Chuyện đi - ở của Quang Hải và sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam

VHO- Tại Vòng 4 V.League vào cuối tuần qua, Quang Hải đã không ra sân trong trận đấu đầu tiên của CLB Hà Nội ở mùa giải năm nay. Lý do được đưa ra là “ngôi sao” sáng nhất hiện nay của bóng đá Việt Nam bị tái phát chấn thương.

Chuyện đi - ở của Quang Hải và sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam - Anh 1

Tương  lai của Quang Hải đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn bóng đá Ảnh: VPF

Nhưng sự vắng mặt của Quang Hải đã làm dấy lên nghi ngờ về quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng của CLB Hà Nội với anh chưa thành công. Tương lai của cầu thủ số 1 Việt Nam hiện nay đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn bóng đá.

Quang Hải có thể đến miền đất mới?

Theo hợp đồng đã ký giữa CLB Hà Nội và Quang Hải, đến tháng 4 này, cầu thủ tài hoa đất Đông Anh (Hà Nội) sẽ hết hạn hợp đồng. Nhiều nguồn tin đã đồn đoán, Quang Hải “ra giá” với bầu Hiển mức lương 400 triệu đồng/tháng cùng khoản phí lót tay 5 tỉ đồng. Trao đổi với Văn Hóa, một đại diện CLB bóng đá Hà Nội cho biết: “Chúng tôi không biết thông tin này ở đâu ra. Đây đang là những ngày cuối trong hợp đồng của Quang Hải với CLB, trong khi đó thời gian qua, do đại dịch Covid-19 nên CLB Hà Nội đã không thể ra sân. Và trận đấu tại vòng đấu thứ 4 V.League cuối tuần qua mới là trận đấu đầu tiên của CLB ở mùa giải này, vì thế rất có thể những thông tin gây nhiễu này nhằm làm xáo động nội bộ đội”. Đại diện CLB Hà Nội cũng cho biết, cho tới thời điểm này, quá trình đàm phán giữa hai bên vẫn chưa xong.

Là cầu thủ chủ chốt, có khả năng dẫn dắt lối chơi, tạo đột biến của CLB Hà Nội và luôn tỏa sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia, Quang Hải là cầu thủ mà mọi CLB đều “mơ”. Khi Hải hết hạn hợp đồng vào tháng tới, nếu CLB khác có đủ tiềm lực tài chính, thuyết phục được Quang Hải, họ sẽ không phải trả phí chuyển nhượng cho CLB Hà Nội mà vẫn có được “ngôi sao” này, giống như trường hợp trước đó của Đình Trọng. Có ý kiến cho rằng, việc Đình Trọng hay sắp tới là Quang Hải ra đi để đến với các đội bóng có chế độ tốt hơn là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, người trong cuộc lại than rằng, để có một Đình Trọng hay Quang Hải như ngày hôm nay, CLB Hà Nội đã phải mất nhiều công sức, tiền của trong khoảng 10 năm đào tạo, chữa trị chấn thương. Như trường hợp Đình Trọng phải sang Singaprore chữa trị chấn thương, toàn bộ kinh phí một tay bầu Hiển phải lo liệu.

Và chuyện ở CLB bóng đá Hà Nội cũng chính là nỗi niềm ở nhiều CLB khác khi mất công đào tạo ra lứa cầu thủ tài năng nhưng sau khi họ bước lên đỉnh cao, mới cống hiến được vài năm thì đã phải trắng tay nhìn họ đến với các CLB khác. Để tránh thiệt thòi cho các đội bóng đã mất công đào tạo, VFF đã ban hành Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, trong đó lần sửa đổi, bổ sung mới nhất vào năm 2021 đã quy định rõ, với các cầu thủ dưới 25 tuổi thì CLB mới phải bồi thường cho CLB, đội bóng đã đào tạo cầu thủ trước khi kết thúc sinh nhật lần thứ 25 của cầu thủ đó. VFF cũng đã có quy định và hướng dẫn cụ thể để các CLB tính được mức bồi hoàn chi phí đào tạo. Tuy nhiên ở Việt Nam, thực tế lại không như vậy…

Cần chuyên nghiệp hơn về chuyển nhượng

Thực tế của bóng đá Việt Nam đã cho thấy, dù Quy chế bóng đá chuyên nghiệp đã quy định rõ nhưng hầu hết các CLB đều đợi đến thời điểm các cầu thủ hết hạn hợp đồng với đội bóng cũ, qua được mốc 25 tuổi để “đi đêm” trước với các cầu thủ về mức lương, thưởng, phí lót tay. Sau đó khi cầu thủ không thoả thuận được với CLB cũ chế độ đãi ngộ, phí lót tay cao hơn CLB mới thì sẽ dứt áo ra đi. Khi đó CLB mới chỉ cần tiến hành ký hợp đồng với cầu thủ, phí bồi hoàn đào tạo thay vì phải trả cho CLB cũ sẽ được trả trực tiếp cho cầu thủ.

Chính vì thế nhiều CLB khi ký hợp đồng đào tạo với cha mẹ hoặc người giám hộ của các cầu thủ nhí, có thể là từ U9 (dưới 9 tuổi) đã “thòng” thêm điều khoản, sau khi hoàn thành hợp đồng đào tạo, cầu thủ phải ở lại CLB thi đấu thêm vài năm mới được tự do chuyển nhượng. Nhiều người cho rằng đó chính là lý do lứa Công Phượng, Xuân Trường của bầu Đức cho tới giờ vẫn chưa thể rời đội bóng phố Núi và họ sẽ phải thi đấu cho đến 28 tuổi mới có thể trở thành cầu thủ tự do. Mới đây phát biểu của bầu Đức trên mặt báo cho thấy những nghi ngờ đó là có cơ sở. Bầu Đức nói, hợp đồng giữa HAGL với các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường cũng sắp hết. Vì thế nếu Công Phượng hay bất cứ ai muốn rời HAGL, ông Đức cũng sẽ gật đầu.

Theo phân tích của Giám đốc điều hành CLB Cần Thơ Lê Minh Dũng, việc các cầu thủ mong muốn tìm được bến đỗ mới có chế độ đãi ngộ cao hơn là điều dễ hiểu. “Người lao động nào cũng mong muốn như vậy. Điều đó cũng công bằng bởi ở các nền bóng đá phát triển, khi cầu thủ được 21 tuổi, họ đã có thể trở thành cầu thủ tự do. Còn ở Việt Nam, sau khi hết 21 tuổi, các cầu thủ thường bị ràng buộc bởi hợp đồng tiếp tục thi đấu, cống hiến thêm vài năm cho đến khi đủ 25 tuổi. Ở nước ngoài, khi chuyển nhượng, CLB mới sẽ trả phí đào tạo cho CLB cũ. Còn ở nước ta, hầu hết các cầu thủ đến với CLB mới khi đã hết hợp đồng đào tạo với CLB cũ. Vì thế phí đào tạo lẽ ra phải trả cho CLB cũ sẽ trở thành phí lót tay của cầu thủ”, ông Lê Minh Dũng phân tích.

Cũng theo Giám đốc điều hành CLB Cần Thơ, theo quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), trước khi hết hợp đồng 6 tháng, cầu thủ có quyền đàm phán với CLB mới. Vì thế các CLB Việt Nam cần phải có quá trình đàm phán với các cầu thủ trước thời hạn nêu trên để tránh rơi vào bị động và tránh mất lợi thế trong quá trình đàm phán, nhất là với những cầu thủ tài năng. “Ở nước ngoài, các CLB thường gia hạn hợp đồng hoặc chuyển nhượng cầu thủ trước khoảng 1 - 2 năm. Nếu quá trình đàm phán thành công, cầu thủ sẽ tiếp tục thi đấu và nếu chuyển nhượng cho CLB khác, đội bóng vẫn được bồi hoàn phí đào tạo. “Tôi nghĩ các CLB Việt Nam cũng nên làm theo cách này, để vừa tránh bị động, vừa thực hiện quy trình một cách bài bản. Chứ hiện nay mỗi CLB thực hiện theo một cách khác nhau sẽ rất khó cho tổng thể chung”, ông Lê Minh Dũng nói.

Bóng đá Việt Nam từng điêu đứng vì giá trị chuyển nhượng cầu thủ bị “thổi phồng”, vượt quá mức của một nền bóng đá còn đang phát triển. Vì thế, để xác định đúng giá trị của các cầu thủ, các đội bóng cần phải chuyên nghiệp hơn trong khâu đào tạo, đàm phán, ký hợp đồng và cả bên đào tạo lẫn bên chuyển nhượng cần thực hiện đúng theo các quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, tránh “đi đêm” với các cầu thủ. 

 VÂN GIANG

Ý kiến bạn đọc