Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phòng, chống bạo lực gia đình là để gia đình thực sự trở thành tổ ấm

Thứ Ba 31/05/2022 | 16:45 GMT+7

VHO - Trong gia đình thì có nhiều yếu tố chi phối, quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình thì có sự giao thoa giữa nhiều Bộ, ngành; việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không đơn giản vì phạm vi điều chỉnh rộng, ai cũng nói được, những thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề đơn giản. Vì vậy, Luật sửa đổi lần này, có cái kế thừa, có cái làm mới, để làm sao khi các quy định pháp luật đi vào cuộc sống thì đạt được mục tiêu của phòng, chống bạo lực gia đình là xây dựng gia đình thực sự trở thành tổ ấm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ

Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ chiều nay 31.5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã rất nghiêm túc, kịp thời có báo cáo giải trình tiếp thu những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, có cả phiên bản Luật hiện hành, phiên bản dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu và phiên bản sau khi đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội để các đại biểu Quốc hội so sánh. 

Cho rằng đây là cách làm rất cầu thị vì trước đây chúng ta cũng hay có tâm lý dự án luật trình Quốc hội lần đầu có thể "thể tất" được, chưa kỹ lưỡng lắm về nội dung, kỹ thuật lập pháp, đến lần trình Quốc hội thông qua mới kỹ lưỡng, nhưng lần này không như vậy. "Có những dự án Luật phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 - 3 lần mới “lọt” được vào danh sách trình Quốc hội. Phải khắt khe như thế, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các chính sách lớn là đã phải được thẩm tra rất kỹ lưỡng. So với bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu với bản trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã đầy đủ và tiến bộ hơn nhiều”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, Bộ luật này ngay từ ban đầu không phải giao cho cơ quan soạn thảo là Bộ VHTTDL mà khởi thảo từ Uỷ ban Xã hội của Quốc hội. Tuy nhiên, sau này, khi nghiên cứu thì Quốc hội mới giao cho Chính phủ và sau đó Chính phủ giao cho Bộ VHTTDL.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ

Bộ trưởng cũng cho rằng, nói về gia đình, thì phạm vi thuộc nhiều Bộ ngành, chứ không chỉ là lĩnh vực quản luý riêng của Bộ VHTTDL. Ví như vấn đề trẻ em lại thuộc Bộ LĐ, TB&XH, về chăm số sức khoẻ, dân số lại của Bộ Y tế, hoặc vấn đề lao động sản xuất, sinh kế lại nằm ở các bộ có tính chất kinh tế. Hơn nữa, phạm vi của Luật này lại rộng, ai cũng có thể nói được.

Về nội dung cụ thể của Luật, Bộ trưởng nêu quan điểm, cần phải làm rõ hơn, khu trú các hình thức bạo lực. Theo Bộ trưởng, bạo lực về kinh tế, về thể xác thì có thể thấy ngay, nhưng bạo lực tinh thần thì không dễ gì nhận ra. Bạo lực về tinh thần, thể hiện ra bên ngoài như thế nào, để lượng hoá cho hết là vấn đề không hề đơn giản. Hay như hành vi bạo lực tình dục, đã diễn ra ở nhiều khu vực, xuất hiện trong các tầng lớp xã hội tại Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng đây là vấn đề tế nhị, thường ít được đề cập đến, nên rất khó nói hết được tất cả những vấn đề cần. Vì khó như vậy, nên cần cân nhắc xem đưa cái gì là chính.

Cơ quan soạn thảo đã bắt đầu Hiến pháp 2013 quy định về quyền con người, cái đó là cái cơ bản nhất. Từ quyền con người được quy định trong Hiến pháp thể hiện ra việc quyền con người được bảo vệ trong  phòng, chống bạo lực gia đình là gì?

Thứ hai là dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng ta về vấn đề xây dựng gia đình, coi gia đình là tế bào của xã hội, là cái gốc, là nơi hình thành nhân cách, là nơi nuôi dưỡng, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức. Và vì vậy, Đảng ta đã có các nghị quyết, các chỉ thị, gần đây nhất là Chỉ thị 34 về xây dựng gia đình.

Phiên thảo luận tại tổ 4 chiều 31.5

Bộ trưởng cũng nêu rõ, Ban soạn thảo đã lựa chọn 18 hành vi được quy vào là hành vi bạo lực gia đình. Bộ trưởng đề nghị: “Quá trình thảo luận, đề nghị các đại biểu căn cứ vào tình hình thực tiễn xem nên thêm, bớt thế nào, có phải là 18 hay 20, 21, thậm chí chỉ 17 hành vi?”.

Bộ trưởng cũng giải thích vấn đề một số đại biểu băn khoăn, đó là việc giao trách nhiệm cho công an xã. “Chúng tôi đã trao đổi rất kỹ với Bộ Công an và Bộ trưởng Tô Lâm rất ủng hộ, vì đây là biện pháp phòng ngừa xã hội của công an. Trong các biện pháp của việc phòng chống tội phạm thì có biện pháp phòng ngừa xã hội chức năng của công an là phòng ngừa xã hội, việc gọi lên để giáo dục, xử lý, đó là phòng ngừa xã hội”, Bộ trưởng cho biết.

Khẳng định nguyên tắc của phòng, chống bạo lực gia đình là phải lấy phòng làm chống, phòng là chính, nếu không phòng được thì phải lấy chống để phòng và mục tiêu của phòng, chống bạo lực gia đình là để gia đình thực sự trở thành tổ ấm.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhận định: Thời gian qua, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam, nhất là tình trạng bạo lực gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực  gia đình ở đây chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia, cờ bạc, nghiện ma tuý; trình độ dân trí thấp; thiếu hiểu biết pháp luật; dàn ông là người dân tộc thiểu số có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiểm soát được bản thân dẫn đến các hành vi bạo lực.  Bên cạnh đó, nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa vẫn chịu ảnh hưởng bởi các phong tục lạc hậu, trọng nam khinh nữ, nhận thức người dân thấp; gia đình thường đông con, kéo theo đó là đời sống kinh tế  gia đình rất khó khăn. Do đó, việc sử đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cần phải có các quy định cụ thể để phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng bạo lực gia đình ở vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

HOÀNG HƯƠNG, ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top