Thấy gì qua những vụ trẻ vị thành niên mất tích đột ngột khỏi gia đình?

VHO- Thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông, chúng ta lại nghe nói đâu đó có những vụ trẻ em nằm trong độ tuổi vị thành niên đột nhiên vắng mặt tại gia đình mà không thấy về, đặc biệt là trẻ em nữ. Những vụ việc này có thể xuất phát từ lý do bị bạn bè rủ rê lôi kéo và cũng có thể do giận nhà mà bỏ đi.

Ngày 19.2, gia đình ông Nguyễn Văn Lệ trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết đã nhận được thông tin của con gái là cháu N.T.G (SN 2007) rời nhà từ mùng 1 Tết Nguyên đán. Trước đó, vào khoảng 10h sáng mùng 1 Tết, cháu G có xin phép gia đình đi chơi Tết với bạn nhưng tối vẫn chưa thấy về. Gia đình có đi tìm thấy G và đưa về nhà nhưng sau đó cháu G lại tiếp tục bỏ nhà đi. Sau hơn nửa tháng gia đình cùng người thân tự tổ chức tìm kiếm không có tin tức thì đến ngày 17.2, gia đình ông Lệ mới đến công an xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu để nhờ phối hợp giúp đỡ.

Cũng theo ông Lệ sau khi thông tin tìm kiếm G được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi thì G đã tự liên lạc về nhà và cho biết mình không bị cắt tóc và hiện đang ở Hà Nội do được một người quen rủ đi làm thợ phụ cắt tóc. Không có được may mắn như gia đình ông Lệ khi vẫn liên lạc được với con, gia đình ông Nguyễn Công Đoàn tại huyện Tây Sơn, Bình Định vô cùng bàng hoàng và đau xót khi nhận được tin báo con trai mình là Nguyễn Văn Nghĩa đã tử vong sau khi trên đường vào thành phố Hồ Chí Minh nhập học. Theo đại diện công an thành phố Hồ Chí Minh, qua kết quả điều tra cho thấy sau khi vào đến bến xe miền Đông, nam sinh Nghĩa đã không liên lạc với chị họ mình ra đón như đã hẹn mà tự ý thuê xe ôm đến một vài địa điểm trong thành phố rồi sau đó tự nhét một cục đá xi măng khoảng 10 kg vào ba lo và nhảy xuống sông Sài Gòn địa phận quận Bình Thạnh để tự vẫn. Hiện nguyên nhân nam sinh Nghĩa tự vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Nói về hai câu chuyện buồn lòng trên, thạc sỹ Lê Thị Lan, giảng viên khoa Xã hội học- Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn cho hay: Ở tuổi dậy thì khi cơ thể phát triển, tâm sinh lý thay đổi nên tự bản thân mỗi trẻ vị thành niên đều có cảm nhận về sự trưởng thành và có cảm giác mình là người lớn. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này nhận thức cũng cao hơn, đó là những nhận thức về cuộc sống, bạn bè, ý thức về cái tôi cũng như quyền riêng tư với những nhu cầu độc lập của bản thân. Chính vì những thay đổi trong suy nghĩ đó nên thường trẻ vị thành niên luôn có suy nghĩ cần thoát khỏi sự kiểm soát của các bậc làm cha làm mẹ, thoát khỏi những khuôn mẫu, áp đặt từ nhỏ của gia đình. Trẻ vị thành niên thường cho rằng mình đủ lớn khôn để tự quyết định những sinh hoạt riêng tư của cá nhân trong cuộc sống hiện đại này. Bản thân người viết cũng đã trải qua giai đoạn đó và cũng có những thời điểm vào những thời điểm cuối năm học cấp ba cũng cho mình quyền độc lập trong mọi suy nghĩ, luôn khẳng định mình đã “ lớn”, tự biết bản thân làm gì đúng, làm gì sai nên bố mẹ không phải lo. Tuy nhiên với bậc làm cha làm mẹ nào thì con cái còn bé, ngây thơ nên cha mẹ cần kiểm soát các hoạt động và con cái cần tuân theo tất cả các quy định của mình. Chính vì muốn duy trì con cái phụ thuộc vào mình trong các hoạt động hàng ngày nên cha mẹ luôn cho rằng những sự đòi hỏi của con cái về sự độc lập, quyền riêng tư là không phù hợp, vượt qua những giới hạn cho phép. Và tự sự khác biệt về nhận thức, quan niệm, suy nghĩ và cách sinh hoạt giữa cha mẹ cùng con cái đã tạo nên những xung đột về tâm lý giữa các bậc phụ huynh và con cái.

Thấy gì qua những vụ trẻ vị thành niên mất tích đột ngột khỏi gia đình? - Anh 1

Một tin đăng tìm trẻ vị thành niên trên trang mạng xã hội

Theo cựu giáo viên giáo dục công dân Trường THPT Phan Đình Phùng, cô Tống Minh Thu, muốn tháo gỡ những xung đột trên thì cha mẹ chính là người cần chủ động trong vấn đề này. Cha mẹ cần bớt quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của con, tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định trong một số vấn đề trong cuộc sống. Điều đó để trẻ thấy rằng mình cũng nhận được sự tôn trọng từ phía cha mẹ. Tuy nhiên tôn trọng không phải là bất chấp đồng ý những yêu cầu dù rất phi lý từ con cái và cũng không phải để con “ tự bươn” trong  những quyết định quan trọng về nghề nghiệp, sở thích cũng như cách sống. Chính từ nhận được sự tôn trọng của bố mẹ, con cái sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân. Cùng với đó cha mẹ cần duy trì những nề nếp cũ của gia đình như “ đi hỏi, về chào”, xin phép thì phải nhận được sự đồng ý mới làm nhưng cũng không nên bảo thủ áp đặt đối với con em mình bằng những điều lỗi thời, biết cách hòa nhập vào cuộc sống hiện hại, tiếp thu và điều chỉnh theo sự đổi mới của cuộc sống.

Cũng theo cô Minh Thu, điều quan trọng nữa là cha mẹ luôn cần giành thời gian tìm hiểu, tâm sự với các con  để nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, sở thích và nhu cầu. Ngoài việc tôn trọng và đáp ứng những nhu cầu hợp lý của các con, cha mẹ cũng cần kiên quyết ngăn chặn những suy nghĩ, hành động tiêu cực, những cám dỗ ngoài xã hội mà con mình có thể mắc phải. Từ đó giúp con mình tháo gỡ những băn khoăn, lo lắng, những khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn này. Việc tìm ra tiếng nói chung phù hợp giữa các thế hệ trong gia đình sẽ khiến con mình vững vàng tâm lý trong lứa tuổi vị thành niên và không bị đi lệch đường ray cuộc sống.

                                                                                            THANH BẢO

Ý kiến bạn đọc