hiếm có nơi nào, sự sống của tù nhân lại được duy trì kiên cường đến thế…

Tất cả những “địa ngục trần gian” này chính là một “chiến trường đặc biệt” dù không có tiếng súng rền vang, nhưng đã cướp đi một phần thân thể và sinh mạng của biết bao người con ưu tú của dân tộc từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước. Những câu nói, những lời nhắn đầy tâm huyết của các chiến sĩ cách mạng trước khi ra pháp trường được thể hiện nổi bật tại trưng bày. Một phần diện tích của trưng bày thể hiện khát khao tự do cháy bỏng của mỗi chiến sĩ cách mạng khi bị bắt, giam trong các “địa ngục trần gian” là tận dụng mọi thời cơ để tổ chức vượt ngục. Biết bao thử thách hiểm nghèo họ phải đối mặt: Bị truy lùng, bắt giam trở lại; phải chịu những trận đòn tra tấn đến chết đi sống lại; bị giông bão, sóng biển nhấn chìm, hoặc làm mồi cho thú dữ nơi rừng sâu nước độc..., nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục tập thể.

Phần nội dung trưng bày Lời tri ân kể những câu chuyện thời hậu chiến vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay. Nhiều chiến sĩ may mắn được trở về trong vòng tay của gia đình, của đồng đội, nhưng cũng có những người đã mãi mãi ra đi, thân thể họ đã hòa trong đất mẹ. Ở tổ hợp này, người xem trầm lắng lại những xúc cảm khi đứng trước hình ảnh bạt ngàn những ngôi mộ không tên, không tuổi ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ… Đó sẽ mãi mãi là những chứng tích lịch sử không thể lãng quên của một thời Hoa - Lửa. Những nghĩa trang ấy còn là nơi yên nghỉ của hàng triệu người lính năm xưa hừng hực khí thế lên đường chiến đấu, giờ quây quần bên nhau mộ thẳng một hàng.

BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề Lời tri ân sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, về những hi sinh lớn lao của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: Hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng thanh xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước; để thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực hơn, nhiệt huyết hơn trong công cuộc dựng xây đất nước.

BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top