Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghề lo cho người... “thiên cổ”

Thứ Tư 03/08/2022 | 09:47 GMT+7

VHO- Đội thợ hơn 10 người, “trẻ” nhất cũng 65 tuổi, có người đã trên 80, gia cảnh đều khấm khá nhưng họ lại chọn và gắn bó với công việc di dời mồ mả. Quan niệm “nghề đã chọn mình” nên cả đội luôn tâm nguyện sẽ tận lực gắn bó đến hết đời với công việc đặc biệt này.

 

Không quản nắng, mưa, đội thợ luôn cần mẫn, chu đáo với công việc

Ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có nhiều nhóm thợ làm nghề bốc mộ (di dời mồ mả), nhưng không ai là không biết đội của ông Nguyễn Truyền bởi cái tâm trong sáng và làm việc uy tín, hiệu quả. Đặc điểm để nhận dạng những thành viên trong nhóm là vóc dáng nhỏ gầy, khắc khổ, nhưng khi vào việc thì ai cũng nhanh nhẹn, chỉn chu, cần mẫn với công việc. Họ thường bảo, cái “tạng” người đen đen, ốm ốm, khắc khổ ấy chắc là do đặc thù công việc nó sinh ra thế. Bất kể trời nắng hay mưa, khi đã nhận lời với gia chủ, cả đội không quản khó khăn, lăn lộn, rong ruổi khắp các nghĩa trang ở các vùng Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ.

Hầu hết các thành viên trong nhóm kinh tế gia đình đều ổn định, thậm chí khá giả, sung túc, nhưng không ai chịu bỏ nghề. Với họ, di dời mồ mả không phải là công việc kiếm sống bình thường. Ông Nguyễn Cừ (thôn Vân Tiên, xã Bình Đào) năm nay đã 77 tuổi, theo nghề từ khi mới 15. Hơn 60 năm “công tác”, ông bảo, trước đây thi thoảng nghỉ vài ngày để lo chuyện đồng áng, nhất là mỗi khi vào vụ, nhưng nay chỉ đến Tết mới được nghỉ. “Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống sung túc nên con cháu hướng về tổ tiên ông bà, nhiều tộc họ có điều kiện quy tập mồ mả về một khu, rồi lại có nhiều nghĩa trang nằm trong vùng quy hoạch, nên chúng tôi bận việc quanh năm. Đã nhận thì phải làm cho tận tâm, cẩn thận, vì thế không lúc nào là được ngồi chơi nhàn rỗi”, ông Cừ kể.

Theo chân họ mới thấu hiểu nỗi khó nhọc của cái nghề lo cho người thiên cổ. Và cũng vì thế mà cũng hiểu và cảm phục hơn với những người thợ đặc biệt này. “Thường xuyên dầm mưa, đội nắng để cho kịp giờ tốt, ngày tốt của gia chủ là điều đương nhiên rồi vì chuyện này không thể làm qua loa, chiếu lệ. Nhiều khi gặp trời mưa là cả đội lội bì bõm mò tìm hài cốt trong nước sâu đến tận cổ. Dấn thân với nghề thì chấp nhận khó khăn, vất vả, không nề hà”, ông Vũ Khắc Lâm (75 tuổi, thôn Phước Long, xã Bình Đào) tâm sự.

 Những bàn tay đen đúa, chai sần, nhưng khi vào việc lại nhẹ nhàng, cẩn thận không ngờ

Họ thường xuyên dùng bữa trưa, bữa xế vội vã ngay tại khu nghĩa địa để kịp tiến độ công việc. Nước da đen sạm, bàn tay nhăn nheo vì ngâm nước, nhưng lạ kỳ, khi vào việc, những đôi tay chai sần ấy lại nhẹ nhàng, tỉ mỉ, cẩn thận không ngờ. Có những ngôi mộ lâu năm lệch vị trí phải dò tìm, họ kiên nhẫn dùng các thanh sắt để xăm thuốn từng vị trí, gặp được hài cốt thì dùng đĩa nhẹ nhàng bốc lên để không làm vỡ, rồi xếp vào những chiếc tiểu sành để chuẩn bị di dời sang nơi an nghỉ mới. Mọi việc đều được làm hết sức cẩn thận, chu đáo.

Chú Nguyễn Truyền (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều) là trưởng nhóm, được đánh giá là uy tín, kinh nghiệm chia sẻ: “Người theo nghề nhạy cảm này phải tâm niệm là làm để tích đức lại cho con cháu. Chúng tôi luôn nhắc nhau, tuyệt đối không được cẩu thả, làm qua loa lấy tiền, như thế là thất đức. Nhất là khi di dời các ngôi mộ cổ, lâu năm. Chẳng hạn như có ngôi mộ chôn chung đến 2-3 hài cốt, rồi có ngôi người mẹ sinh đôi cả 3 mẹ con đều tử vong, 2 thai nhi được an táng trên bụng mẹ. Nếu vội vàng hoặc quan sát không kỹ, chỉ bốc 2 hài cốt hài nhi mà quên hài cốt người mẹ nằm dưới nữa, hoặc bốc sót hài cốt trong những ngôi mộ an táng chung là mang tội”. 

HẢI MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top