EU tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động

VHO- Nỗ lực phục hồi các hoạt động sản xuất, dịch vụ của nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang “gặp khó”, bởi thực trạng thiếu hụt lao động trầm trọng diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực, ngành nghề.

EU tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động - Anh 1

 EU nỗ lực cải thiện nguồn cung ứng lao động để phục hồi kinh tế Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Từ nhiều năm nay, các nước EU đã “đau đầu” với bài toán thiếu nhân lực để mở rộng phát triển kinh tế. Tình trạng nhiều lao động nước ngoài về nước để tránh dịch Covid-19 càng khiến “cơn khát” nhân sự tại EU thêm trầm trọng. Theo bà Ylva Johansson, ủy viên Nội vụ EU, khối này đang thiếu từ chuyên gia công nghệ thông tin, bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ, y tá cho tới đầu bếp, thợ ống nước, tài xế xe tải, thợ hàn... Hiện có hơn 1/5 công ty công nghiệp và dịch vụ trong khối, khoảng 1/2 số công ty xây dựng của Thụy Điển và Ba Lan, 1/3 công ty xây dựng của Đức và Litva phải hạn chế sản xuất vì không đủ công nhân có tay nghề. Nhất là tại các nước ít dân như Đan Mạch thì mức độ thiếu hụt nguồn cung lao động để đáp ứng nhu cầu tái thiết các hoạt động kinh tế - xã hội càng nặng nề.

Theo thống kê đầu năm 2022, tỉ lệ thất nghiệp trung bình tại 27 quốc gia trong EU chỉ còn 6,4%, mức thấp nhất kể từ 25 năm trở lại đây. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp tại Ba Lan chỉ là 2,9% và tại Cộng hòa Czech là 2,1%. Nhờ có vắc xin ngừa Covid-19 hỗ trợ đắc lực công tác kiểm soát dịch bệnh, kinh tế các nước trong khối đã được phục hồi tích cực trong năm 2021, với mức tăng trưởng kinh tế toàn EU đạt 5,2%. Chính điều này cũng đã thúc đẩy nhu cầu lao động tại EU gia tăng đáng kể, với 2,2 triệu việc làm được tạo ra chỉ riêng trong năm ngoái. Thống kê cho thấy, trong khối có khoảng 17 triệu công dân sang làm việc tại một nước thành viên khác, cao gấp đôi cách đây một thập niên. Tuy nhiên, vì dân số cả khối không tăng nên khi nơi này đủ thì nơi khác lại thiếu. Ông Christian Duerr, thành viên quốc hội Đức cho biết: “Việc thiếu hụt lao động có tay nghề đã trở nên trầm trọng, có thể làm chậm sự tăng trưởng kinh tế”.

Để cải thiện nguồn cung ứng lao động, từ tháng 6.2021, Ủy ban châu Âu khởi động sáng kiến “Đối tác nhân tài”, trong khuôn khổ hiệp ước mới về di cư và tị nạn, nhằm thu hút lao động từ các nước đang phát triển. Nghị viện EU cũng đề xuất Ủy ban châu Âu lên kế hoạch tiếp nhận những người có kỹ năng thấp và trung bình để giảm tình trạng lao động bất hợp pháp, cũng như đảm bảo cho lực lượng này những quyền lợi chính đáng về tiền lương, điều kiện và giờ làm việc. Dự kiến trong năm nay, EU sẽ áp dụng bộ quy định mới về lao động nhập cư, để phát triển các kênh nhập khẩu lao động hợp pháp, ngăn chặn vấn nạn tuyển dụng gian dối, lừa đảo và nạn bóc lột người lao động. Đồng thời, giới chức EU cũng đề nghị các nước tạo điều kiện dễ dàng cho công dân mang quốc tịch nước ngoài sinh sống tại đây tham gia thị trường lao động, đặc biệt là những người có tay nghề cao.

Trong khi đó, nhiều nước EU cũng đang cố gắng tìm giải pháp để thu hút lao động. Tại Đan Mạch đã áp dụng một số sáng kiến nhằm khuyến khích những người nhàn rỗi đi làm việc, như tăng giới hạn mức lương phải chịu thuế thu nhập cá nhân, đẩy mạnh công tác dạy nghề cho thanh niên... Các doanh nghiệp tại EU cũng phải tăng lương để giữ chân người lao động. Ở Ba Lan, lương đã tăng với tốc độ kỷ lục, tính trung bình tăng 11,2% trong năm 2021. Chuyên gia của một ngân hàng Ba Lan cho hay: “Tiền lương tăng 11,2% là vượt xa kỳ vọng của chúng tôi và của thị trường. Lương đang tăng nhanh hơn nhiều so với lạm phát”. Trong khi đó, lương tối thiểu tại Rumani vào năm 2021 là 2.300 Lei (khoảng 12 triệu đồng), nhưng trên thực tế, để giữ được người lao động, các doanh nghiệp Rumani thường trả cao gấp rưỡi con số đó.

Hiện nhập khẩu lao động đang được xem là giải pháp tối ưu mà các nước EU tính đến, để thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế. Lãnh đạo EU đã đề nghị các nước, tạo điều kiện dễ dàng cho công dân mang quốc tịch nước ngoài sinh sống tại đây tham gia thị trường lao động, đặc biệt là những người có tay nghề cao. 

 HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc