Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Ma trận” dạy văn hóa trong trường nghề

Thứ Sáu 05/08/2022 | 09:59 GMT+7

VHO- Từ năm học 2022- 2023, các cơ sở GDNN phải phối hợp với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa cho học viên, thay cho việc tự tổ chức dạy học.

Các quy định cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền học tập suốt đời (ảnh minh họa)

 Đây là vấn đề từng được thảo luận, với nhiều ý kiến trái chiều trong suốt 2 năm qua, nhưng tới hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất về quan điểm giữa các Bộ liên quan.

Trường nghề không đủ điều kiện dạy chương trình 7 môn

Ngược trở lại năm 2020, Bộ GD&ĐT có văn bản quy định: Nếu học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, muốn học thêm văn hóa để thi tốt nghiệp THPT (tức chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT 7 môn), thì trường nghề phải phối hợp với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (TTGDNN) - GDTX (Giáo dục thường xuyên) để tổ chức giảng dạy. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT tái khẳng định, từ năm học 2022-2023, các trường nghề có dạy chương trình 7 môn phải liên kết với các TTGDTX; chỉ những khóa tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước đang tiến hành dạy học văn hóa cấp THPT do trường nghề đảm nhiệm mới được tiếp tục thực hiện.

Bộ GD&ĐT lý giải, theo quy định của Luật giáo dục 2019, chương trình GDPT và chương trình GDTX cấp THPT phải thực hiện với thời lượng đủ 3 năm. Nhưng Luật GDNN 2014 lại quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1-2 năm học, tùy theo chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, với khoảng thời gian đó, học viên không thể vừa học chương trình trung cấp, vừa hoàn thành được chương trình văn hóa để đủ điều kiện dự thi, cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Đầu tháng 8.2022, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Chương trình GDTX cấp THPT mới - nằm trong khung chương trình tổng thể GDPT 2018, được thực hiện từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10. Chương trình gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục là: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp (bắt buộc) và 4 môn lựa chọn trong số các môn Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ. Ngoài ra, còn có thêm các môn học, hoạt động tự chọn gồm: Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, Nội dung GD địa phương. Thời gian mỗi năm học là 35 tuần/lớp; mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút và phải học đủ 3 năm mới đủ điều kiện thi cấp bằng tốt nghiệp THPT - điều kiện tiên quyết để những trường hợp học trung cấp nghề có thể thi liên thông lên đại học.

Với chương trình vừa ban hành này thì chỉ TTGDNN - GDTX mới đủ điều kiện dạy học. Mặt khác, Luật giáo dục 2019 cũng quy định “học viên học hết chương trình GDTX cấp THPT không dự thi tốt nghiệp hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu TTGDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT”. Điều này là không thể thực hiện nếu TTGDTX không dạy học viên. Như vậy, để học viên sau khi tốt nghiệp THCS có thể hoàn thành chương trình 7 môn học ở cấp THPT hệ GDTX, các trường nghề bắt buộc phải phối hợp, liên kết với các TTGDNN - GDTX để tổ chức dạy học.

80% nhu cầu được học chương trình 7 môn

Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) cho biết: Luật GDNN 2014 và Luật Giáo dục 2019 quy định các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh đã tốt nghiệp THCS theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhưng điều kiện của các trường (xét cả về lực lượng giáo viên, cơ sở vật chất và tổng quỹ thời gian đào tạo) chỉ đủ để dạy chương trình 4 môn. Người đứng đầu các cơ sở này được quyền cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT chương trình 4 môn. Tuy nhiên, giấy này chỉ được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của GDNN mà không đủ điều kiện để dự thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, theo một số liệu thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, có đến 80% trong số 350.000 học viên tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp hàng năm vừa có nhu cầu vừa học nghề vừa muốn tiếp tục học văn hóa.

Đại diện nhiều trường nghề đã lên tiếng về vấn đề này. ThS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Quảng Nam cho rằng, nếu tổ chức học nghề ở trường và học văn hóa ở TTGDNN - GDTX thì sẽ khá chồng chéo, bất cập. Chỉ xét ở khía cạnh sắp xếp thời gian để không trùng thời khóa biểu đã rất khó khăn vì trường nghề sẽ phải chạy theo trung tâm. Nhiều kế hoạch của trường như thực hành, thực tập tại doanh nghiệp hay các hoạt động khác đều bị động.

Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết, trước đây Trường đã đầu tư đủ điều kiện để có thể vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề. Trên thực tế, với quy định mới, giáo viên của trường vẫn dạy học, còn việc quản lý thì do Trung tâm đảm nhiệm. Nhưng mô hình này nảy sinh nhiều bất cập, phiền hà, lãng phí. Ông Ngọc cho rằng, cần phải linh hoạt, cho phép các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện tổ chức và quản lý việc dạy văn hóa. Việc này cũng tăng trách nhiệm cho các trường trong việc đảm bảo chất lượng, đồng thời tạo chủ động cho cơ sở đào tạo linh hoạt sắp xếp chương trình, xây dựng ‘thương hiệu” riêng. Cách quản lý mềm dẻo đó trước hết mang lại lợi ích cho người học, khuyến khích nhiều người học chọn con đường học nghề, thúc đẩy mục tiêu phân luồng sau THCS.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường CĐ Y Thái Bình cho rằng: “Nếu các trường nghề chỉ được dạy khối kiến thức văn hóa 4 môn, đủ điều kiện học liên thông lên cao đẳng nghề, nhưng chưa đủ để tốt nghiệp THPT thì sẽ gây khó khăn nếu học viên muốn thi tuyển vào các vị trí viên chức, công chức vì các nơi đều yêu cầu có bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng, nếu học chương trình 7 môn thì lại xảy ra khó khăn khác, vì thế, muốn khích lệ học nghề, nhất là phân luồng sau THCS thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho học viên. Các quy định phải linh hoạt hơn”.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ,TB&XH) cũng đồng tình rằng các quy định cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia GDNN, để có thể vừa học văn hóa vừa học nghề, và căn bản nhất phải lấy “lợi ích của người học là số 1”, phải cùng vì mục tiêu chung là phân luồng, liên thông, tạo điều kiện cho người dân được quyền học suốt đời.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ GD chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cách thiết kế chương trình văn hóa cho học viên trường nghề như cho học sinh THPT để có thể thi tốt nghiệp THPT là đi ngược với xu thế thế giới. “Các quốc gia phát triển, kiến thức văn hóa trong trường nghề được thiết kế gắn bó mật thiết với nghề nghiệp được đào tạo. Từ đó, học viên được mở rộng kiến thức văn hóa liên quan tới nghề nghiệp các em đã chọn học, điều đó sẽ giúp các em có sự hiểu biết, đam mê với nghề nghiệp trong tương lai”, ông Vinh bày tỏ quan điểm và cho rằng với những chương trình tích hợp như thế cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Bộ chủ quản.

Và với các chương trình văn hóa như thế này, đương nhiên phải được dạy trong trường nghề để đảm bảo sự gắn kết với đặc thù đào tạo nghề, xét cả về điều kiện dạy học và nội dung dạy học. 

 KỲ THANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top