Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cửu vạn trong đêm ở chợ đầu mối lớn nhất xứ Quảng

Thứ Bảy 30/07/2022 | 10:15 GMT+7

VHO - Đêm xuống, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì cũng là lúc họ bắt đầu công việc mưu sinh của mình nơi chợ đầu mối nông sản TP. Quảng Ngãi. Thức một đêm ở đây mới hiểu hơn về hoàn cảnh, sự vất vả trong công việc, cũng như tâm tư của những người đánh đổi giấc ngủ của mình vì tương lai...

Nhọc nhằn mưu sinh
Từ 23 giờ đêm, chợ đầu mối nông sản TP.Quảng Ngãi đã bắt đầu tấp nập. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau đổ về trong chợ. Đây cũng là thời điểm đàn ông, phụ nữ với dụng cụ chủ yếu là chiếc xe kéo bắt đầu hành trình mưu sinh của mình. Họ đứng theo từng nhóm một, mắt luôn luôn hướng về những chủ hàng để chờ cái vẫy tay hay lời mời gọi. Cùng lúc đó một chiếc xe chở hàng vừa vào đến chợ, chưa kịp tắt máy, tốp chừng 5 - 7 người đã nhanh chóng mang theo xe kéo đến phân chia bốc vác nông sản từ trên xe di chuyển đến các chủ vựa. Những chiếc xe kéo chất đầy hàng, nặng đến vài tạ khiến việc di chuyển khó nhọc, vậy mà ai nấy cũng đều cố bước đi thật nhanh để bốc được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền trang trải cuộc sống.

Tốp 5-7 người nhanh chóng mang theo xe kéo đến phân chia bốc vác nông sản

Ở tuổi 50, bà Lê Thị Đào phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã có “thâm niên” 12 năm làm nghề cửu vạn. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi chảy ròng trên trán, bà Đào cho biết: "Một ngày làm việc tại chợ đầu mối thường bắt đầu từ 22 giờ đêm hôm trước đến 4, 5 giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm chúng tôi kiếm được từ 200 - 300 nghìn đồng. Ngày rằm, hàng trái cây nhiều, có thể kiếm được từ  500 - 600 nghìn đồng, làm hôm nào nhận tiền hôm đó. Với những người lao động tay chân thì đây là số tiền khá lớn, nhưng công việc nặng nhọc, tốn sức khiến nhiều người thường xuyên bị đau nhức xương khớp, bong gân. Ở đây mỗi người một hoàn cảnh, vì cuộc sống mưu sinh nên họ đã chọn cái nghề phải “lấy đêm làm ngày” vốn rất nặng nhọc, vất vả. Người thì ở quê không có đất làm ruộng, người nuôi vợ, nuôi chồng đau ốm, nuôi con...”. 

Những người phụ nữ nhanh nhẹn đẩy nông sản đến các chủ vựa

30 phút trôi qua, 7 người cửu vạn (trong đó có bà Đào) đã chuyển hết số hàng trên xe xuống kiot. Lân la hỏi chuyện mới hay hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Quỳnh (48 tuổi), ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) li dị chồng rồi một mình làm quần quật nuôi 2 đứa con ăn học. Người phụ nữ này dáng người gầy gò, ốm yếu kéo chiếc xe đẩy nép vào một góc. Khuôn mặt có phần nhăn nhó vì đau, bà Quỳnh lấy túi băng cá nhân treo trên xe kéo để băng lại một ngón chân bị trầy xước. Trước đây bà Quỳnh bán bánh bèo, cuộc sống sẽ bình lặng trôi qua nếu chồng bà không thường xuyên đi uống rượu, say xỉn rồi về nhà đánh vợ con. “Cách đây 5 năm, không thể tiếp tục chịu đựng, tôi quyết tâm ly dị chồng, một mình nuôi hai đứa con. Nghề bán bánh bèo không đủ trang trải cuộc sống nên tôi chuyển sang làm bốc vác”, bà Quỳnh bộc bạch.  
Bà Quỳnh kể, ngày đầu đi bốc vác hàng, về nhà đau người suốt mấy ngày liền, phải bỏ cơm. Tôi cũng định bỏ cả nghề nhưng khi nghĩ đến hai đứa con cần tiền để đi học và nhiều khoản chi tiêu trong gia đình, nên tôi quyết tâm bám trụ với nghề cửu vạn. Bà Quỳnh chi ra hơn 1 triệu đồng để sắm một chiếc xe kéo - công cụ kiếm cơm cần phải có của mỗi người làm nghề cửu vạn... Trò chuyện trong giây lát, bà Quỳnh vội kéo xe, hòa vào tốp người đang tất bật bốc vác hàng để tiếp tục công việc mưu sinh. Từng bao tải khoai, cà chua... được bà Quỳnh vác từ trên xe tải xuống, chất đầy chiếc xe kéo để chuyển đến các vựa hàng của tiểu thương. Bóng dáng liêu xiêu, từng bước chân nặng nề của bà Quỳnh đẩy chiếc xe kéo khắp chợ đầu mối... 
Thức trắng đêm vì tương lai các con
Những người thức trắng đêm làm ở đây ai cũng có hoàn cảnh khó khăn, họ đánh đổi giấc ngủ của mình không phải vì họ mà để tương lai con cháu sẽ không phải thức đêm mưu sinh như mình. Ở cái chợ này, tất cả mọi người ai cũng biết đến sự tảo tần của vợ chồng bà Đào, từ công việc bốc vác ở chợ đầu mối nông sản, vợ chồng bà đã nuôi 2 đứa con tốt nghiệp đại học và đứa con út vừa sang Nhật du học theo diện tự túc được hơn 1 tháng. “Trước đây, cả hai vợ chồng đều làm nghề bốc vác. Giờ còn lo mỗi đứa út nên ông chồng chuyển sang làm công việc khác vào ban ngày, mình tôi tiếp tục làm nghề này. Vợ chồng ít học nên cuộc sống khó khăn, bây giờ phải cố gắng để đời con mình sáng sủa hơn”, bà Đào cười hạnh phúc.

Quá đêm, ông Bùi Thanh Lưu (51 tuổi), ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), chạy chiếc xe máy cà tàng từ ngoài vào. Suốt 24 năm qua, mỗi ngày cứ đến gần 0 giờ, ông Lưu lại vượt 10km để đến chợ làm công việc bốc vác. Ông Lưu cho biết, những người làm nghề cửu vạn như chúng tôi hay đùa với nhau rằng, mình sống ở Việt Nam nhưng giờ giấc sinh hoạt như ở Mỹ. Có cái khác là lúc người ta ngủ thì mình thức nhưng lúc họ thức chưa chắc mình đã ngủ vì còn phải lo toan chuyện ruộng vườn, nhà cửa. Bởi vậy, làm việc ở chợ đầu mối đa phần là người lớn tuổi, làm lâu năm đã quen với việc thức đêm. Có nhiều người đến làm thử một vài hôm không chịu nổi vất vả, không thức đêm được nên nghỉ việc. Làm nghề này, trước hết là phải có sức khỏe, nhanh nhẹn. 

Chợ đầu mối nông sản TP. Quảng Ngãi nơi mưu sinh của cửu vạn

Những người làm nghề cửu vạn đổi sức lao động để kiếm tiền mưu sinh. Tuy vậy, có những hôm bị mất hàng, tiền công lao động không đủ để bù. Mỗi thùng hàng 10kg, tiền công bốc vác, di chuyển đến thương lái chỉ nhận được 1.000 - 2.000 đồng, nhưng nếu chẳng may bị mất hàng phải đền đến vài trăm nghìn đồng. Mấy loại trái cây như táo Mỹ hay măng cụt có giá cao phải đền cả triệu đồng. Lỡ làm mất hàng thì hôm đó xem như làm cả đêm không đủ bù tiền. 
Càng về khuya, nhịp làm việc càng tấp nập. Những chiếc xe kéo cùng những đôi chân không mỏi cứ vậy ngược xuôi đến mọi góc chợ. Một luồng gió mạnh mang theo cơn mưa mùa hè đến bất chợt khuấy động cả bầu trời đêm. Nhịp lao động tại chợ có phần bị xáo trộn bởi cơn mưa nhưng những chuyến xe chở hàng vẫn liên tục ra vào, công việc của họ vẫn tiếp tục. Tiếng kéo hàng, bước chân hối hả, tiếng hò la thúc giục bốc hàng vẫn vang lên không ngừng, bởi trì hoãn thời gian đồng nghĩa với việc tiền thù lao sẽ bị giảm. Mùa nối mùa, dẫu nắng mưa, sương gió, những người làm nghề cửu vạn ở chợ vẫn dầm mình giữa trời đêm làm việc không ngơi nghỉ. 

Một cửu vạn chất hàng di chuyển cho thương lái kết thúc một đêm mưu sinh

Chợ đầu mối nông sản TP Quảng Ngãi hiện có hơn 70 người làm nghề cửu vạn, chủ yếu ở độ tuổi từ 35 - 60. Người làm lâu thì hơn 20 năm, người ít hơn thì cũng đã gắn bó được 5 - 7 năm. Mỗi người mỗi cảnh ngộ, mỗi duyên phận, nhưng tất cả đều vì mưu sinh nên gắn bó với nghề “lấy đêm làm ngày” đầy nặng nhọc, vất vả này. 
Mặt trời ló dạng. Bóng xe tải thưa dần. Khi nhịp sinh hoạt ở thành phố đang chuẩn bị nhộn nhịp trở lại thì những người làm nghề cửu vạn tại chợ đầu mối nông sản sắp kết thúc công việc sau một đêm dài vất vả. Họ mang theo số tiền vừa kiếm được trở về nhà, với niềm vui gia đình sẽ có bữa ăn ngon, gánh nặng chi phí hằng ngày tạm vơi bớt... 

NHƯ ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top