Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến

Thứ Sáu 17/06/2022 | 18:12 GMT+7

VHO- Ngày 17.6, tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, tổ chức Tập huấn "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến" nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhận thức về kinh doanh online và chuyển đổi số.

Chuyển đổi số và thương mại điện tử đang là vấn đề được đông đảo người dân và doanh nghiệp quan tâm

Đồng thời, từng bước đưa các doanh nghiệp truyền thống áp dụng hình thức trực tuyến và sử dụng các công cụ quảng bá, tiếp cận thị trường, qua đó tối ưu hóa công tác marketing và tăng doanh số bán hàng. Chương trình được phối hợp thực hiện cùng Google và có sự tham gia đồng hành của các đối tác, hội viên VECOM.  

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (iDEA) Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) Cao Thị Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng và đại diện các đơn vị phối hợp bao gồm: Công ty Google, Công ty CP đầu tư và công nghệ OSB, Công Ty CP Công nghệ IMGroup, Công Ty CP Công Nghệ Haravan, Nền tảng Droppii….đã tham gia tập huấn.

Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung: Nền tảng kinh doanh trực tuyến và bán hàng sàn thương mại điện tử (TMĐT); các công cụ hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến được trình bày từ các diễn giả của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, và các đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế số như: Google, Haravan, Droppii, OSB và IMGroup.

Đặc biệt sau sự kiện offline, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức ba buổi tư vấn hướng dẫn chuyên sâu theo hình thức online cho đại biểu có mong muốn tìm hiểu chi tiết hơn về các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử và tiếp thị trực tuyến. Nội dung của 3 buổi tư vấn chuyên sâu gồm 3 chủ đề: Xây dựng kế hoạch kinh doanh online; Kỹ năng sử dụng các công cụ hỗ trợ xuất khẩu của Google; Kỹ năng kinh doanh xuất khẩu trên các nền tảng sàn TMĐT toàn cầu.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế và phiếu đăng ký của doanh nghiệp sau 02 buổi tập huấn chính, BTC sẽ tiến hành thẩm định, đánh giá. Các hồ sơ đạt yêu cầu sẽ được BTC thông báo trực tiếp đến doanh nghiệp được chọn tham gia chương trình.

Chương trình tập huấn lần này đã theo sát nội dung thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp nên nhận được nhiều sự quan tâm tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ) thuộc nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau. Đa phần các doanh nghiệp tham dự đều có website riêng, có gian hàng trưng bày, bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử và có bộ phận chuyên đảm trách hoạt động bán hàng và tiếp thị trực tuyến.

Tuy nhiên, phần đông doanh nghiệp vẫn còn thiếu kinh nghiệm xuất khẩu trực tuyến và kinh doanh online, do đó, thông qua chương trình tập huấn này, các doanh nghiệp đang kỳ vọng sẽ thu thập thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm từ các chuyên gia để hoàn thiện và nâng cao khả năng tiếp thị, bán hàng trên môi trường thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến.

Các chuyên gia và diễn giả trình bày nhiều nội dung liên quan đến kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Trong lĩnh vực du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á năm 2019 đạt khoảng 29,7 tỉ USD và ước tính sẽ đạt 78 tỉ USD vào năm 2025. Tại Việt Nam, trong các loại hình hàng hóa/dịch vụ, du lịch trực tuyến chiếm 6% tổng số lượng sản phẩm dịch vụ được giao dịch phổ biến trên các website, ứng dụng di động, tỉ lệ người mua sắm trực tuyến đã từng đặt chỗ khách sạn/tour du lịch chiếm đến 31%. Nổi bật trong đó là các trang Agoda, Booking.com, Tripadvisor, Traveloka, Ivivu, chudu24.com....

Một khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2018 cho thấy: có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, các tỉ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới.

Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, thói quen tiêu dùng và hình thức kinh doanh đã thay đổi: chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Với khả năng tài chính và nguồn nhân lực hạn chế, các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền: Thời gian qua, những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở mọi quy mô đã liên tiếp trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ việc Covid-19 hoành hành khiến các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đóng cửa, mất nguồn nhân lực vận hành, tới việc giá xăng dầu tăng cao, bất ổn chính trị tại một số nơi trên thế giới đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, TMĐT đã nổi lên như một giải pháp cứu cánh, thậm chí là duy nhất cho các doanh nghiệp muốn triển khai các hoạt động xuất khẩu. Thấu hiểu và nắm bắt được điều này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống đã chuyển sang mô hình Xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới. Tăng cường chuyển đổi số, cũng như điều chỉnh mô hình, sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh và tốc độ để theo kịp thị trường.

Theo số liệu của VECOM, TMĐT xuyên biên giới năm 2021 tăng tới 25,7% so với năm 2020. Còn theo số liệu của Amazon, năm 2021, đã có 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp SME Việt Nam được bán thông qua sàn TMĐT này, tăng gần 35% so với năm 2020 trước đó. Những con số ấn tượng này đến từ xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, kết quả này còn là thành quả đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, lợi ích từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại qua môi trường trực tuyến do Cục TMĐT và KTS đã triển khai rất quyết liệt trong thời gian vừa qua.

Những kết quả trên còn minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu. Đáng nói, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ và Hợp tác xã từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến.

Doanh nghiệp quan tâm đến hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến và có hàng chục ngàn doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực tham gia

Về phía Cục TMĐT và KTS, tiếp nối những chương trình mà chúng tôi đã triển khai trong thời gian vừa qua, một chương trình tổng thể sẽ được khởi động trong thời gian tới nhằm hỗ trợ sâu sắc và hiệu quả hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, “Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến” có mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp đa lĩnh vực trong giai đoạn từ 2021- 2025 xuất khẩu thành công thông qua môi trường trực tuyến.

Các giải pháp, các chương trình và sự kiện chính bao gồm: Sàn thương mại điện tử ECVN nơi góp mặt của hơn 3.000 gian hàng nội địa với lượng traffic đạt gần 30.000 lượt một tháng đã và đang tiếp thị hơn 12.000 sản phẩm tới thị trường quốc tế.

Cổng thông tin Vietnamexport, một nền tảng cung cấp thông tin chính thống về tình hình xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế, với sự đồng hành của hơn 60 thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đảm bảo đem đến những thông tin mới nhất, những nhận định, đánh giá khách quan và sát với thực tế giúp doanh nghiệp có chiến lược phù hợp với sự biến động của thị trường.

Ứng dụng “Hỏi đáp và tư vấn thông tin xuất nhập khẩu” giúp trả lời nhanh chóng những thắc mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân về những quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực XNK do Bộ Công Thương quản lý thông qua hệ thống AI tiên tiến.

Chuỗi các hội nghị trực tuyến kết nối trực tiếp doanh nghiệp sản xuất với nhà nhập khẩu quốc tế. Trong các hội nghị này, ban tổ chức ngoài việc kết nối còn có các chương trình hỗ trợ trước, trong và sau sự kiện. Giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nắm bắt trọn vẹn thông tin và chuyển hóa thành công những cơ hội đến trong chương trình.

Ngoài ra còn các chương trình: Hỗ trợ “Xây dựng sản phẩm xuất khẩu từ A-Z thông qua TMĐT”; Giải pháp “Triển lãm trực tuyến theo hình thức thực tế ảo”; Giải pháp trong “Hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tư vấn chiến lược, đồng tổ chức sự kiện, cung cấp các công cụ thanh toán, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ngân hàng, truyền thông…

Với những kế hoạch cụ thể trên, Cục TMĐT và KTS kỳ vọng “Hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” sẽ nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia tích cực từ các đối tác nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xuất khẩu trên môi trường trực tuyến.

NGHIÊM HÙNG; ảnh: THANH TÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top